Thị trường Tết Ất Mùi: Hàng hóa phong phú, sức mua chậm!

(Baohatinh.vn) - Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay, nhìn chung, các loại hàng hóa khá phong phú, đa dạng, giá cả ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thương mại, đến thời điểm hiện tại, sức tiêu thụ chậm hơn so với những năm trước.

Giáp Tết Nguyên đán, các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tích cực tập kết hàng hóa, trang trí cửa hàng, do vậy, hàng hóa lưu thông trên các vùng, miền trong toàn tỉnh đa dạng, phong phú về chủng loại; mẫu mã đẹp, hấp dẫn. Đặc biệt, chợ trung tâm TP Hà Tĩnh, huyện, thị xã, các đường trục chính, siêu thị, cửa hàng được trang trí bắt mắt; nhiều nơi thành lập bộ phận bán hàng phục vụ tết, từ thực phẩm, bánh kẹo, đồ dùng gia đình đến hoa, quả tươi...

Thị trường Tết Ất Mùi: Hàng hóa phong phú, sức mua chậm! ảnh 1

Nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, Co.op mart Hà Tĩnh sẽ giảm giá trên 2.500 mặt hàng thiết yếu và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành dự trữ hàng hóa đủ số lượng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết. Các thành phần kinh tế tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố dự trữ hàng hóa đủ cung ứng cho thị trường tết và quý I/2015 với tổng trị giá ước đạt hơn 600 tỷ đồng, gồm 18 nhóm mặt hàng thiết yếu.

Qua theo dõi nắm tình hình thị trường các địa phương trên toàn tỉnh, kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ các tháng cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán 2015 cho thấy, có 7.577 tấn gạo tẻ, trị giá hơn 49,4 tỷ đồng; 2.044 tấn gạo nếp, trị giá trên 23,6 tỷ đồng; 2.983 tấn thực phẩm tươi sống, trị giá trên 207,3 tỷ đồng; 2.972 tấn rau, củ, trị giá trên 18,4 tỷ đồng; 574 tấn thực phẩm công nghiệp, trị giá gần 13 tỷ đồng; nhóm đồ uống tổng trị giá trên 147,8 tỷ đồng; thực phẩm chế biến (giò chả) 135 tấn, trị giá hơn 8,8 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại cũng chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ bằng hoặc tăng so cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với các tháng thường trong năm. Điển hình là siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh có tổng giá trị hàng dự trữ trên 50 tỷ đồng. Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa cao điểm mua sắm, Co.opmart Hà Tĩnh tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2-3 lần so với các tháng bình thường, tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống. Tổng lượng hàng dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau tết được dự trữ khoảng 90.000 tấn, với trên 15.000 mặt hàng, tăng trên 10% so với Tết Giáp Ngọ 2014.

Ngoài những mặt hàng được UBND tỉnh giao bình ổn giá, một số mặt hàng thiết yếu khác vẫn được Co.opmart chủ động tham gia giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5-10%. Ông Văn Quốc Hoàng - Giám đốc Co.opmart Hà Tĩnh cho biết, với quan điểm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, góp phần giúp người dân đón tết sum vầy hơn, Co.opmart sẽ giảm giá trên 2.500 mặt hàng thiết yếu với mức giảm từ 5-49% và tổ chức các chương trình khuyến mại, tặng quà.

Ông Dương Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Hà Tĩnh cho biết, năm nay, công ty chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ tết trị giá trên 30 tỷ đồng, chủ yếu là thực phẩm công nghệ (35 tấn), đường các loại (20 tấn), dầu ăn (100.000 lít)… Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh cũng dự trữ 1.750 tấn gạo tẻ, gạo nếp các loại phục vụ tết với tổng doanh số đạt 28,35 tỷ đồng.

Bên cạnh các doanh nghiệp dự trữ hàng để bán tết, năm nay, một số doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng về nông thôn và bán hàng bình ổn giá theo cam kết nên đã góp phần quan trọng trong việc ổn định thị trường, nhất là đối với thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, năm nay, sức mua sắm của người dân chậm hơn các năm trước. Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ hơn một tuần nữa là đến tết, nhưng sức mua tăng chưa đáng kể.

Ông Dương Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Hà Tĩnh - đơn vị phân phối hàng hóa lớn nhất tỉnh, cho rằng, chưa năm nào sức mua chậm như năm nay. Các năm trước, từ sau 15/12 âm lịch là hàng đã bán tăng 20-30%. Ông Tuấn cho biết, do hàng tết bán quá chậm nên một số mặt hàng phục vụ tết bán ra ngang bằng với giá nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương, năm nay, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ tết khá phong phú, đa dạng với tổng giá trị hàng dự trữ cao hơn năm ngoái, cùng với chương trình bình ổn giá và đưa hàng về nông thôn nên tình hình thị trường chắc chắn ổn định. Đặc biệt, theo ông Dũng, năm nay, do xăng dầu giảm giá liên tục vào dịp cuối năm nên so với năm ngoái, giá hàng hóa không tăng, thậm chí, một số mặt hàng sẽ giảm. Vì vậy, người dân không phải lo chuyện khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast