Thư viện cấp xã trong tiến trình xây dựng nông thôn mới

Từ trước tới nay, trong nhiều biện pháp góp phần nâng cao dân trí ở nông thôn thì việc xây dựng, củng cố các thư viện cấp xã là việc làm tiết kiệm, thiết thực đem lại lợi ích to lớn...

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều địa phương tiêu biểu như: Xuân Đan (Nghi Xuân), Thạch Linh (lúc đó thuộc huyện Thạch Hà), Đức Đồng, (Đức Thọ), Trường Lưu (Can Lộc), Thạch Châu (Lộc Hà) v.vv.. đã đẩy mạnh phong trào xây dựng các thư viện làng, xã. Các thư viện lúc đó tuy còn nghèo về cơ sở vật chất, sách, báo, tạp chí nhưng đã giúp ích rất nhiều cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến, hướng dẫn khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Mảng sách văn học, sách truyện của các nhà xuất bản đã thu hút đông đảo bạn đọc, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí cho người nông dân ở vùng nông thôn vốn “đói” sách, báo.

Thư viện khuyến học Hoa Cương ở xã An Lộc giúp những người dân nghèo ven biển Lộc Hà tiếp cận tri thức
Thư viện khuyến học Hoa Cương ở xã An Lộc giúp những người dân nghèo ven biển Lộc Hà tiếp cận tri thức

Theo ông Phan Văn Kiên (Đức Thọ), từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, do nhiều nguyên nhân, phong trào xây dựng, củng cố thư viện làng, xã bị mai một.Không ít sách, báo, tạp chí thất lạc, hư hỏng, cơ sở vật chất như kho sách, phòng đọc, trang thiết bị hoặc bị thanh lý hoặc chuyển sang sử dụng vào việc khác. Trừ một số xã như Thạch Châu, Xuân Đan…còn các địa phương khác ít quan tâm việc xây dựng, củng cố lại. Hiện nay, xã nào cũng có “Tủ sách pháp luật”, với một số lượng sách, báo khá lớn đặt ở trụ sở UBND xã, nhưng hầu như… đóng khoá suốt ngày, có chăng chỉ phục vụ cán bộ xã mà thôi(!).

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ở trong nhân dân, nhất là những cán bộ, giáo viên, bộ đội về hưu còn giữ rất nhiều sách văn học, sách khoa học v.vv.. mà chủ nhân những cuốn sách ấy nay không còn có nhu cầu sử dụng nữa, chỉ lưu giữ làm kỷ niệm hoặc chưa có chỗ tin tưởng để ủng hộ. Trong khi đó, rất nhiều người muốn đọc thì lại không có điều kiện, tạo nên nghịch lý giữa cung và cầu.

Các ông Đinh Văn Huấn (Hương Sơn), Bùi Bá Xuân (Thạch Hà) và nhiều người dân khi được hỏi ý kiến đều cho rằng: sự nghiệp đổi mới mang lại cho nông thôn nhiều khởi sắc, một số gia đình kinh tế khá đã tự đặt mua sách, báo, nhưng phần lớn nhân dân dù có nhu cầu đọc cao, vẫn chưa có khả năng mua sách, báo. Trong hoàn cảnh đó nếu có thư viện cấp xã thì người nông dân có thể chỉ phải mua một lần thẻ bạn đọc là được đọc sách trong một thời gian dài và số lượng bản sách nhiều hơn.Có thư viện thì mới lưu giữ sách báo của xã cũng như quyên góp của nhân dân hoặc người dân tin tưởng ký gửi sách của mình vào thư viện phục vụ được nhiều người đọc.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành xây dựng nông thôn mới, thư viện cấp xã sẽ là nơi người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận với kiến thức tổng hợp. Sách, báo, tạp chí…sẽ được khai thác, sử dụng với công suất cao nhất, mang lại lợi ích to lớn về mọi mặt kinh tế-xã hội. Vì vậy trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các địa phương nên tính đến việc xây dựng thư viện cấp xã.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast