3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 5): Hà Tĩnh tự tin là cực tăng trưởng của cả nước

(Baohatinh.vn) - Với những kết quả KT-XH hiện tại, có thể khẳng định rằng, những lựa chọn phát triển của Hà Tĩnh đang được thực hiện hợp lý, có cơ sở và bước đầu mang lại niềm tin thắng lợi…

Những lựa chọn phát triển được thực hiện hợp lý

Bước vào quý 2/2016, sự cố môi trường biển xảy ra ảnh hưởng mọi mặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đời sống nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Vừa khẩn trương tìm nguyên nhân, vừa khắc phục sự cố, vừa “an dân”, chi trả đền bù đúng đối tượng, lại vừa phải xốc lại tinh thần để khôi phục và phát triển là những nhiệm vụ tiên quyết Hà Tĩnh thực hiện ở thời điểm ấy.

Quyết liệt, thận trọng, không để sai sót là “kim chỉ nam” trong mọi hoạt động điều hành, chỉ đạo của hệ thống chính trị Hà Tĩnh thời gian qua. Đến nay, “tâm chấn” Hà Tĩnh đã có sự phát triển đáng mừng.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 5): Hà Tĩnh tự tin là cực tăng trưởng của cả nước

Khu vực công nghiệp - xây dựng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh. Ảnh Đình Nhất

Trong chuyến thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rằng: Hà Tĩnh - nơi trước đây chỉ được nhắc đến với sự khô cằn của sỏi đá và ô nhiễm, nay đã có sự hồi sinh với nhiều thành tựu. Quy mô nền kinh tế Hà Tĩnh chiếm 1,1% quy mô cả nền kinh tế và xu hướng tăng lên. Đến lúc Hà Tĩnh tự tin mình là một cực tăng trưởng của cả nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Khái quát về tình hình KT-XH Hà Tĩnh những năm gần đây, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh cho biết: “Do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, năm 2016, kinh tế suy giảm sâu khi tăng trưởng kinh tế -15,31%; năm 2017 đã phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng 10,71%; năm 2018 có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước với 20,8% và 6 tháng đầu năm 2019 dự kiến tăng trưởng 12,78%, cao thứ 2 khu vực Bắc trung bộ, thứ 5 toàn quốc. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế không còn dựa vào vốn đầu tư như giai đoạn 2011-2015, mà chủ yếu do sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là công nghiệp chế biến…”

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 5): Hà Tĩnh tự tin là cực tăng trưởng của cả nước

Hà Tĩnh ngày càng hiện đại, văn minh

Con đường phát triển hiện nay của Hà Tĩnh không chỉ xây dựng NTM mà còn gắn với đô thị văn minh; sản xuất công nghiệp sắt thép nhưng tập trung thu hút đầu tư công nghiệp sau thép, dịch vụ cảng biển; chú trọng khu vực phía Nam nhưng cũng dành tâm sức để hài hòa khu vực phía Bắc và những vùng có tiềm năng; vừa phát triển du lịch biển lại tập trung khai thác du lịch sinh thái, tâm linh… Và, với những kết quả KT-XH hiện tại, có thể khẳng định rằng, những lựa chọn phát triển của Hà Tĩnh đang được thực hiện hợp lý, có cơ sở và bước đầu mang lại niềm tin thắng lợi…

“Nói một cách công bằng và khách quan nhất, tôi đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo cân đối của hệ thống chính trị Hà Tĩnh thời gian qua. Đặc biệt, kể từ sau sự cố môi trường đến nay, Hà Tĩnh đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, để từ có củng cố và tiến lên. Cân đối ở đây được hiểu là sự đầu tư phát triển đồng đều, vừa tạo động lực tăng trưởng từ lĩnh vực công nghiệp, nhưng cũng tập trung cho nông thôn mới; vừa quan tâm đầu tư ở khu vực phía Nam lại cũng khai thác tiềm năng ở vùng phía Bắc…” - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ký nhận định.

"Tổn thương" – phục hồi - tăng trưởng

Bị “tổn thương” rõ ràng và nặng nề nhất sau sự cố môi trường là những lĩnh vực dựa vào biển để phát triển, những người dựa vào biển để mưu sinh. Du lịch biển, ngư dân, các hoạt động thương mại – dịch vụ khác theo đó cũng “thảng thốt” một thời gian. Tàu cá nằm bờ, có nhớ biển mà ra khơi cũng không tiêu thụ được; du lịch biển vốn dĩ sôi động là thế nhưng trong mùa hè năm ấy lại “buồn hiu hắt”, “lặng như tờ”…

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 5): Hà Tĩnh tự tin là cực tăng trưởng của cả nước

Du lịch biển đã hồi sinh mạnh mẽ. Ảnh PV

Thế nhưng, với sự nỗ lực giám sát chặt chẽ công tác khắc phục sự cố và đảm bảo các chỉ số quan trắc môi trường, chất lượng thủy hải sản, chi trả tiền đền bù, hỗ trợ để bà con tái đầu tư sản xuất cũng như hàng loạt các giải pháp chỉ đạo điều hành khác, kinh tế biển đã phục hồi và phát triển.

Chỉ sau 1 năm, biển Hà Tĩnh đã hồi sinh, người dân quay lại với biển khi lượng du khách trên địa bàn tỉnh tăng 173% so với cùng kỳ 2016, hoạt động khai thác thủy hải sản lại quay về với nhịp sống bình yên… Và đến nay, du lịch biển đã khẳng định được sự phát triển khi đón hàng vạn lượt khách/ngày (năm 2018, đón gần 1 triệu lượt khách du lịch biển), sản xuất thủy sản duy trì tăng trưởng khá cả về nuôi trồng và khai thác.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 5): Hà Tĩnh tự tin là cực tăng trưởng của cả nước

Hoạt động đánh bắt thủy hải sản đã và đang duy trì mức tăng trưởng khá.

Đặc biệt, đồng hành với việc khắc phục hoàn chỉnh 53 lỗi vi phạm về môi trường, Formosa Hà Tĩnh cũng đã tập trung ổn định sản xuất dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của đơn vị liên quan. Theo đánh giá, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, trở thành hạt nhân tăng trưởng của tỉnh, đóng góp một phần vào tăng trưởng cả nước. Sau sự sụt giảm mạnh năm 2016 (-27,33%) thì tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2017 đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với mức tăng 28,71% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đó, năm 2018, tăng 48,9% và tiếp tục khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế…

Hà Tĩnh với tiềm năng, lợi thế cùng những ưu đãi mời gọi đầu tư đã thực sự trở thành “điểm dừng chân” của hàng loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, bên cạnh việc “đổ bộ” một lượng vốn lớn từ FDI, Hà Tĩnh đã có sự dịch chuyển đáng kế dòng vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng…

Một điều đáng ghi nhận rằng, Hà Tĩnh đã xác định được điểm “ngưỡng” của sản xuất công nghiệp sắt thép để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất các lĩnh vực công nghiệp khác như: Công nghiệp phụ trợ sau thép, logistics, năng lượng sạch… Điều đó được thể hiện rất rõ trong công tác điều hành, chỉ đạo với những chính sách tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa thu hút đầu tư, “rải thảm đỏ”, mời gọi đầu tư…

Công nghiệp có mức tăng trưởng cao top đầu cả nước nhưng nông nghiệp, nông thôn, nông dân không hề kém cạnh khi phong trào xây dựng NTM trở thành những hình mẫu để các địa phương khác học và làm theo. Những miền quê NTM đáng sống, những kết quả xây dựng làm yên lòng bà con nhân dân, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang ngày một làm tươi mới hơn bức tranh “tam nông” trên địa bàn.

3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 5): Hà Tĩnh tự tin là cực tăng trưởng của cả nước

Nông thôn Hà Tĩnh ngày cành nhiều những miền quê đáng sống.

Đặc biệt hơn, sau thời điểm sự cố môi trường biển, các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cực đoan đẩy mạnh các hoạt động chống phá, gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, lôi kéo, kích động biểu tình, khiếu kiện đông người, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương. Thế nhưng, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, cơ bản Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp để vượt qua cơn “bĩ cực”, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tại cuộc họp đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định: Sự cố môi trường biển tác động hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng cả nhiệm kỳ 2015 - 2020, dự báo cả nhiệm kỳ chỉ đạt 7,6 -7,8%. Tuy vậy, kết quả đạt được trong 3 năm đầu nhiệm kỳ khẳng định rằng, Hà Tĩnh đã bình tĩnh trong xử lý sự cố môi trường biển, tập trung ổn định để phát triển KTXH trên cơ sở dân chủ và đoàn kết. Những năm đầu nhiệm kỳ, Hà Tĩnh đã tạo được không khí dân chủ, sự đồng thuận của người dân để vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển.

Tin liên quan:
  • 3 năm sau sự cố môi trường biển (bài 5): Hà Tĩnh tự tin là cực tăng trưởng của cả nước
    Bình yên tuyến biển, ngư dân Hà Tĩnh vững bước vươn khơi

    Gìn giữ, nâng niu sự yên bình để tận hưởng, để lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, đó là những việc làm, những giá trị đang hiện hữu trong mỗi gia đình của người dân quanh KKT Vũng Áng nói riêng và người dân vùng biển ở Hà Tĩnh nói chung…

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast