Nghiêm Kình - Dấu chân người lính mãi còn! (bài 2): Cán bộ trong lòng dân - Chính ủy trong lòng quân

(Baohatinh.vn) - Tôi đọc tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn quân đội, Đại tá Nguyễn Minh Châu với một tâm trạng háo hức và đầy cảm phục về nhân vật chính - Chính ủy Nghiêm Kinh. Thế nhưng không hiểu vận may nào đã khiến tôi lại được gặp nguyên mẫu ở ngoài đời. Chẳng những thế, tôi còn được ông chọn làm thư ký riêng trước ngày sư đoàn bước vào chiến dịch “Hè đỏ lửa” 1972 Quảng Trị. Ở người thủ trưởng chính trị này, có quá nhiều câu chuyện truyền miệng trong các thế hệ quan và lính của sư đoàn. Chuyện nào cũng có thật và đầy cảm động.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam và 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12)

Yêu thương đồng bào, yêu thương cấp dưới

Thiếu tướng Nghiêm Triều Dương kể: Một lần tìm lại đồ đạc, kỷ vật của ba, ông đã được đọc một lá thư của đồng bào Trà Bồng, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lá thư đồng thời cũng là bản cam kết, xác nhận đồng bào ở đây có vay 100 đồng (bạc Đông Dương) của đồng chí Nghiêm Kình, sẽ trả lại cho đồng chí. Ấy là năm 1964, trên đường hành quân từ Bắc vào Tây Nguyên, thấy bà con ở vùng Sơn Tịnh quá nghèo khổ, muốn mua sắm trâu bò và dụng cụ sản xuất nhưng không có tiền, nhiều nhà phải cày cuốc thay trâu, ông bèn quyết định dùng tiền cá nhân mình cho bà con vay. Thấy bà con băn khoăn, ông nghĩ ra cách cho viết giấy biên nhận, song lòng tự nhủ lòng rất khó có dịp trở lại nơi này và dẫu có may mắn sống sót về qua, ông cũng không bao giờ lấy lại.

Nghiêm Kình - Dấu chân người lính mãi còn! (bài 2): Cán bộ trong lòng dân - Chính ủy trong lòng quân

Tác giả bài viết và đồng đội thắp hương phần mộ Trung tá Nghiêm Kình tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Đức Thọ.

Với chiến sỹ của mình, ông quan tâm hết mực như một người cha. Hồi mới về sư đoàn, tôi đã được nghe khá nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu thương của ông với cấp dưới. Một lần, tại vọng gác dã chiến của sư đoàn bộ, Trung tá Nghiêm Kình đi họp với chỉ huy Trung đoàn 48 về rất muộn. Thấy một chiến sỹ cảnh vệ tên là Dung đứng gác co ro dưới trời rét giá, trên người chỉ khoác bộ quân phục mỏng manh, Thủ trưởng Nghiêm Kình xuống xe, cởi ngay chiếc áo choàng của Liên Xô dành cho sỹ quan cấp cao, mới được phát, khoác lên người chiến sỹ của mình. Chàng binh nhất trẻ măng đó vừa cảm động, vừa sợ nên từ chối. Anh định cởi trả lại thì bỗng giật mình khi “bị” vị chỉ huy ra lệnh: “Đứng yên. Không được động đậy!”. Khi anh lính bình tĩnh trở lại thì cấp trên của anh đã lên xe, khuất vào chỉ huy sở.

Lá thư cuối cùng, lời trăng trối cuối cùng

Đúng như một nhà thơ đã từng viết: “Quanh năm rong ruổi chiến trường xa/ Con tự lớn khôn, vợ tự già”. Bà Hoàng Thị Vịnh, cô gái TP Đồng Hới mảnh mai, nhỏ nhoi ấy, chỉ vì quá yêu ông, quá tôn thờ lý tưởng cách mạng của gia đình ông mà phải một nách xách 4 con nhỏ lặn lội hết tỉnh này qua tỉnh khác trong bom rơi, đạn lạc nuôi các con ăn học, khôn lớn để ông an tâm lo việc quân, việc nước. Cái mà thi thoảng lắm, mẹ con bà mới nhận được từ ông là những lá thư viết vội, bằng nhiều loại giấy có được, gửi bằng mọi cách, trong chiến trường khốc liệt. Thư ông luôn dành sự chăm chút cho vợ con, không hề mảy may nói về sự hy sinh, gian khó của mình, luôn bừng sáng lên niềm tin chiến thắng.

Nghiêm Kình - Dấu chân người lính mãi còn! (bài 2): Cán bộ trong lòng dân - Chính ủy trong lòng quân

Bà Nguyễn Thị Bé (cháu dâu của của ông bà Nghiêm Kình) thường xuyên chăm lo gìn giữ các kỷ vật trong nhà lưu niệm của gia đình.

Dưới đây là lá thư cuối cùng, ông viết từ chiến trường máu lửa Quảng Trị:

Ngày 20/8/1972

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh, ba gửi mẹ và các con lời thăm hỏi sức khỏe.

Năm nay, nhớ lại những ngày đầu tham gia cách mạng, ba cũng thấy tự hào là đã đem tuổi thanh xuân của mình mà phục vụ cách mạng, đi theo Đảng phục vụ nhân dân.

Mẹ và các con cũng thế. Thế hệ ba mẹ là thế hệ của Cách mạng tháng Tám. Do Cách mạng tháng Tám đưa lại hạnh phúc và đi theo Cách mạng tháng Tám mà trưởng thành. Ba đang viết thư cho các con trong một hầm chữ A thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị), nơi cách đây 25 năm ba đã công tác. Nhiều chuyện vui khi về ba sẽ kể lại cho các con nghe. Ba chúc các con một năm học mới đầy thành công, tất cả các con đều là học trò giỏi.

Năm 1964, khi vào một ấp chiến lược được giải phóng, vào một lớp học của các em, do một ông giáo hướng dẫn, họ chào các chiến sỹ quân giải phóng một cách kính cẩn. Ba chào thầy giáo và học trò, rồi mướn ông giáo một viên phấn, xin phép thầy, tặng các em một câu, thầy giáo và học sinh hồi hộp chờ đợi.

“Các em học giỏi, chơi ngoan

Ngày mai khôn lớn lo toan việc đời”…

8 năm đã trôi qua, ba viết lại câu ca dao gửi các con nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám. Chúc các con khỏe.

Ba Nghiêm Kình”

Không ai ngờ, đây lại là bức thư cuối cùng của ông!

Thiếu tướng Nghiêm Triều Dương kể lại: Những ngày cuối năm 1972, không quân Mỹ ném bom B52 ở cả miền Bắc và Hà Nội. Thời kỳ này gia đình tôi đang sơ tán ở Chương Mỹ, Hà Tây. Có lẽ trong con người có thần giao cách cảm. Không thấy ba viết thư về, linh tính báo cho mẹ tôi biết có việc chẳng lành đến với ba.

Tôi cũng linh cảm điều đó. Bởi lá thư ngày 20/8/1972, ba đề ngoài bì gửi Nguyễn Thị Vịnh (mà mẹ tôi là họ Hoàng). Sau này, tôi mới được rõ, lá thư này ông viết trước đêm hy sinh 2 ngày, người công vụ của ông là chú Lê Đình Tán thay ba tôi đề bì thư và gửi ra cho mẹ tôi. Lúc đó, tôi chợt nhớ cuốn sách mà một lần đi Hà Nội, ba mua về tặng chị em tôi. Đó là cuốn: “Thôn Tiểu bắc đẩu” viết về chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô thế chiến thứ hai. Xa-sa, cô gái có bố hy sinh ở ngoài mặt trận đã giấu mẹ và các em, hàng tháng viết giả thư của bố gửi về cho mẹ và gia đình.

Hôm sau đạp xe về Hà Nội, khi nghỉ lại nhà bạn chiến đấu của ba mới biết tin chính xác là ông đã hy sinh, mẹ tôi khóc rất nhiều. Thương ông sắp đến ngày thống nhất thì hy sinh (lúc đó hai bên vừa ký xong Hiệp ước Pa-ri về lập lại hòa bình tại Việt Nam).

Năm 1973, mẹ con chúng tôi thay nhau vào tận Vĩnh Linh tìm mộ ba. Được anh Nguyễn Văn Châu, Xã Đội trưởng xã Vĩnh Hiền dẫn ra khu nghĩa trang và tìm thấy mộ chí có đề tên ông ở ngôi thứ 7 cùng 6 đồng đội nữa. Đến tháng 11/1976, gia đình vào đưa ông trở về đất mẹ. Hiện ông cùng các đồng đội nằm cạnh nhau tại nghĩa trang liệt sỹ của huyện Đức Thọ tại xã Đức Lạc, một ngọn đồi xanh ngút ngàn cây, quanh năm lộng gió, ít khi vắng người qua lại khói hương, thăm viếng.

Nghiêm Kình - Dấu chân người lính mãi còn! (bài 2): Cán bộ trong lòng dân - Chính ủy trong lòng quân

Thôn Đại Nghĩa, xã Đức Yên - quê hương của liệt sỹ Nghiêm Kình đang trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Họa sỹ Quách Đại Hải - một chiến sỹ từng phục vụ ông và là người chứng kiến những giờ phút cuối đời của ông, đã viết trong bài: “Người Chỉ huy của tôi - Kỷ niệm một mùa mưa”, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4/1999 như sau:

“Hôm nay, thủ trưởng tôi diện bộ Tô Châu mới cứng, dép xỏ 4 quai, bên hông đeo khẩu K59, quàng chéo cái túi mìn Clay mo đựng tài liệu. Cùng đi với chúng tôi là một o du kích người Hải Lăng tròn lẳn, mặc bộ ba ba đen, vai mang khẩu AR 15… Thôi, tạm biệt căn cứ nơi chúng tôi có một mùa mưa… Trời tối nhưng chưa có trăng, o giao liên đi trước, đến thằng Tán (công vụ) đến thủ trưởng Kình, tôi đi cuối cùng, cự ly cách nhau 5 mét nên chẳng ai nói với ai được lời nào. Tôi nhìn ngang liếc dọc, cố phán đoán xem đi về hướng nào, thì bỗng đất trời mù mịt, chớp xanh, chớp đỏ loằng ngoằng, tiếng nổ long óc rền như sét đánh. Thôi chết, dính B52 rồi! Thằng Tán gào to: “Bảo vệ thủ trưởng!”. Tôi lao nhanh về phía trước nhưng không kịp nữa, muộn rồi. Hai bóng người đổ ụp, không một tiếng kêu. Bom dứt, khói tan, cảnh tượng thật đau lòng. O giao liên chỉ còn lại một ít thịt, xương. Tán nằm đè lên thủ trưởng Kình. Tôi giật nó ra, bỗng Tán khóc rống lên: “Anh ơi, thủ trưởng ta “bị” rồi!”. Tán vực thủ trưởng dậy tựa vào người tôi để băng bó cho ông các vết thương to tướng ở ngực.

Bỗng ông đưa bàn tay yếu ớt lần bắt hai đứa chúng tôi rồi thì thào: “Mọi việc của hai cậu tôi đã… nói với… chi bộ”. Những đụn bọt máu trào ra ướt đẫm mấy cuộn băng và cả vùng ngực của thủ trưởng: “Các cậu ở lại… cố phấn đấu vào… Đảng…”.

Hai mươi bảy năm rồi và trọn đời mình, chúng tôi không bao giờ quên lời trăng trối thiêng liêng ấy.

Với chúng tôi, những đồng đội, cấp dưới của ông luôn có một niềm tin mãnh liệt: Trung tá - Chính ủy trung đoàn; Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 320B Nghiêm Kình thân yêu của chúng tôi không bao giờ chết. Con người ấy, lý tưởng ấy, nhân cách ấy vẫn ngày ngày song hành với dân tộc, đồng đội. Dấu chân người lính đáng kính ấy vẫn mãi mãi còn đến tận muôn sau…

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast