Chuyện nghề đứng sau “cánh gà”: Nguồn nhân lực - thiếu và yếu!

(Baohatinh.vn) - Cùng với sự phát triển không ngừng của nghệ thuật biểu diễn thì nhu cầu của nghề đứng sau “cánh gà” ngày càng lớn. Song hiện nay, “cung không đủ cầu” đang là thực trạng.

>> Chuyện nghề đứng sau “cánh gà”: Âm thầm tô điểm

Nhạc công Nguyễn Đức Thịnh - Trung tâm văn hóa TX.Hồng Lĩnh phải làm thêm việc cắt, dán băng rôn tuyên truyền

Nhạc công Nguyễn Đức Thịnh - Trung tâm văn hóa TX.Hồng Lĩnh phải làm thêm việc cắt, dán băng rôn tuyên truyền

Thiếu và yếu

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Mai Quốc Quyền thừa nhận: Đội ngũ kỹ thuật viên (KTV) âm thanh, ánh sáng và nhạc công ở Hà Tĩnh còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng so với nhu cầu của xã hội. Để tìm một người vận hành kỹ thuật âm thanh, ánh sáng vừa có năng khiếu, am hiểu nghệ thuật, vừa có kiến thức chuyên môn vững hay những nhạc công chuyên nghiệp không phải dễ. Hà Tĩnh hiện chưa có KTV âm thanh, ánh sáng được đào tạo chính quy.

Được biết, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh mỗi năm phục vụ gần 100 sự kiện lớn nhỏ, chưa kể hàng trăm chương trình biểu diễn lưu động nhưng cũng chỉ có 6 người đảm nhiệm kỹ thuật âm thanh, ánh sáng (3 người kiêm nhiệm công việc khác; 3 nhạc công).

Nhìn về hệ thống trung tâm văn hóa ở cơ sở, thực trạng này còn nhiều vấn đề đáng bàn. Biên chế có hạn, thiếu người hoạt động nên cán bộ văn hóa cơ sở trở thành những người “đa năng” kiêm nhiều việc. Bên cạnh đó, hầu hết đều làm việc bằng kinh nghiệm, năng khiếu và một số kiến thức trong các khóa đào tạo ngắn ngày mà chưa qua đào tạo chính quy, bài bản. Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao TX Hồng Lĩnh - Nguyễn Thị Xoan cho biết: “KTV âm thanh, ánh sáng hay nhạc công kiêm nhiệm, hoán đổi vị trí cho nhau, thậm chí, khi cần lên sân khấu biểu diễn, làm người dẫn chương trình hay người dọn vệ sinh, treo cờ, trọng tài bóng đá, bóng chuyền… là rất đỗi bình thường”.

Khả quan hơn chút ít, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh được coi là một trong những đơn vị có dàn nhạc mạnh nhất khu vực Bắc Trung bộ, các nhạc công được đào tạo chính quy nhưng vẫn thiếu về số lượng. “Một dàn nhạc tối thiểu phải có 13 người, trong đó, có một người nhạc trưởng, còn dàn nhạc của chúng tôi hiện chỉ có 9 người, chưa có nhạc trưởng” - Nghệ sỹ ưu tú Đặng Duy Hải, Phó Giám đốc Nhà hát chia sẻ.

Đáng nói, sau sự kiện ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì cùng với trọng trách sưu tầm, bảo tồn và phát huy dân ca, việc phát huy dàn nhạc dân tộc càng cần thiết. Thế nhưng, hiện nhà hát vẫn đang “lấp chỗ trống” bằng việc xáo xào nhân sự, đưa nhạc công đi đào tạo chuyên môn, đồng thời, học thêm một nhạc cụ dân tộc khác.

Dễ dàng nhận thấy, ngoài việc đệm đàn, làm nhạc trong các vở diễn của đoàn để phục vụ công chúng hay tham gia các hội thi, hội diễn thì có rất ít cuộc thi dành cho dàn nhạc để nhạc công có dịp thi thố, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, bên cạnh đầu tư trang thiết bị, việc đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật viên là rất quan trọng.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, bên cạnh đầu tư trang thiết bị, việc đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật viên là rất quan trọng.

Đầu tư là chính đáng

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán thính giả, bên cạnh sự đầu tư về trang thiết bị máy móc thì việc đào tạo các KTV - những người biết sử dụng một cách tốt nhất các công cụ kỹ thuật là rất quan trọng. Thế nhưng, hiện nay, ở tỉnh ta, khâu đào tạo này gần như chưa có.

Trường Cao đẳng VH-TT&DL Nguyễn Du là cơ sở có đào tạo lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nhà trường chỉ kết hợp đào tạo kỹ thuật trong một học trình, học kèm với các chuyên ngành chính. Thầy Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, có chăng chỉ là các lớp đào tạo ngắn hạn của các hãng bán thiết bị âm thanh, ánh sáng. Nhà trường rất quan tâm đến lĩnh vực này nhưng chưa có đủ điều kiện đảm bảo để có thể mở mã ngành. Thời gian tới, nếu nhu cầu học thực sự lớn, chúng tôi sẽ liên kết với các trường ở trong nước để mở lớp”.

Thiết nghĩ, để bước đầu khắc phục tình trạng này, ngành chức năng cần quan tâm mở các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, hoặc gửi cán bộ, KTV đi đào tạo ở các trung tâm lớn trong nước, đồng thời, tạo sân chơi cho những người làm công tác này giao lưu, học hỏi về chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần phải công nhận những đóng góp âm thầm nhưng không kém phần quan trọng của KTV âm thanh, ánh sáng, nhạc công để khuyến khích người làm nghệ thuật ngày càng có nhiều sáng tạo, cống hiến và gắn bó với nghề. Trong điều kiện có thể, tăng định biên để thu hút thêm nhân tài, tạo điều kiện cho những người làm nghề có thể sống được bằng nghề. Tất nhiên, trong khi chờ những lời giải về cơ chế, bản thân những KTV âm thanh, ánh sáng, nhạc công cũng phải không ngừng học hỏi để vừa hoàn thiện năng lực bản thân, vừa bắt kịp các xu hướng mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast