Chợ trâu bò vùng Thượng…

(Baohatinh.vn) - Sông Rào Trổ chảy xuôi chia đôi 2 xã Kỳ Lâm và Kỳ Sơn (Kỳ Anh). Ở đôi bờ con sông ấy có phiên chợ quê khá độc đáo. Độc đáo vì ngày họp chợ được tính theo lịch tây (dương lịch) chứ không phải lịch ta (âm lịch) như thông thường. Độc đáo vì cứ vào ngày 10, 25 hàng tháng thì chợ họp bên bờ sông của Kỳ Lâm, còn đến ngày 15, 30 thì chuyển về bên bờ sông của Kỳ Sơn. Chợ chỉ mua - bán mỗi trâu, bò...

Từ sáng sớm, ông Bảng - người ông bên nhà vợ, từ Hà Nội về cưới cháu trai, đã giục tôi dậy sớm để ra chợ. Trời vẫn đang se lạnh. Trên bàn thờ phía trong nhà vẫn còn 3 cây hương cháy dở. Lòng tôi chợt chùng xuống trong niềm xúc động, bởi tôi biết ông đang nhớ về bố vợ tôi - một “lái” trâu, bò có tiếng đã mất vì bạo bệnh, cũng như đang nhớ về những phiên chợ ngày xưa, nơi ông nhiều lần theo chân bố mẹ ra chợ mua trâu, bò…

Chợ trâu bò vùng Thượng… ảnh 1

Chợ trâu nằm ngay dưới chân cầu Rào Trổ, trên một khoảnh đất trống bên quốc lộ 12

Hai ông cháu men theo con đường đất đỏ, vòng dưới chân cầu Rào Trổ để lên chợ. Cậu Kỳ - em mẹ vợ tôi, cũng là một người con Kỳ Sơn làm ăn xa xứ cùng đi. Trong niềm háo hức tột độ, cả 3 chúng tôi đi lẫn vào giữa cơ man trâu, bò. Giữa những ông trâu sừng cong như lưỡi kiếm, đang nghếch đầu nghênh nghênh với ả trâu bên cạnh là những chú nghé mới 5-7 tháng tuổi, hình như vẫn còn ngái ngủ, đang rúc đầu vào bụng mẹ... Cả khu chợ rộn ràng trong tiếng người trao đổi, tiếng trâu, bò ậm ò huyên náo một khúc sông.

Chợ nằm ngay dưới chân cầu Rào Trổ, trên một khoảnh đất trống bên quốc lộ 12. Không ai biết chính xác chợ này mở phiên đầu tiên vào thời gian nào, nhưng theo các cụ cao niên ở Kỳ Sơn thì ngay từ nhỏ, các cụ đã biết mỗi tháng có 4 phiên họp chợ trâu, bò vào các ngày 10, 15, 25, 30 dương lịch. Không kém phần ồn ào và náo nhiệt, nhưng chợ ở đây lại có phần đặc sắc hơn phiên chợ trâu bò ở chợ Nhe (Can Lộc). Bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên sơ bản sắc văn hóa vùng miền, hội tụ đầy đủ những nét sinh hoạt đặc sắc của người dân các xã vùng thượng Kỳ Anh. Người vào chợ không cần mua vé, người bán trâu, bò cũng chẳng cần nộp lệ phí chợ. Có chăng là thủ tục viết giấy chứng nhận mua bán trâu, bò sau mỗi giao dịch thành công, với lệ phí phải đóng là 20.000 đồng. Nếu để ý kỹ, rất dễ nhận ra người dắt trâu từ vùng sâu Kỳ Thượng ra, người lùa bò từ vùng cao Kỳ Tây, Kỳ Hợp xuống… Không lẫn vào đâu được, nhưng những “lái” trâu, bò có tiếng nơi đây thì hình như chỉ có người bản địa. Dẫu rằng, vẫn gặp đôi ba khuôn mặt quen thuộc từ chợ Nhe vào, hay từ Đồng Lê (Quảng Bình) sang, nhưng rồi họ vẫn quần tụ bên những “lái” bản địa như “lái” Toàn, “lái” Dương…

Không khó để tìm gặp “lái” Dương, bởi trước đó người nhà đã nói sơ qua cho tôi biết. Dương sinh năm 1985, tuổi trâu, lại là “truyền nhân” của người bố từng là “một cặp bài trùng” buôn bò khét tiếng với bố vợ tôi, nên Dương rất “vượng” về cung đường… buôn bán trâu, bò. Hơn ai hết, chỉ nhìn qua con trâu, con bò vừa bước vào bãi chợ là Dương có thể đọc vanh vách con này ăn hay, cày khỏe; hay con kia chỉ để… làm thịt vì có tướng phản chủ. Đang lân la hỏi chuyện thì có người đàn ông dắt con trâu mộng vào bãi, có người lại thì thầm to nhỏ với Dương. Nhìn một lượt từ đầu đến chân trâu, như không cần giữ ý tứ, Dương phát giá “35 thì bỏ, 33 cầm thừng, không thì dắt ra kia”. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì người dắt trâu đi bán lại nói với Dương: “Chú mi xem lại, chứ con này anh không muốn đưa ra chợ đâu. Đứa con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học xong, anh mới phải bán để lo việc cho con. Chứ 35 triệu là giá hời rồi, 33 triệu anh bán răng được”.

Chợ trâu bò vùng Thượng… ảnh 2

Nếu để ý kỹ, rất dễ nhận ra người dắt trâu từ vùng sâu Kỳ Thượng ra, người lùa bò từ vùng cao Kỳ Tây, Kỳ Hợp xuống…

Dương không nói, không rằng, rít một hơi thuốc rồi… đi thẳng lại quán ăn dã chiến ngay trên bãi. Dương nói thẳng tưng với tôi: “Con trâu đó không qua tay em thì chẳng ai dám rước. Trâu đẹp! 35 triệu đúng giá, nhưng em xuống giá tý để kiếm thêm, chứ từ sáng đến giờ quay vòng 5 con rồi, nhưng chưa ăn thua”. Chúng tôi vào quán ăn vội bát cháo lòng, thấy Dương cứ cắm cúi ăn, như không để ý gì đến xung quanh. Chỉ một lát sau, người đàn ông bán trâu đi lại, kêu Dương ra và chốt giá 34 triệu. Cả hai cùng cười, “tiền trao, trâu dắt”!

Chúng tôi lân la hỏi chuyện 2 cán bộ tư pháp và thú y của xã Kỳ Sơn đang ngồi làm thủ tục trên cái chòi ở chỗ cao nhất bãi chợ. Được biết, từ sáng đến giờ đã viết giấy, làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho… 12 chú trâu, bò. Theo các anh, lượng trâu, bò họp chợ bình quân 250-300 con, giao dịch mua bán cũng xấp xỉ 50-70 con mỗi phiên, nhưng số người lại làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho trâu, bò chỉ chiếm một phần nhỏ, vì nếu người mua, người bán mà tin nhau, cùng làng, cùng xã thì hầu hết không cần viết giấy. Như vậy, cùng với việc trâu, bò vào chợ không phải mua vé, nộp lệ phí, thì các giao dịch mua, bán diễn ra trong phiên chợ này đang được đơn giản đến mức tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người bán lẫn người mua, chính quyền chỉ giữ vai trò kiểm soát dịch bệnh và làm thủ tục khi có yêu cầu.

Tầm 10h, khi cái nắng hắt lên từ mặt sông từng tia sáng chói mắt, phiên chợ cũng bắt đầu vãn. Từng đoàn người không bán được trâu, bò lại dắt về chờ phiên sau, để lại nơi góc chợ một vài nhóm người tụm năm, tụm bảy, nâng ly bàn tán về cuộc ngả giá thành công. Chợt thấy sắc mặt cô chủ quán hồng hồng… Chắc phiên chợ này đắt khách?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast