Thiên tai phức tạp, khó lường, cần chủ động vào cuộc phòng ngừa sớm

(Baohatinh.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo các ngành, địa phương (trong đó có Hà Tĩnh) cần quyết tâm cao trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021.

Sáng nay (4/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT&TKCN năm 2021.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh, có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Thiên tai gây thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng

Thiên tai phức tạp, khó lường, cần chủ động vào cuộc phòng ngừa sớm

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về PCTT&TKCN. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Năm 2020, thiên tai ở nước ta diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền.

Theo thống kê, cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đời (ATNĐ); 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…

Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng.

Thiên tai phức tạp, khó lường, cần chủ động vào cuộc phòng ngừa sớm

Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuât và đời sống của Nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực.

Mặc dù thiên tai năm 2020 diễn ra dồn dập và khốc liệt cùng với diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

Thiên tai phức tạp, khó lường, cần chủ động vào cuộc phòng ngừa sớm

Trận lũ lịch sử trong tháng 10/2020 gây thiệt hại nặng nề cho Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, năm 2020, tình hình thiên tai cũng diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trận lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2020 gây thiệt hại hết sức nặng về dân sinh, cơ sở hạ tầng.

Thiên tai đã làm 7 người chết, 1 người mất tích, 47 người bị thương cùng với 4.300 nhà bị tốc mái, hư hỏng, gần 8.000 ha diện tích cây trồng các loại bị đổ gãy, hư hỏng; hơn 3.900 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và 952.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 270 tấn giống, 16.959 tấn lương thực, 360 tấn muối và 2.593 tấn thức ăn gia súc cùng nhiều vật dụng, đồ dùng, trang thiết bị ngập nước, hư hỏng...

Thiên tai phức tạp, khó lường, cần chủ động vào cuộc phòng ngừa sớm

Các đại biểu tham dự hội nghị ở đầu cầu Hà Tĩnh.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 12 - 14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Thiên tai phức tạp, khó lường, cần chủ động vào cuộc phòng ngừa sớm

Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ ở thôn Hương Thọ, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang đã hoàn thiện, vừa là nơi sinh hoạt, hội họp của thôn, vừa là điểm tránh lũ cho bà con nhân dân.

Tham luận tại hội nghị và một số điểm cầu, các đại biểu cho rằng, để chủ động giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, cần tăng cường sự chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCTT&TKCN của các cấp; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cấp bách và lâu dài về lập bản đồ phân vùng, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét tỷ lệ lớn; tổng rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; tăng cường năng lực dự báo khí tượng thuỷ văn, dự báo, cảnh báo sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có giải pháp đảm bảo an toàn lâu dài cho các khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng và các cơ sở sản xuất kinh doanh...

Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, quá trình triển khai công tác PCTT&TKCN vẫn còn một số bất cập, hạn chế như thiệt hại về người vẫn còn lớn; tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai chưa được khắc phục; năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, hệ thống công trình PCTT chưa đáp ứng được trước sự tàn phá của bão lũ...

Thiên tai phức tạp, khó lường, cần chủ động vào cuộc phòng ngừa sớm

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

“Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2021 và những năm tới đây, tình hình thiên tai được dự báo vẫn sẽ rất phức tạp, khó lường; đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm cao trong công tác PCTT&TKCN nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và và cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; lên phương án ứng phó, di dời dân khi có tình huống khẩn cấp, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 ở từng địa phương.

Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và Nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast