Từ vụ sách luật in hình Công Lý: Liên kết xuất bản bị buông lỏng?

Việc buông lỏng quản lý trong liên kết xuất bản thời gian qua đã dẫn đến việc có nhiều cuốn sách kém chất lượng ra thị trường.

Chuyện gương mặt nghệ sĩ hài Công Lý bất ngờ bị lắp ghép, xuất hiện trên bìa sách “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” đang khiến dư luận xôn xao. Cuốn sách là sản phẩm liên kết xuất bản giữa Nhà xuất bản (NXB) Lao động – Xã hội và nhà sách Lao Động. Theo NXB Lao động – Xã hội, hình ảnh phản cảm của diễn viên Công Lý trên bìa sách được đối tác liên kết tự ý thêm vào.

Một lần nữa, câu chuyện này lại cho thấy tình trạng lộn xộn trong hoạt động liên kết xuất bản hiện nay.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Vũ Thùy Dương, Phó Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Hà Nội về vấn đề này.

Cuốn sách “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” có bìa in hình diễn viên Công Lý là sản phẩm liên kết xuất bản giữa Nhà xuất bản (NXB) Lao động – Xã hội và nhà sách Lao Động.
Cuốn sách “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” có bìa in hình diễn viên Công Lý là sản phẩm liên kết xuất bản giữa Nhà xuất bản (NXB) Lao động – Xã hội và nhà sách Lao Động.

PV: Thưa bà Vũ Thùy Dương, bà đánh giá như thế nào về thực trạng liên kết xuất bản tại Việt Nam hiện nay?

Th.S Vũ Thùy Dương: Hoạt động xuất bản của Việt Nam nói chung có sự thay đổi lớn bắt đầu từ năm 1986, khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường. Các NXB chủ động trong công tác đề tài, cũng như chủ động kế hoạch xuất bản sách và không bị phụ thuộc vào kế hoạch bao cấp do Nhà nước ban hành. Đặc biệt chủ trương của Nhà nước, cũng như chủ trương chung của ngành cho phép các đơn vị đối tác được liên kết với NXB trong một số khâu đã giúp bộ mặt ngành xuất bản Việt Nam khởi sắc.

Có thể thấy, từ khi có liên kết xuất bản, các NXB đã có điều kiện đầu tư vào những xuất bản phẩm đem lại chất lượng cao về hình thức cũng như nội dung. Đặc biệt nữa, liên kết xuất bản đã tạo ra được một cơ cấu sản phẩm xuất bản rất phong phú và đa dạng. Và người được hưởng lợi ích lớn nhất từ liên kết xuất bản chính là những độc giả. Ngoài ra, nhờ liên kết xuất bản, giá thành sách hiện nay đã tiệm cận được với mức độ tiêu dùng của người đọc.

Hoạt động liên kết xuất bản cũng giúp cho các NXB khắc phục được hạn chế lớn nhất hiện nay là thiếu vốn sản xuất. Trong khi đó, đối tác liên kết có nhiều thế mạnh về vốn, cũng như thế mạnh về phát hành sách đã giúp cho các NXB khắc phục được những điều này.

PV: Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, thời gian vừa qua, nhiều cuốn sách sai phạm xuất hiện trên thị trường phần lớn lại là sản phẩm của hoạt động liên kết xuất bản. Theo bà, đó có phải là mặt trái của liên kết xuất bản không?

Th.S Vũ Thùy Dương: Đúng là bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động liên kết kết xuất bản cũng tồn tại nhiều bất cập. Mà điều đó thể hiện rõ nhất ở việc xuất hiện những cuốn sách kém chất lượng, mắc nhiều sai sót trên thị trường. Thời gian vừa qua, dư luận, cũng như các phương tiện truyền thông đã phát hiện ra một số cuốn như “Sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non, liên kết giữa NXB Mỹ thuật và Công ty văn hóa Đinh Tỵ”; cuốn “Văn hóa tộc người Việt Nam”, liên kết giữa NXB Thời đại, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật và nhà sách Thăng Long… và mới đây là cuốn sách “Bộ Luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”, liên kết xuất bản giữa NXB Lao động – Xã hội và nhà sách Lao Động.

Tình trạng một số nhà xuất bản tồn tại chủ yếu qua việc cấp giấy phép xuất bản cho đối tác liên kết, hầu như không có thực quyền trong quá trình xuất bản cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối, khiến dư luận bức xúc. Xuất bản phẩm được xuất bản do liên kết giữa nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sách tư nhân lại chiếm phần lớn số lượng xuất bản phẩm hàng năm, vì vậy, nếu xảy ra sai sót sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến bạn đọc.

“Sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non, liên kết giữa NXB Mỹ thuật và Công ty văn hóa Đinh Tỵ”
“Sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non, liên kết giữa NXB Mỹ thuật và Công ty văn hóa Đinh Tỵ”

PV: Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến những bất cập trong hoạt động liên kết xuất bản?

Th.S Vũ Thùy Dương: Đầu tiên phải nói rằng, hiện nay, một số NXB phụ thuộc quá nhiều vào đối tác liên kết ở khâu tổ chức bản thảo, tìm kiếm đề tài cũng như khâu phát hành, và đặc biệt về vốn nên không thể chủ động trong kế hoạch xuất bản của mình. Chính vì vậy, một bộ phận nhỏ các NXB bị đối tác liên kết thao túng và bị phụ thuộc hoàn toàn vào cơ cấu, cũng như thể loại đề tài mà đối tác liên kết định hướng. Bản thân NXB có sự mất cân đối đề tài.

Một bộ phận đối tác liên kết chỉ tập trung đầu tư vào những bộ sách ăn khách trên thị trường. Do vậy, tạo ra hiện tượng thương mại hóa trong hoạt động xuất bản. Nghĩa là họ sẽ chỉ đầu tư vào những cuốn sách thu lại lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, thông thường các đối tác liên kết cần phải xuất bản sách theo đúng sự kiện, đúng thời điểm thì mới bán được sách. Vì hoạt động liên kết bị thúc ép về mặt thời gian nên sẽ dẫn đến tình trạng NXB buông lỏng khâu quản lý, kiểm duyệt xuất bản phẩm liên kết.

NXB không tuân thủ đúng quy trình biên tập xuất bản như duyệt bản thảo và bìa, thậm chí “bán giấy phép”, phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bỏ lọt những cuốn sách sai phạm ra thị trường.

Trong luật không cho phép NXB bán giấy phép xuất bản. Nhưng do mặt trái của thương mại xuất bản, của cơ chế thị trường, NXB bán giấy phép để duy trì hoạt động. Theo quy định của Luật Xuất bản, lâu nay, công việc biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của NXB. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo. Nếu NXB kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, biên tập, chắc chắn không bao giờ xảy ra sai sót.

Chính vì vậy, dưới góc độ chuyên môn nghiệp vụ, tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập trong hoạt động liên kết xuất bản là do NXB, đơn vị liên kết không tuân thủ đúng quy trình xuất bản. Dưới góc độ về ý thức nghề nghiệp, tôi cho rằng người làm công tác biên tập đã không tuân thủ theo đạo đức nghề nghiệp, bị tác động bởi thương mại hóa xuất bản gây ảnh hưởng đến chất lượng xuất bản phẩm.

NXB Thời đại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Nhà sách Thăng Long liên kết xuất bản 2 cuốn sách bị phát 30 triệu đồng hồi tháng 10
NXB Thời đại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Nhà sách Thăng Long liên kết xuất bản 2 cuốn sách bị phát 30 triệu đồng hồi tháng 10

PV: Theo bà, nhà xuất bản và đối tác liên kết phải chịu trách nhiệm như thế nào khi xảy ra sai sót?

Th.S Vũ Thùy Dương: Trách nhiệm của NXB cũng như đơn vị liên kết khi xảy ra sai sót đã được cụ thể hóa trong điều 23 về liên kết xuất bản quy định trong Luật Xuất bản 2012. Trong đó trách nhiệm của Tổng Biên tập NXB, trách nhiệm của đối tác liên kết xuất bản ngang nhau, đó là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết xuất bản và xuất bản phẩm liên kết. Ngoài ra còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.

Nhà xuất bản có quyết định thu hồi xuất bản phẩm khi đối tác liên kết vi phạm hoạt động liên kết. Về phía đối tác liên kết, cũng phải chịu trách nhiệm, thực hiện việc sửa chữa phát hành, đình chỉ thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

PV:Xin cảm ơn bà.

Theo Hà Phương/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast