“Quyền im lặng” cần được minh định

(Baohatinh.vn) - Quốc hội vừa thảo luận, cho ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi). Một trong những nội dung có nhiều ý kiến trái ngược nhau đó là “quyền im lặng”. Quốc hội – cơ quan lập pháp sẽ biểu quyết để thông qua việc có hay không đưa “quyền im lặng” vào Bộ luật Tố tụng Hình sự với những cơ sở pháp lý và thực tiễn cao nhất. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin bàn đến “quyền im lặng” với những vai trò cần thiết trong hoạt động tố tụng hình sự.

“Quyền im lặng” cần được minh định ảnh 1

Trước tòa án, “quyền im lặng” được coi là một phần của quyền bình đẳng, quyền xét xử công bằng, quyền con người khi bị tình nghi phạm tội.

Có thể thấy, “quyền im lặng” là một trong các quyền con người, là một phần của quyền được bình đẳng trước tòa án, quyền được xét xử công bằng, quyền của con người khi bị tình nghi phạm tội và đang bị điều tra, truy tố, xét xử. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định “quyền im lặng” của người bị bắt giữ nếu không có luật sư từ giai đoạn điều tra và trong suốt giai đoạn tố tụng.

Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự nước ta đã gián tiếp ghi nhận “quyền im lặng” của bị can, bị cáo và được thể hiện tại các điều khoản quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng, bị can có quyền trình bày lời khai, bị cáo có quyền nhờ người bào chữa trình bày ý kiến tranh luận tại tòa, pháp luật không bắt buộc bị can, bị cáo có nghĩa vụ khai báo. Mặc dù vậy, việc chưa minh định, luật hóa một cách cụ thể khiến có nơi, có lúc “quyền im lặng” vẫn chưa được thực thi, dẫn đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo có thể bị xâm hại.

Thực tế cho thấy, khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thường có tâm lý hoang mang, lo sợ nên trình bày sự việc không được chính xác, thậm chí là sai sự thật. Đặc biệt, có trường hợp thừa nhận hoặc là khai báo theo định hướng, ý của điều tra viên. Điều này vô cùng nguy hại khi những lời khai ban đầu thường rất có ý nghĩa trong việc xác minh sự thật của vụ án. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra có sự không tương xứng thể hiện ở nhân lực, phương tiện, các thông tin được thu thập, kiến thức chuyên môn giữa cơ quan điều tra và người bị điều tra.

Cán bộ điều tra có các phương tiện để thu thập bằng chứng, có quyền không cho người bị điều tra biết các thông tin mà họ đã có, có kiến thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ thuật thẩm vấn... Ngược lại, người bị điều tra, luôn yếu thế hơn cán bộ điều tra vì trong nhiều trường hợp, họ bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài, không có các kiến thức pháp lý về hình sự và không biết liệu các kỹ thuật dẫn dụ trong hỏi cung có đúng pháp luật không. Nếu như người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo có “quyền được im lặng” để chờ người bào chữa tới thì chắc chắn họ sẽ ổn định tinh thần và khi có sự trao đổi với người bảo vệ cho mình thì họ sẽ biết cách trình bày để quyền lợi của mình được đảm bảo.

Không nên lo sợ quy định “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ tạo thêm rào cản cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bởi vì, im lặng không có nghĩa là không chịu khai báo nhằm cản trở hoạt động điều tra. Im lặng là quyền, bị can, bị cáo có thể sử dụng hoặc không trong một khoảng thời gian nhất định và thông thường là cho đến khi có sự hiện diện của luật sư. Theo quy định pháp luật hiện hành, luật sư được quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng.

Sau 24h với người bị tạm giữ hành chính và 3 ngày với người bị giam, khi luật sư đã làm đầy đủ thủ tục theo nguyện vọng của người bị bắt hoặc gia đình họ, cơ quan tiến hành tố tụng phải cấp giấy cho luật sư. Khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo lịch xét hỏi bị can cho luật sư biết và cùng tham gia các buổi xét hỏi đó, đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên, quá thời hạn trên nếu không tìm được luật sư hoặc không yêu cầu nhà nước chỉ định, bị can, bị cáo phải hợp tác với cơ quan điều tra. Nghĩa là, bị can, bị cáo chỉ có quyền chưa khai báo khi chưa đáp ứng một số thủ tục tố tụng chứ không phải là không khai báo trong suốt quá trình tố tụng. Tất nhiên, quyền chưa khai báo là chỉ với những gì liên quan đến vụ án chứ không có quyền chưa khai báo về các thông tin nhân thân.

Mặt khác, phải khẳng định rằng, việc chứng minh tội phạm là nhiệm vụ của cơ quan chấp pháp, trọng chứng chứ không trọng cung. Vì thế, việc sử dụng “quyền im lặng” của bị can, bị cáo khi chưa có luật sư không ảnh hưởng đến quá trình xác minh, làm rõ vụ án.

Với những đặc tính “ưu việt” của “quyền im lặng”, việc bổ sung quy định này vào Bộ luật Tố tụng hình sự là hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu mới của Hiến pháp năm 2013: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” (Khoản 4, Điều 31). Điểm mới bổ sung này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast