TP Hà Tĩnh: Bộn bề chặng đường về đích đô thị loại II

Theo kế hoạch, đến năm 2015, TP Hà Tĩnh sẽ hoàn thành cơ bản các tiêu chí đô thị loại II. Tuy nhiên, so sánh các tiêu chí đạt được sau hơn 3 năm phấn đấu, hiện thành phố vẫn còn bộn bề khó khăn... Nếu không có một hướng đi rõ ràng, chiến lược cụ thể và cả sự bứt phá, chưa biết đến bao giờ TP Hà Tĩnh mới chạm đích đô thị loại II.

Kết quả bước đầu

Từ một thị xã nhỏ bé, đến nay, TP Hà Tĩnh đã phát triển, mang diện mạo, dáng vóc của một thành phố trẻ, hiện đại. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 16%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế đô thị, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 62,3%, thương mại - dịch vụ 33%, nông nghiệp - thủy sản 4,56%. Nếu như năm 2000, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 10,2%, thu ngân sách 7,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4,5 triệu đồng, thì năm 2012, tăng trưởng kinh tế đạt 16,5%, thu ngân sách gần 418 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 25 triệu đồng.

Mặc dù đã khoác lên mình chiếc áo mới của một thành phố trẻ, nhưng chặng đường về đích đô thị loại II của TP Hà Tĩnh vẫn bộn bề khó khăn.
Mặc dù đã khoác lên mình chiếc áo mới của một thành phố trẻ, nhưng chặng đường về đích đô thị loại II của TP Hà Tĩnh vẫn bộn bề khó khăn.

Nhiều công trình trọng điểm như: Bệnh viện Đa khoa thành phố, Trung tâm Thương mại Minh Khai, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải; các tuyến phố mới như: Hàm Nghi, Hải Thượng Lãn Ông kéo dài, đại lộ Xô-viết Nghệ Tĩnh… được đầu tư xây dựng hiện đại, đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, thành phố đã quy hoạch 7 khu đô thị với diện tích gần 1.000 ha, cơ bản hoàn thành 5 khu hạ tầng với hơn 1.200 lô đất ở Đồng Trọt (phường Thạch Quý), Đội Thao (Thạch Trung), khu dân cư phía Đông đường Nguyễn Huy Tự, đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài và hạ tầng kỹ thuật hai bên đường. Nhờ đó, nhiều khu phố mới được chỉnh trang, những khu dân cư, dãy nhà cao tầng kiến trúc hiện đại bên những đường phố hình ô cờ được hình thành, góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới.

Bên cạnh công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, TP Hà Tĩnh luôn coi trọng ý thức, chất lượng của những cư dân đô thị, với việc ban hành, bước đầu triển khai có hiệu quả 4 đề án văn hóa, xã hội, góp phần hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong mỗi cư dân thành phố, theo thống kê, hơn 71% khu dân cư đạt danh hiệu khối phố văn hóa.

Ngoài ra, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến thời điểm hiện tại, thành phố có 2 xã đạt 13-16 tiêu chí (Thạch Hạ, Thạch Môn), 1 xã từ 10-12 tiêu chí (Thạch Trung), 1 xã đạt trên 5 tiêu chí và 2 xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí. Thông qua phong trào, thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình SXKD có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Phải khẳng định rằng, những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển đô thị ở Hà Tĩnh rất đáng phấn khởi. Kết cấu hạ tầng không ngừng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được nâng cao, dáng vóc của đô thị trẻ dần hiện hữu.

Tuy nhiên, nếu so sánh các tiêu chí đô thị loại II mà thành phố đang hướng đến trong thời gian tới thì kết quả đạt được vẫn đang còn cách đích khá xa...

Bộn bề về đích

Nếu so sánh những kết quả đạt được với các tiêu chí được quy định theo nghị định của Chính phủ về phân loại đô thị thì các chỉ tiêu về KT-XH là những chỉ tiêu đạt khá nhất. Bởi, xét về các tiêu chí như: tổng thu ngân sách, mức tăng trưởng kinh tế bình quân, thu nhập đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ gia tăng dân số thì TP Hà Tĩnh đã đạt chuẩn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu xét trong mối tương tác lẫn nhau giữa các chỉ tiêu thì vấn đề duy trì tính bền vững của các tiêu chí rất khó. Thực tế cho thấy, thành phố chưa tạo được sự bứt phá trong phát triển kinh tế, kết quả thu ngân sách nhiều năm liền không đạt sẽ tác động đến việc duy trì tính bền vững của các chỉ số phát triển khác.

Công viên là một trong những điểm nhấn quan trọng của đô thị nhưng thiếu vốn nên công trình nằm “bất động” nhiều năm.
Công viên là một trong những điểm nhấn quan trọng của đô thị nhưng thiếu vốn nên công trình nằm “bất động” nhiều năm.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng, trong các tiêu chí phân loại đô thị loại II, cái khó nhất đối với thành phố là nhóm các tiêu chí về hệ thống công trình hạ tầng đô thị. Thời gian qua, mặc dù thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các đầu mối giao thông, hệ thống thoát thải chưa đồng bộ, các công trình phúc lợi xã hội như công viên, trung tâm văn hóa, thể thao, hội chợ triển lãm chưa có. Quy mô, chất lượng các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối… chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, các tiêu chí theo tiêu chuẩn kiến trúc cảnh quan đô thị hầu như còn khá xa vời với TP Hà Tĩnh. Các khu dân cư cũ chưa được cải tạo, chỉnh trang theo không gian kiến trúc nhất định. Khu đô thị mới mặc dù đã manh nha nhưng chưa biết bao giờ mới hình thành. Đối với các chỉ tiêu về công trình công cộng, hiện nay, thành phố mới chỉ hoàn thành các tiêu chí mang tính chất chuẩn bị như: dành đất để xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ đô thị, đất chuyên dụng, còn các tiêu chí đòi hỏi nguồn lực đầu tư như cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm văn hóa - TDTT, trung tâm thương mại, dịch vụ… đều chưa đạt.

Từ những so sánh trên, chúng ta dễ dàng nhận ra nguyên nhân dẫn đến những bộn bề trong việc xây dựng các tiêu chí đô thị loại II ở TP Hà Tĩnh đó là thiếu nguồn lực. Xuất phát điểm thấp, quá trình xây dựng đô thị lại rơi vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế nên gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng ghi nhận, trong hoàn cảnh đó, TP Hà Tĩnh đã linh hoạt tiếp cận nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong dự án cải thiện đô thị miền Trung để cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và nguồn vốn vay của Bộ Tài chính để tạo quỹ đất, hoàn thành một số công trình dân sinh trọng điểm.

Theo các chuyên gia kinh tế, đất đai chính là nguồn tài chính quan trọng nhất đối với sự phát triển của đô thị. Nếu biết quy hoạch, khai thác tốt thì nguồn lực từ đất sẽ đủ sức cung cấp cho những kế hoạch xây dựng, phát triển đô thị. Nắm bắt được xu thế đó, TP Hà Tĩnh cũng đã quy hoạch, xây dựng tạo ra quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển. Song, đất ở TP Hà Tĩnh vừa quy hoạch, vừa huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất lại rơi ngay vào tình trạng ế ẩm do bất động sản đóng băng.

Bên cạnh những khó khăn khách quan, cũng phải thừa nhận rằng, thời gian qua, thành phố chưa làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; năng lực điều hành của chính quyền đô thị còn nhiều hạn chế; ý thức và trách nhiệm của người dân đối với quá trình xây dựng đô thị chưa cao… đã làm chậm tiến độ về đích đô thị loại II của thành phố…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast