Chính phủ quyết sách kịp thời trước bước ngoặt lớn

Trước những diễn biến bất lợi trong nước và thế giới, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế 2016.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại cuộc tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?” được tổ chức ngày 10/12.

chinh phu quyet sach kip thoi truoc buoc ngoat lon

GS Nguyễn Mại phát biểu tại buổi tọa đàm. - Ảnh: Diễn đàn Đầu tư

Theo đánh giá của TS. Lê Đăng Doanh, năm 2016 Việt Nam đã có bước ngoặt lớn về nhiều mặt. Chính phủ mới thành lập đã dồn dập gặp nhiều khó khăn như sự cố môi trường do Formosa, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, lũ lụt ở miền Trung… Những biến cố này đã là những thách thức khiến Chính phủ phải đưa ra quyết sách lớn.

“Chưa có Chính phủ nào mới lên mà dồn dập gặp nhiều khó khăn như vậy. Trước từng ấy những thách thức ấy nhưng rất mừng vì thấy Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng như thúc đẩy số lượng doanh nghiệp, quyết liệt tái cơ cấu", ông Doanh nói.

Kết quả là trong năm vừa qua, vẫn có khoảng 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Những có quyết sách mới tái cơ cấu từ phía Chính phủ khiến cộng đồng doanh nghiệp phát triển làm tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đề cập đến vấn đề "Làm ăn gì năm 2017?", TS. Doanh cho rằng điều quan trọng trước hết đó là cần phải thúc đẩy cổ phần hoá.

"Tôi nghĩ làm tốt điều này, chứng khoán sẽ chứng kiến sự sôi nổi trong năm tới. Chính những khó khăn thúc đẩy Chính phủ có bước tiến mới. Cổ phần hoá có thêm nhà đầu tư, công khai minh bạch hơn và sức ép lớn phải niêm yết - là cơ hội lớn của thị trường chứng khoán", ông Doanh nhận định.

Thêm vào đó, ông Doanh cũng cho rằng những năm sắp tới, cơ hội của những người kinh doanh với ngành dịch vụ là rất lớn.

Đánh giá 2017 sẽ là một năm với nhiều thuận lợi, song theo TS. Doanh cũng cần phải quan tâm đến các vấn đề môi trường quốc tế.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, 2016 là một năm rất đặc biệt cả trong và ngoài nước. Đây là năm Việt Nam vừa thay đổi bộ máy lãnh đạo của đất nước, trong khi các yếu tố chính trị ở khu vực tác động vào nền kinh tế mạnh nhất, thiên nhiên thử thách Việt Nam nhiều nhất.

TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định năm 2017 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kì nhiều cơ hội. Với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thì có nhiều đất tham gia vào ngành, lĩnh vực trước là lĩnh vực đặc thù của nhà nước.

Nhận định về kinh tế năm 2016, TS. Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, những bài toán đặt ra từ năm 2011 đến nay vẫn còn nhiều việc phải làm, tái cơ cấu ngân hàng, cổ phần hoá danh nghiệp nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Nhận xét nền kinh tế Việt Nam 2016 trong tương quan trong khu vực các nước ASEAN, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) lạc quan khi cho rằng, khi đánh giá nền kinh tế, cần đặt trong bối cảnh để thấy những yếu kém nhưng cũng thấy những cố gắng của Việt Nam.

Từ đó có thể thấy, dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn tăng trưởng tích cực.

Về năm 2017, TS Nguyễn Mại nhận định “yếu tố quyết định nhất chính là chúng ta. Thủ tướng đã nói rằng “đã nói là phải làm””.

Thứ hai, đội ngũ công chức cần phải đổi mới. “Đánh giá của thế giới về môi trường đầu tư của Việt Nam tăng 17 bậc, nhưng công chức các sở ngành hành doanh nghiệp rất nhiều”, ông Mại thẳng thắn.

Theo VGP News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast