Khuyến nghề - lời giải cho bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”!

(Baohatinh.vn) - Việc xét tuyển đại học đợt I vừa qua đã tạo nên đợt sóng dư luận bởi những “hiệu ứng ngược” mà Bộ GD&ĐT không lường tới. Bộ đã nhận trách nhiệm và có giải pháp khắc phục cho đợt xét tuyển nguyện vọng 2.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng cần phải bàn là công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh. Đa số các em vẫn mong muốn vào đại học bằng mọi giá trong khi số cử nhân, kỹ sư ra trường chưa xin được việc làm ngày càng nhiều.

Theo dõi những ngày tuyển sinh đại học đợt I, chúng tôi cũng “nóng” theo các bậc phụ huynh và học sinh. Điểm chuẩn của các trường liên tục được cập nhật trên bảng thông báo thay đổi không khác gì giao dịch trên sàn chứng khoán. Nhiều học sinh, phụ huynh đã phải 3, 4 lần đến tận các trường để thay đổi nguyện vọng.

Khuyến nghề - lời giải cho bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”! ảnh 1

Hà Tĩnh đang tập trung phân luồng, khuyến nghề để tạo bước đột phá trong hành trình chuẩn bị nguồn nhân lực tương lai gần cho KKT Vũng Áng. (Trong ảnh: Giờ thực hành của Trường CĐ Nghề công nghệ Hà Tĩnh)

Em Trương Thị Như - Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cho hay: “Ban đầu, em tự tin đăng ký 2 nguyện vọng, nhưng do điểm chuẩn tại các trường liên tục tăng nên phải rút hồ sơ để làm thêm 2 nguyện vọng dự phòng nữa. Riêng 2 nguyện vọng bổ sung, em không thích nhưng phải chọn, bởi chẳng nhẽ lại để trượt đại học!”.

Phần đông thí sinh mà chúng tôi gặp đều có chung tâm lý nếu trượt nguyện vọng này thì phải được nguyện vọng khác, dù đó không phải là ngành nghề yêu thích. Đa số các em trước đó đã chọn ngành nghề mình yêu thích, nhiều em còn chọn thêm một nguyên vọng dự phòng nhưng khi điểm chuẩn liên tục thay đổi lại cuống cuồng “làm cho hết nguyện vọng” vì sợ trượt (Bộ GD&ĐT quy định, mỗi thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng trong đợt I). Không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh cũng thế. Tâm lý con phải vào đại học của số đông phụ huynh cũng là một trong những tác nhân quan trọng gây xáo trộn trong đợt tuyển sinh vừa qua.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 19.665 thí sinh dự thi thì chỉ có 7.645 em chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp; số còn lại sử dụng kết quả để đăng ký vào đại học, cao đẳng. Những con số đó cho thấy, tỷ lệ học sinh trên địa bàn tỉnh có thể đăng ký học nghề không nhiều.

Thực tế, lâu nay, chúng ta đang trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhiều bậc phụ huynh phải làm đủ thứ nghề, thậm chí là vay nợ để cho con học đại học, nhưng sau khi ra trường chẳng xin được việc làm phù hợp, lại quay về lao động phổ thông, làm công nhân hoặc học nghề mới. Rồi không ít cử nhân chưa xin được việc, lại tiếp tục học cao học để chờ cơ hội.

Quyết định vào trường nghề khi đạt số điểm 24,5 của em Trần Ngọc Nam, (lớp 12C, Trường THPT Vũ Quang) đã được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người cho rằng, em đã rất dũng cảm khi đưa ra quyết định này. Nhưng với Nam, điều này rất đơn giản. “Em chọn nghề kỹ thuật hàn thuộc Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức vì em thấy nghề này cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường khá cao” - Nam chia sẻ.

Khuyến nghề - lời giải cho bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”! ảnh 2

Trần Ngọc Nam (hàng trên cùng, thứ 3 từ trái sang) tham dự buổi học đầu tiên tại Trường CĐ nghề Việt Đức

Với lựa chọn này, Nam đã được Hội Khuyến học Hà Tĩnh trao tặng suất học bổng 5 triệu đồng. Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh chia sẻ: “Thực trạng nhiều cử nhân ra trường không có việc làm kéo dài như bấy lâu cho thấy, quyết định chọn trường nghề của em Nam là hướng đi đúng cần được khuyến khích. Qua suất học bổng này, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp tới ngành giáo dục và các cấp chính quyền, kể cả các bậc phụ huynh là hãy cân nhắc kỹ, có định hướng trước khi các em lựa chọn nghề nghiệp, cần gắn với thực tiễn nhu cầu lao động và quan tâm đến công tác khuyến nghề”.

Trong buổi làm việc với Hội Khuyến học tỉnh gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự đã nhấn mạnh, bên cạnh những hoạt động khuyến học, khuyến tài, Hà Tĩnh cần tập trung cho lĩnh vực phân luồng, khuyến nghề để tạo bước đột phá trong hành trình chuẩn bị nguồn nhân lực tương lai gần cho khu công nghiệp Vũng Áng và công nghiệp nông thôn.

Như vậy, đặt trong bối cảnh hiện nay, giữa cung - cầu thị trường lao động thì việc khuyến nghề cho con em trở nên bức thiết. Chúng ta đang chuẩn bị cho đợt tuyển sinh lần 2, thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ trong việc định hướng cho con em.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast