Trận đùa

Đêm đầu tiên thằng nhỏ về nhà, nó khóc thiếu điều muốn ói ra mật xanh, dỗ thế nào cũng không nín.

tran dua

Chị hết hát ru rồi đến ẵm đi khắp phòng, đồ chơi đầy phòng mà chẳng có cái nào thằng nhỏ ưng. Anh chồng chưa kịp mừng vì nhận lại được con sau hai năm bệnh viện trao nhầm thì đêm ấy phải nghe thằng nhỏ khóc thét vì lạ chỗ, lạ người. Hết đứa bé khóc rồi đến chị khóc.

Chị mếu máo với anh chồng, không biết thằng cu Bin bên kia có lạ chỗ mà khóc ré lên như vậy không? Không biết chị nhà bên ấy có mua đúng sữa cu Bin hay uống không? Cu Bin có thói quen vỗ lưng mới chịu ngủ, không biết thằng nhỏ ra sao?

Thằng háu ăn, hiếu động nữa, không biết chị ấy có mắng phạt nó không? Đêm ấy, anh chồng nghe không biết bao nhiêu lần cái điệp khúc không biết...

Chị thuộc từng cái nốt ruồi, từng thói quen của thằng nhỏ. Tự dưng chị nhớ lúc càm ràm với chồng, không biết cu Bin giống ai mà ăn mặn dữ thần, hai vợ chồng mình có cao đâu mà sanh thằng nhỏ có cái cặp giò dài giống cầu thủ đá banh quá...?

Rồi đến lúc anh chồng lờ mờ đôi mắt Hàn Quốc của thằng nhỏ giống anh hàng xóm, chị khóc ròng với cái ý nghĩ của chồng. Về quê đám giỗ, cả dòng họ trề môi, nhún nhảy khi đứa cháu đích tôn chẳng giống ai, nguyên gánh con cháu chẳng ai “dị thường” như nó.

Cho đến một tối, anh chồng nhậu say về, chị nhận hai bạt tai với câu hỏi thằng nhỏ là con ai? Chị giận, bồng cu Bin về ngoại tuốt ở Miệt Thứ.

Ngày anh chồng giọt ngắn, giọt dài đón mẹ con chị về mà chị vẫn chưa nguôi, lỡ những rạn nứt không rõ hình hài còn âm ỉ cháy. Rồi biết đâu đấy, một sáng nào đó anh chồng lại nhận ra anh hàng xóm có điểm gì giống với thằng nhỏ mình ẵm trên tay!

Để trưa nọ, lúc cu Bin lẫm chẫm tập đi trước sân nhà, có người tận ngoài Bắc vào rủ chồng chị đi xét nghiệm ADN tìm lại con.

Vợ chồng người Thái Bình có giọng nói chị nghe tiếng được tiếng mất nên phải hồi lâu chị mới hiểu được nguồn cơn cái việc họ phải bồng chống nhau vào miền Nam sinh nở... Rồi ra mọi chuyện thế này.

Cầm tờ giấy xét nghiệm chẳng biết nên buồn hay nên vui. Chỉ biết con người đâu phải cái cây, cái cột, nói bứng đi là bứng. Cảnh hai người mẹ đổi con cho nhau trước cổng bệnh viện chẳng khác nào kêu mỗi người cắt đi khúc ruột mình một lần nữa. Cảnh đó mà đưa vô phim khán giả cũng khóc thấy ông bà ông vải chứ chẳng chơi.

Lật tờ báo coi mới biết, có thể trong lúc tắm rửa sau sinh dấu mực được đánh trên tay bé bị phai nên mới dẫn đến việc trao nhầm. Đó là phần trả lời của bệnh viện cho những dằng dặc rối bời không biết phải bắt đầu từ đâu.

Những lúc chị khóc mù trời, anh chồng say xỉn đổ quạu với thằng con, nỗi đau đó không biết nữ hộ sinh trao nhầm hai đứa bé sanh cùng ngày ấy có biết. Hay trong lúc nào đó nữa cô lại hớ hênh bóc bé gái con chị Bảy đưa cho chị Ba nào thì khổ.

Người lớn mặn lạt thế nào, chứ hai đứa nhỏ khóc khan tiếng, đứa gọi má, đứa gọi mẹ. Mà đầu dây điện thoại bên kia cứ luôn miệng bảo nín đi con... Hai năm xa cách, nhìn đứa con mình đứt ruột đẻ ra, chị vừa mừng vừa tủi.

Rủi trong những ngày nhà bên ấy lục đục chuyện giống nhau, khác nhau, thằng bé có bị ghẻ lạnh hay bị người cha bỏ đói hay không. Nhìn đứa con ngủ vì kiệt sức vừa thương vừa tội. Biết đến khi nào con mới quen hơi chị và chị không lạ lẫm khi vuốt cái đầu không có sọ khỉ của con.

Áng chừng vài ba bữa chị lại gọi hỏi thăm thằng con trai hụt, chị không gọi thì nhà bên ấy gọi. Chắc vì họ cũng nhớ đứa con hụt nhà mình. Hai người mẹ kể cho nhau nghe những lần con bệnh, lúc con bập bẹ nói tiếng đầu tiên, thôi nôi con bốc vật gì, con thích phim hoạt hình nào.

Những câu chuyện ấy ngày một dài thêm, hai người mẹ như muốn nắm níu cái tuổi thơ của con. Để biết đâu đấy một khi đứa con hỏi, lúc nhỏ con thích cái gì, người mẹ còn biết mà trả lời cho con. Sự thiếu hụt tình thương ấy sẽ bù đắp như thế nào nếu mốt mai, con của chị thắc mắc về cái đứa trẻ trong hình lạ huơ lạ hoắc mà anh chị ẵm trên tay với nụ cười hạnh phúc.

Tối nay, chị sợ đứa con lạ hơi vì mồ hôi của chị, chứ không phải mùi nước hoa thơm nồng quen thuộc.

Con nít chắc mau làm quen, bởi những ký ức của nó chưa thành rãnh thành lằn như mẹ nó. Nghĩ, cô y tá trao nhầm trẻ giờ chắc ngủ ngon lành, như cái hôm chị tới bệnh viện nói cho ra lẽ, cổ nói “con chị có chết đâu mà làm dữ”.

Chồng chị cũng nói vậy, con mình có sao đâu, đổi lại là được, có vẻ anh hớn hở vô cùng vì cuối cùng bản án âm thầm anh đợi một ngày nào tuyên cho vợ, giờ không cần thiết nữa. Thằng nhỏ này đúng là con anh, giống hệt, như cắt mặt để qua.

Truyện 1.007 chữ của NGUYỄN CHÍ NGOAN

(Theo tuoitre.vn)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast