Tối hậu thư đanh thép của cụ ông khi cụ bà nghiện Facebook

Chọn ông hay chọn Facebook là tối hậu thư mà cụ Lê Văn Ng (ở Văn Cao, Hà Nội) đưa ra khi bà M. vợ ông không may nghiện Facebook.

Tối hậu thư đanh thép của cụ ông khi cụ bà nghiện Facebook

Không nên ngăn cản người già tham gia mạng xã hội, nhưng hướng dẫn họ biết kiềm chế bản thân để hài hòa giữa thế giới ảo và cuộc sống thực hàng ngày. Ảnh minh họa

Chọn chồng hay chọn Face?

Chị Nguyễn Thị N (ở Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, có hôm vừa ở nhà bố mẹ đẻ về thì thấy bố gọi nhỡ tới mấy cuộc. Chị vội gọi lại, hóa ra vì ông không vào Facebook được nên bảo chị quay lại sửa giúp. 10 phút sau chưa thấy chị sang, ông lại gọi giục giã khiến chị phải sấp ngửa chạy sang.

Từ sau chuyến thăm bạn chiến trường về là bố chị N đề nghị thay điện thoại và lắp mạng để ông kết nối giao lưu với bạn cũ qua Facebook, Zalo. Chị hướng dẫn ông dùng thuê bao 4G để đi đâu cho tiện, nhưng ông kiên quyết lắp Internet để lướt web và theo dõi thông tin nhanh hơn. Vì thế, chả mấy chốc ông có biểu hiện nghiện Facebook. Ông thích đăng status với những câu chuyện ngày xưa, kết bạn mới bạn cũ, háo hức đếm lượt like, commen và trả lời không sót một ai. Cả ngày ông ôm điện thoại, tới mức những hôm Facebook nâng cấp, hay hỏng cáp thì ông tỏ ra buồn bực chỉ đến khi vào được Facebook mới hết khó chịu. Tới mức mẹ chị “ghen” với cái điện thoại, nói mát ông suốt, thậm chí bắt ông “cai” Facebook, Zalo… khiến ông phải giấu giếm đi dạo công viên, đi tập thể dục, thậm chí mang điện thoại vào nhà vệ sinh cả giờ để lướt mạng.

Không chỉ cụ ông, mà nhiều cụ bà giờ cũng biết dùng Facebook khiến gia đình dậy sóng và nhà ông Lê Văn Ng (ở Văn Cao, Hà Nội) là một ví dụ. Vợ chồng ông trước nay khá thuận hòa, nhưng hôm nay ông “quyết làm ra nhẽ xem bà ấy chọn Face hay chọn chồng”.

Ông Ng tâm sự, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) con trai mua tặng mẹ cái Ipad, chỉ mấy tháng trời mà bà ấy học được cách sử dụng thành thạo. Từ đó bà ấy vừa bán dưa cà, vừa chăm chỉ vuốt miết, tính tình cũng vui buồn thất thường, lại hay gãi tai, vò đầu, bức tóc... như trẻ con… khiến ông chẳng biết sao mà lần. Bà mê Facebook tới mức chẳng để ý gì đến ông, cứ cơm tối xong là bà ôm Ipad tới lúc ngủ. Có tối ông mon men tìm bà, thì bà vừa lướt web vừa đẩy chồng ra… Nhiều lần như thế khiến ông thấy buồn, thấy mình tội nghiệp như củ khoai bị hà có vợ mà phải nằm chơ vơ. Ngày 20/10 bà xúng xính áo dài, váy ngắn duyên dáng, ông muốn gần vợ mà bà quát ông “tránh ra” vì tín hiệu Face báo tin nhắn đến. Ông phát cáu, quát yêu cầu bà nhớ “tôi mới là chồng bà”. Ông yêu cầu bà phải giữ bổn phận làm vợ, phải yêu chồng chứ không phải yêu Facebook.

Chặn Face của bố mẹ chồng để gia đình yên ổn

Nhà chị Phan Thị A (ở Đống Đa, Hà Nội) lại khác, bố mẹ chồng ở quê trong khi con cháu ở thành phố cả. Tết vừa rồi anh chị quyết định tặng ông bà mỗi người một cái điện thoại thông minh, cài đặt Zalo, Facebook để các cụ nhớ con cháu thì gọi điện video, nhìn và trò chuyện cho đỡ nhớ. Mấy tháng đầu khá vui vì mọi người gần gũi nhau hơn. Nhưng một thời gian sau thì bắt đầu nảy sinh nhiều chuyện.

Đầu tiên bố mẹ chồng chỉ trích gia đình chị sao hay đi chơi, du lịch thế, lại ăn uống nhà hàng, khách sạn đắt tiền… Phải tiết kiệm để đỡ đần bố mẹ lo việc họ, việc nhà ở quê. Ngay cả việc chị mua váy áo mới, mặc áo hai dây, ba lỗ, váy ngắn… ông bà cũng trách chồng chị tại sao không bảo vợ, để ăn mặc hở hang, cũn cỡn, lúc nào cũng váy vóc, lại còn cứ đăng ảnh là một đống trai gái vào bình luận, tán tỉnh… Bị bố mẹ chồng soi xét nhiều, anh chị bắt đầu vục vặc, rồi cãi nhau vì “bố bảo thế này, mẹ bảo thế kia”…

Chị A rất bức xúc mới nhờ bạn bè tư vấn và được hướng dẫn cách chặn Face của bố mẹ chồng, từ đó chị mới trút được sự nhắc nhở của bố mẹ chồng. Đầu tiên ông bà cũng có hỏi vì không thấy gia đình chị “lên Face”, chị đành nói dối là cơ quan cấm cán bộ nhân viên vào mạng xã hội khi làm việc, còn sau giờ làm thì mệt quá, chả đi đâu được mà cũng không có thời gian để chơi Face nữa.

Rồi vợ chồng chị hướng dẫn bố mẹ tìm phim, clip dân ca, karaoke với những bài tiền chiến… thì ông bà thích lắm. Nhưng lại nảy sinh việc phiền lòng khác là hai cụ đã 70 - 80 tuổi đêm nào cũng thức xem phim, không thì cũng hát hò tới khuya, và hôm sau ngủ dậy muộn vì quá mệt. Chồng chị A lại được phen khuyên nhủ ông bà “cai nghiện”, để chơi mạng xã hội mà không bị ảnh hưởng sức khỏe.

Người già dùng Facebook hay các mạng xã hội khác là việc tốt, bởi giúp người họ có niềm vui, hòa nhập vào cuộc sống hiện đại. Đồng thời, cách sinh hoạt này giúp họ cùng nhau chia sẻ kiến thức, giao lưu với bạn bè, nhóm hội… trên mạng để các cụ sống vui, sống khỏe.

Nên ủng hộ các cụ già tham gia vào mạng xã hội để các cụ có niềm vui khi con cháu đi học, đi làm. Người già còn dùng được Facebook là dấu hiệu của sự minh mẫn, điều này giúp các cụ sống vui, sống thọ hơn.

Tuy nhiên, nếu người già sa đà vào mạng xã hội thì cũng rất đáng ngại. Thực tế đã có những người già say mê lướt web, ăn ngủ với mạng xã hội, like, comment, share… mà quên đi những bạn già thật ngoài đời, không ra ngoài để tập thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ với mọi người, sum vầy với con cháu ở thế giới thực - điều này là không tốt cho sức khỏe.

Thậm chí bố mẹ theo dõi con cháu trên mạng xã hội đã xảy ra hiểu lầm nhau, làm tổn thương nhau. Nếu gia đình hòa hợp, vui vẻ thì không sao, nhưng nếu có mâu thuẫn thì việc bé sẽ thành to, suy diễn trên mạng xã hội sẽ càng tăng thêm mâu thuẫn.

Facebook không có tội, mà người sử dụng mạng xã hội cần biết kiềm chế bản thân để hài hòa giữa thế giới ảo và cuộc sống thực hàng ngày. Con cháu cần giải thích để các cụ hiểu những thứ đó chỉ là giải trí khi rảnh rỗi, không nên làm ảnh hưởng tới cuộc sống thực, càng không sa đà vào những niềm vui ảo. Không nên ngăn cản người già tham gia mạng xã hội, bởi họ cần có niềm vui khi con cháu bận rộn với cuộc sống.

Thầy thuốc Ưu tú – TS. BS Nguyễn Mạnh Hùng

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương

Theo Uyển Hương/ Gia đình và Xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast