Cuối đông

Sau những trận mưa dằng dai do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mãi đến quá trưa ngày cuối tuần mới nhìn thấy mặt trời ló dạng. Những tia nắng hanh hánh chói lòa rải đều lên mặt đất khiến cho cảnh vật trở nên ráo hoảnh và tươi tắn lạ lùng.

Cuối đông ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Dọc hai bên đường băng sân bay, từng vạt cỏ cháy rụi hôm nào bất ngờ bật nhú cả một lượt mầm non trông như tấm thảm mới dệt, xanh màu lá mạ. Phòng đợi làm thủ tục ở cảng hàng không ngổn ngang kẻ đứng người ngồi. Phía trước cổng chính, taxi và xe máy san sát xếp một lượt.

Trên sân đỗ, một chiếc Forker đang ầm ào khởi động. Tiếng động cơ máy bay nghe nặng và trầm như muốn xua nốt cái không khí ảm đạm của những ngày mưa lạnh cuối đông. Trước khi chiếc máy bay từ từ lăn ra đường băng thì tổ bảo vệ đã nhanh chóng rải người chốt chặn ở các ngả.

Từ một cái bốt gác bé tẹo nằm bên kia đường lăn có một người đàn ông đứng khoanh tay nơi ngực, mắt chăm chắm nhìn theo chiếc máy bay đương chạy đà cất cánh. “Đúng là nó rồi. Số hiệu...”. Không giống như mọi lần, nghĩa là khi chiếc máy bay vừa chạy qua khỏi vị trí của mình là Dư, tên người đàn ông, lập tức rời chỗ tới khúc cua đứng chờ một đệ tử tới rước. Bữa nay chiếc Forker đã vút lên trời rồi ngoặt sang hướng bắc và mất hút giữa thinh không nhòa nhợt mà anh vẫn đứng ngây như cây chuối hột.

Thằng Bá cưỡi con Su-125 vừa chạy vừa đảo mắt tìm kiếm. Thấy Dư đắm đuối nhìn lên bầu trời, hắn càm ràm: “Ngán hết biết bố này. Tàu bay thì cái quái nào chả thế, có gì lạ đâu mà nghía mãi không biết. Thế cũng đòi là dân phi công dư ngàn giờ bay kia đấy”. Thằng Bá thừa biết ông tổ trưởng của nó vốn hiền như rắn nước nhưng khi đã bực lên thì phải biết, chả ngán gì. Nghĩ vậy nên hắn vừa bấm còi xe pin pin vừa cố nặn ra một nụ cười để khỏa lấp.

- Về thôi bố ơi, về để còn nghỉ ngơi tắm giặt rồi đi em út. Mời bố ra xe cho con nhờ.

Bây giờ, Dư mới giật mình như người sực tỉnh. Anh rời chỗ, vừa đi vừa khoát tay.

- À, ờ. Nhưng mà thôi. Khỏi! Cậu cứ về trước, để tớ thả bộ một mình cho nó đỡ chồn chân.

Chỉ chờ có vậy, thằng Bá toét miệng phóng xe nhưng lòng hắn đầy nghi hoặc. Chết thôi, hôm nay có chuyện gì mà bỗng dưng bố ấy lại giở chứng thế không biết. Người ta nói đàn ông cô độc một mình, âm dương không hòa hợp thường hay hâm hấp, gàn dở. Phải kiếm cho bố ấy một bà để “góp gạo thổi cơm chung”, kẻo không rồi lại hư sự.

Còn lại một mình, Dư lững thững đếm bước. Ký ức về một thời vùng vẫy trên không trung chợt ùa về. Ngày ấy, Dư là một giáo viên bay dạn dày kinh nghiệm. Mỗi khóa anh được giao kèm cặp hai đến ba học viên phi công, năm nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhưng đến khóa thằng Quyền thì sinh chuyện. Là con út trong một gia đình cán bộ có cỡ ở Hà Nội, Quyền được chiều chuộng từ tấm bé. Được cái hắn nhanh nhẹn tháo vát, nhiều tài lẻ nhưng cũng lắm tật và bứa ra trò. Mới tí tuổi đầu đã để ria mép, tóc tai bợp xợp, còn tán gái thì như… xiếc. Hắn mà đã tia em nào thì cấm thoát. Vì thế Quyền thường đi chơi về quá giờ quy định, và bị Dư trị ra trò.

Một lần sau khi thả đơn xong được chừng một tháng, lúc trở về hạ cánh máy bay của Quyền xông ra khỏi đường băng va vào cái miệng cống thoát nước và gãy càng. Lại quên sai rồi! Cả trung đoàn náo động. Lệnh dừng bay. Xe cứu hỏa hồng hộc, xe lớn xe nhỏ rầm rập chạy ra hiện trường. Dư cáu sườn chửi um lên. Đứa học trò mặt đỏ tía rồi tái xanh đứng im chịu trận. Lần ấy, anh đã phải trổ hết tài ba và uy tín mới cứu được hắn khỏi bị cắt bay. Với một chàng trai trẻ đầy khát vọng như Quyền nếu bị loại bay thì điều ấy thật khủng khiếp. Sau cú ấy, hắn đã tôn Dư lên hàng sư phụ và bái phục anh sát đất. Hắn tu chỉnh lao vào học và khổ luyện. Cuối cùng sự nỗ lực của hắn cũng được đền đáp xứng đáng. Tốt nghiệp loại giỏi, Quyền được giữ lại kế nghiệp thầy. Nhưng số phận lại đưa hắn trở thành một phi công có hạng của Hãng hàng không quốc gia Vietnam airlines. Những năm ra nước ngoài tu nghiệp, Quyền vẫn giữ liên lạc với thầy, nhưng chỉ được một thời gian rồi gián đoạn. Bây giờ thì hắn đã về nước thật rồi, hắn lại bay tuyến này. Kệ, tránh được lúc nào thì cứ tránh. Gặp làm gì thêm buồn.

***

Sân ga hàng không đã vắng teo. Trong phòng đợi chỉ còn mấy nhân viên tạp vụ đang mải mốt quét tước, thu dọn bàn ghế. Từ xa, Dư đã nhác thấy bóng dáng của Thiệp. Người phụ nữ hãy còn trẻ nhưng đôi mắt đượm buồn, tia nhìn như chùng xuống đầy vẻ cam chịu. Chị bận quần âu, áo trắng đóng thùng làm nổi rõ thân hình đang độ xuân thì, lồ lộ. Mọi khi như thế Dư thường tạt vào giúp các cô ấy một tay, vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Bữa nay không hiểu sao vừa thấy bóng Thiệp là anh lảng đi rồi lặng lẽ về buồng mình. Anh cởi áo vắt lên thành ghế và gieo mình xuống nệm, mắt nhìn lên trần. Căn phòng này nguyên là nơi để dụng cụ cứu hỏa, từ khi Dư về phụ trách tổ bảo vệ, anh được bố trí ở luôn đây cho tiện việc nghỉ ngơi. Cửa phòng hẹp quay về hướng nam khuất dưới rặng trúc đào nên vừa mát lại vừa kín gió. Ngày hai bữa, anh phóng xe ra quán ăn cơm bụi, giản tiện mọi sinh hoạt cho nó nhẹ mình.

Có tiếng bước chân xăm xắn đến gần cửa phòng thì dừng lại, vẻ như ngập ngừng. Dư dỏng tai nghe. Tiếng gõ cửa dè dặt.

- Anh Dư có trong ấy không? Phòng ốc gì mà tối thui như cái hang chuột thế này.

- Cô Thiệp hả? Có chuyện gì vậy? - Dư đẩy cửa bước ra.

Người phụ nữ đưa mắt quan sát căn phòng một lượt, sự bừa bộn khiến chị thoáng ái ngại. Sống như thế này mà cũng gọi là sống à? Đời người được mấy nả mà phí phạm thế không biết! Đột nhiên chị thấy bực bõ với Dư. Người đâu mà vô tình, cứ cật vấn mà không thèm mời khách vô phòng nữa. Đã vậy thì... Cơn giận tràn ứ lên cổ, Thiệp nói dửng dưng như không.

- Chú Quyền ở tổ bay chú ấy gởi quà. Làm gì mà anh cứ lẩn như chạch vậy, tưởng mình báu lắm đấy. Để người ta tìm hết cả hơi... Là tôi nói chú Quyền ấy. Thật phí công!

Thiệp nói một hơi, tiện tay thẩy gói quà vào tay người đàn ông rồi quay ngoắt không thèm ngoái lại. Dư hơi bất ngờ. Từ khi chia tay với người vợ cũ, chưa lúc nào anh được nghe một lời trách cứ đại loại như thế. Dư mỉm cười bởi cái ý nghĩ mơ hồ, ngồ ngộ. Anh nhìn theo cái dáng đi ngúng nguẩy của Thiệp, định hỏi với thêm một câu nhưng nghĩ sao lại thôi. Nhớ đến người vợ trước, Dư nén một tiếng thở dài.

Một thời gian dài, trường cao đẳng sư phạm thành phố được coi là sân sau của lính không quân. Cánh phi công to con, đẹp trai ngời ngời mặc sức mà tung hoành. Dư cũng tán được một em sinh viên khoa văn khá mơ mộng nhưng khi tiến gần đến hôn nhân thì khực cái, hỏng. Duyên là do ông của bố nàng cấm cản. Ông ấy nói toẹt với con gái:

- Mày ở đây ngần ấy năm há chưa biết cái câu: “Thiên vàn chớ lấy phi công. Nhào lên lộn xuống mất chồng như chơi” hả con. Tao đã chấm rồi, thằng Từ đồng hương cùng xã, sĩ quan thông tin ấy. “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” thôi con ơi.

Nàng đã vâng theo người cha khả kính. Điều đó chứng tỏ tình yêu của Dư đối với nàng không mảy may đáng giá một xu. Rồi anh gặp và quen với Mây, một nhân viên ngân hàng ở thành phố biển trên cùng một chuyến tàu từ Hà Nội vào. Tình yêu sét đánh giúp họ nên vợ nên chồng. Được phân một căn hộ tập thể nhưng Dư quyết định về ở luôn bên nhà vợ cho nó tiện, có con cái nhờ vả bà ngoại chăm sóc, như vậy đỡ phải lo lắng còn dành sức để mà bay bò. Vốn tính xuề xòa anh đã không lường hết được những phức tạp của đời sống thường nhật. Lẽ đời, xa thương, gần thường. Bạn bè cùng phi đội đã bao lần huỵch toẹt với Dư “Thân ở rể chả khác gì chó nằm gầm trạn”. Bà nhạc đã qua cái buổi đầu tự hào con gái mình có chồng phi công danh giá, giờ quay ra lườm nguýt xem thường chàng rể không biết làm một việc gì ngoài chuyện cưỡi tàu bay. Người đâu mà cục cằn, khô khan, hà tiện cả lời khen. Khi đứa con gái đầu lòng ra đời, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn là mấy. Dư bắt đầu tìm đến với rượu. Một lần trong đám giỗ người bạn đã hy sinh vì máy bay gặp nạn, anh hơi quá chén. Trên đường về anh té xe máy bị chấn thương ở đầu phải nằm viện hàng tháng trời. Cuối năm ấy, Dư cay đắng từ giã bầu trời và ra tòa ly dị vợ. Tay trắng lại hoàn trắng tay. Anh xách ba lô lộn ngược ra khỏi nhà bà mẹ vợ lắm điều.

Buồn tình, Dư xin nghỉ hưu theo chế độ. Về xứ dừa Bình Định, anh chẳng còn ai thân thích. Mẹ anh bị giặc Pháp giết hại trong một trận càn, người cha đi tập kết đã mất và nằm lại ngoài Bắc. Dư không có tuổi thơ. Anh muốn trở về tìm một chốn yên tịnh để có thể chôn chặt quá khứ trong lòng. Nhưng sự đời dường như càng cố lại càng không thể. Nỗi nhớ bầu trời quay quắt hiện ra cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Lắm lúc một mình lang thang trong vườn, Dư chợt cảm thấy mình đang bồng bềnh cưỡi mây, lướt gió. Khi bước hụt chân sa xuống hố, ngã ngồi trên mặt đất anh mới thấy tim mình quặn lại đau nhói. Một người bà con có họ xa đã nói với anh bên ly rượu:

- Chốn này không hợp với anh đâu. Tìm nơi đô hội mà sống. Ở đời không có gì là không thể... Điều cốt yếu nhất là mình có đủ can đảm hay không?

Còn ít tiền, Dư kêu người chở gạch thuê thợ xây lại ngôi mộ cho mẹ rồi nhờ người làm mâm cơm để cảm ơn bà con cô bác đã chăm sóc hương khói cho phần mộ suốt ngần ấy năm.

Trở lại thành phố biển, nơi đó trong khu tập thể, Dư vẫn còn một căn hộ ba chục thước vuông. Ngày ngày anh lang thang đi tìm gặp bạn bè kiếm việc làm, tối đâu là nhà ngã đâu là giường, không câu nệ. Tới chỗ nào cũng gặp cánh lính ra quân lãnh chân bảo vệ. Anh chua chát nghĩ bụng, đúng là “Thôi bay, thày đi đất!”. Bây giờ chả ai người ta cần mình nữa rồi. Lần hồi anh gặp Danh, một người bạn cũ giờ làm Giám đốc cảng hàng không và được nhận một chân hợp đồng. Thoạt đầu Danh muốn Dư làm ở bộ phận điều hành quản lý bay vì một người lão luyện trong nghề bay như anh thì hẳn là rất thích hợp. Nhưng Dư từ chối và chỉ xin nhận một việc khiêm tốn là gác đường băng kiêm bảo vệ. “Cho nó gần với trời với đất, đỡ phải dàn mặt với ai”. Danh chiều bạn. Vậy là Dư trở thành người của hàng không từ đó.

***

Lần đầu tiên gặp nhau, Dư đã không dám nhìn thẳng vào mắt Thiệp. Trái tim đau khổ của anh run lên hệt chú chim bị trúng tên sợ cả làn cây cong. Sự lúng túng của chú học trò gặp phải bài toán khó khi cô giáo gọi lên bảng có lẽ cũng chỉ đến vậy. Đến lúc đã quen biết và có sự đồng cảm, Dư vẫn giữ một khoảng cách cần thiết.

Năm hai mươi tuổi, Thiệp lấy chồng rồi chuyển vào thành phố biển lập nghiệp. Anh chồng từng làm việc ở cảng hàng không này, có thể nói đó là một mẫu đàn ông say mê kiếm tiền nhưng được cái rất chung tình. Cuộc sống no đủ cộng với sự nhàn nhã khiến cho cô gái quê vốn quen lam lũ ngày một trẻ và đẹp ra, nom cứ giòn như quả táo chín. Hàng xóm lắm người ghen với Thiệp. Tiếc thay, cái hạnh phúc nhỏ nhoi bỗng tắt phụt như vệt nắng giữa ngày đông mưa dầm.

Mỗi lần nhớ lại cái ngày đau buồn ấy, Thiệp mãi không thể nào tin nổi. Một thành viên trong đội tìm kiếm cứu hộ trong lúc vội vã leo lên chiếc trực thăng Mi-17 đã lập bập va vào cửa thép, đầu gối sưng vù như trái bưởi. Chồng chị phải thế chỗ cho người ấy. Và anh ấy không bao giờ trở về. Nửa tháng sau, người ta mới tìm thấy xác chiếc trực thăng xấu số nằm bẹp dí dưới thung lũng tử thần. Gia đình bên nhà chồng chị đổ xô vào đòi bán nhà chia bôi tài sản và một hai dắt đứa con trai của Thiệp về quê. “Nó là thằng cháu đích tôn, người nối dõi nhà họ Trịnh”. Chả là mấy ông anh chồng Thiệp ông nào cũng rặt một đám thị mẹt. Trong cơn đau tột cùng, Thiệp lúc tỉnh lúc mê, thành thử mọi việc phán quyết đều do phía nhà chồng. Nỗi đau mất chồng và nỗi nhớ con cứ hành hạ khiến chị héo hon. Cũng may là cơ quan cũ của chồng đã nhận chị vào làm theo diện chính sách.

Được vài tháng, chịu không thấu Thiệp phải tốc về quê lạy lục van xin với lý do “thằng bé đã mất cha, giờ nỡ nào để nó mất luôn cả mẹ?”. Mãi rồi người ta mới lay chuyển. Vì con, chị sẵn sàng làm tất cả. Năm rồi Thiệp phải chu cấp toàn bộ phí tổn cho phái đoàn ở quê vào dự đám giỗ đoạn tang chồng. Thấy chị vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi con không có gì để bắt bẻ, nhưng trước khi ra tàu, ông anh cả vẫn ném lại một câu xanh rờn:

- Cô hãy cứ liệu đấy. Đừng có vớ vẩn mà rước giai về nhà là không xong với chúng tôi đâu. Muốn đi với thằng nào thì hãy xéo ra khỏi cái nhà này.

Từ ngày được nhận vào làm ở cái nơi thường xuyên tiếp xúc với đông người, nỗi đau của Thiệp cũng nguôi ngoai dần. Đôi má chị đã hồng trở lại như có men nắng ủ bên trong. Ngần ấy năm sống với chồng nhưng chị đâu có được nếm nhiều dư vị của tình ái. Nên giờ đây một khi càng cố kìm nén, chị lại càng khát khao cháy bỏng. Đã có nhiều người đàn ông đến với Thiệp, văn hoa bay bướm cũng có mà thô lỗ bặm trợn cũng không ít. Trong con mắt của bọn họ, chị thuộc hạng “gái đoạn tang, chim ra ràng”, chỉ cần phẩy tay một cái là kềnh. Chị giận lắm song vẫn cố giữ bình thản, nở nụ cười dửng dưng. Không chiếm được người đàn bà góa trẻ, có kẻ giở trò đánh lén. Chúng vu chị là tình nhân của ông giám đốc, xúi giục bà vợ ông ta đánh ghen. Nhưng may là tập thể đã bảo vệ và minh oan cho chị.

Thiệp tìm thấy nơi Dư nhiều nét tương đồng. Hai người giống như những mảnh vỡ trên đường đời được ngọn gió số phận xua tới gần nhau. Nhìn người đàn ông sống đơn độc, bản tính chân thật nhưng vụng về, lòng chị bỗng dào lên thứ tình cảm thật khó tả. Vừa mới nhen nhúm hy vọng Thiệp đã lại giật mình vì nghe đâu bà vợ cũ của Dư mới đến tìm anh ấy. Hai người đi ăn uống và trò chuyện vui vẻ lắm. Thật chả biết đằng nào mà lần.

***

- Chết thôi, sao người anh lại nóng như than hầm thế này?

Thiệp thảng thốt. Chị sẽ sàng ngồi xuống cạnh giường, đặt tay lên trán Dư, mắt đầy lo lắng.

- Mấy bữa rày dính mưa, cảm xoàng thôi. Em về với con đi, tôi nằm một lúc là khỏi ngay thôi mà.

Lần đầu tiên nghe người đàn ông gọi mình bằng em nhẹ nhàng chứ không phải tiếng “cô” xa vời như mọi bận, chị thấy lòng ấm lại. Cái cảm giác muốn được san sẻ, chăm sóc khiến chị trở nên quýnh quáng. Thiệp vội sửa lại tấm mền rồi quày quả đứng lên.

- Anh chịu khó chờ em chút xíu.

Lo cơm nước cho đứa con trai xong, chị dặn con học bài rồi dắt xe xách cặp lồng ra cổng. Chị dỗ dành mãi anh mới chịu đụng miếng cháo. “Từ thuở bé tới giờ tôi đâu có xài cháo”. Chị trìu mến, giọng pha chút hài hước. “Thì anh cứ thử một lần xem. Cháo hành của Thị Nở đấy, ăn vào giải cảm tốt lắm”. Dư vờ nghiêm mặt: “Thế ra em coi tôi là thằng Chí Phèo hử?”. Chị bắt chước bọn trẻ “Hổng dám đâu!” rồi cầm miếng cam đưa anh tráng miệng. Trong khi đỡ Dư nằm xuống, chị mất đà đổ chúi theo luôn. Chị chống tay tính đứng lên nhưng ngay tức thì Dư đã choàng lấy kéo đầu chị vít xuống. Mùi mồ hôi đàn ông choán ngợp khứu giác khiến chị choáng váng. Giây lát sững sờ nhưng Thiệp vẫn đủ tỉnh táo để gỡ nhẹ ra khỏi vòng tay người đàn ông. Chị nghiêng người sửa tóc và nhìn anh với cặp mắt âu yếm. “Anh ráng uống thuốc rồi ngủ cho mau lại sức. Em về đây! À mà anh phải cẩn thận với thằng Bá đấy nhé. Nó có họ với nhà chồng em đấy, chỉ sợ nó thêu dệt rồi sinh lắm chuyện rắc rối”.

Cuối tuần, Dư khỏi hẳn và trở lại đi làm. Cả cơ quan đều biết chuyện hai người, ai cũng xúm vào trêu chọc. Thiệp cười luôn miệng, đôi mắt như có lửa ngún bên trong. Hai người đã dự tính trước Tết sẽ làm mâm cơm mời bạn bè thân thiết đến chứng kiến. Cảnh “rổ rá cạp lại” họ cũng chẳng muốn làm rình rang to chuyện, miễn là thương nhau thực lòng thì mới có thể đem lại hạnh phúc cho nhau. Dư kêu người sửa sang lại căn hộ tập thể, dự tính ba người sẽ về sống chung ở đó. Còn ngôi nhà hai tầng mẹ con Thiệp đang ở sẽ cho thuê và giữ lại sau này cho thằng nhỏ. Đó là phương án được nhiều người đồng tình ủng hộ. Họ ráo riết chuẩn bị cho cuộc sống tương lai và tất nhiên là không quên viết thư về xin phép gia đình bên ấy. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ, tưởng như không gì cản được mùa xuân đang đến rất gần. Chỉ một vài giờ không nhìn thấy nhau, họ đã ngỡ như xa nhau hàng tháng. Bữa trưa hai người ăn cơm cùng nhau, nhưng tối đến vẫn ai về nhà nấy.

Buổi chiều, Dư chở Thiệp đi sắm sửa mùng mền, quần áo. Lúc về hơi muộn, chị muốn nán lại thêm chút nữa nhưng anh đã nhắc. “Em về đi, kẻo con nó lại mong! Mai chúng mình gặp lại”. Thằng bé xem chừng đã thân thiết với Dư lắm, nó kêu ba ngon lành.

Nửa đêm hôm đó khi Thiệp còn đang đắm đuối với giấc mơ đẹp thì bất ngờ bị tiếng chuông điện thoại kéo giật trở về với thực tại. Chị rụng rời cả người khi nghe tin Dư đang nằm ở phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa tỉnh. Lệ thường mỗi đêm có hai người trực nhưng thằng Bá có việc riêng nên từ chiều hắn đã xin nghỉ. “Bố giúp con nhá!”. Còn lại mỗi mình lúc đi tuần từ kho xăng sang khu nhà để xe, Dư bị một bọn người bịt mặt phục sẵn trong khóm trúc đào xông ra dùng gậy vụt túi bụi. Anh khụy xuống và ngất xỉu. Các chiến sĩ cảnh vệ của đơn vị bộ đội bên cạnh đi đổi gác nghe tiếng rên mới phát hiện ra.

Sáng hôm sau, cả cơ quan xôn xao cả lên. Mỗi người phán một kiểu. Có người bảo Tết nhất sắp đến nơi, bọn trộm mò vào khu vực cảng hàng không tính khuắng một mẻ, gặp Dư cản đường nên chúng ra chưởng luôn. Người khác thạo đời hơn thì cả quyết: “Trộm cắp gì. Đòn thù đấy. Đã cảnh báo rồi mà vẫn dính với nhau, nó cú nên mới thuê đầu gấu dằn mặt”. Phần đông những người hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của Dư thì ái ngại. “Rõ khổ, người ta yêu nhau thì tội tình gì cơ chứ? Quân ác độc!”.

Cơ quan chia thành từng nhóm nhỏ thay phiên nhau vào viện thăm Dư. Người bị nạn nằm thiêm thiếp với cái đầu quấn đầy băng trắng. Bác sĩ trưởng khoa cho biết kết quả chụp X. quang phần hộp sọ không có gì nguy hiểm, nhưng nạn nhân bị choáng nặng. Với thể lực tốt, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một thời gian có thể bình phục. Thiệp ngồi thon thót bên giường bệnh với đôi mắt sưng mọng.

Trời ơi! Không lẽ ông trời ác nghiệt lại nỡ cướp mất của chị một người đàn ông nữa hay sao? Thiệp rùng mình khi mọi người nắm tay an ủi chị. Chợt ai đó chép miệng:

- Chu cha, bữa nay đại hàn, hèn chi mà lạnh dữ! Tết đến sồng sộc sau lưng rồi anh em ạ.

Lòng Thiệp tái tê. Tự nhiên nước mắt chị rân rấn khi nhìn thấy cái đầu Dư bắt đầu cục cựa. Tỉnh rồi! Ngoài sân, vệt nắng bò lan trên thềm và chập chờn trước cửa phòng. Ngang trời vắt vẻo tiếng máy bay ì ầm. Thiệp cúi xuống gần sát gương mặt người đàn ông và lẩm nhẩm điều gì không rõ.

NGUYỄN MINH NGỌC

Nguồn: nhavantphcm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast