Diễn đàn trẻ em năm 2013: Hãy để trẻ em lên tiếng!

(Baohatinh.vn) - Trang thiết bị trường học còn thiếu, lạc hậu. Tình trạng học sinh bỏ học ở nông thôn và các vùng nghèo còn nhiều. Chất lượng y tế học đường thấp. Trẻ em lao động sớm và bị ngược đãi... Đây là những vấn đề mà các em sẽ được bày tỏ tại diễn đàn trẻ em toàn tỉnh năm 2013 với chủ đề “Trẻ em tham gia góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (BVCS&GD) trẻ em”.

“Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em” là chương trình giao lưu, đối thoại giữa 66 trẻ em đến từ 13 đơn vị, địa phương với các lãnh đạo tỉnh, ngành liên quan. Bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy vậy, BVCS&GD trẻ em vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là trẻ em bị bạo hành, xâm hại, tai nạn thương tích, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn có xu hướng gia tăng. Chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS vẫn là vấn đề bức xúc. Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới... Đặc biệt, việc một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác BVCS trẻ em; công tác thông tin, truyền thông, giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em cũng như cộng đồng. Nguồn lực đầu tư cho công tác BVCS trẻ em còn thấp; việc quy hoạch và đầu tư các điểm vui chơi, giải trí chưa được quan tâm đúng mức... Vì vậy, diễn đàn này là cơ hội để lãnh đạo địa phương gặp gỡ, trao đổi với các em về các mục tiêu vì trẻ em, về những vấn đề mà các em thấy bức xúc tại địa phương”.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Em Nguyễn Thị Khánh Huyền (lớp 9A, Trường THCS Đại Thành - Can Lộc) cho rằng, tình trạng sử dụng lao động trẻ em làm việc nặng nhọc, trong môi trường nguy hiểm và bị ngược đãi khá phổ biến. Chương trình học hiện nay vẫn còn nặng, chủ yếu học lý thuyết, thiếu thực hành và đặc biệt là công tác hướng nghiệp còn hạn chế. Tình trạng xâm hại, sao nhãng đối với trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước vẫn còn diễn ra...

Tại diễn đàn, những tiểu phẩm, những câu hỏi mà các em đặt ra cho lãnh đạo địa phương, ngành cũng chính là những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. Ví như: trẻ em cần được trang bị những kỹ năng để phòng chống tai nạn thương tích; nhà trường, gia đình, xã hội cần nhìn nhận toàn diện về giáo dục, đặc biệt là quan tâm bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh THCS, định hướng cho con cái để lựa chọn nghề nghiệp; đề nghị Bộ Giáo dục độc quyền biên soạn, quản lý và xuất bản sách giáo khoa các cấp.

Hay như cần quản lý trẻ em trong vấn đề sử dụng máy tính bảng, máy vi tính, điện thoại di động; đầu tư xây dựng thêm các điểm vui chơi, giải trí để các em có được môi trường an toàn, lành mạnh, tránh xa các nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em… Đặc biệt là vấn đề y tế học đường. Nhiều nơi nêu thực tế, y tế học đường còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn nhiều, đặc biệt là ở nông thôn. Trong khi đó, giá sữa trên thị trường Việt Nam đang ở mức cao và có nhiều loại sữa bị phát hiện kém chất lượng. Có nhiều trẻ bị mắc bệnh hiểm nghèo nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện chữa bệnh.

Ông Tô Quang Quyền - Trưởng phòng Trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Thông qua diễn đàn, trẻ em được chia sẻ sự hiểu biết và nguyện vọng của mình, được tham gia, đề xuất các ý kiến đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật BVCS&GD trẻ em. Diễn đàn cũng sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp, ngành, toàn xã hội về thực hiện quyền trẻ em, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em; đồng thời thông qua diễn đàn sẽ trang bị cho trẻ kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao nhận thức cho trẻ em về trách nhiệm đối với bản thân và vai trò, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, từ đó tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành chủ nhân tương lai.

Bà Lê Thị Mai Hoa khẳng định: “Thông qua diễn đàn trẻ em 2013, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến các em, trân trọng ý kiến trẻ thơ, từ đó đưa ra những kiến nghị sửa đổi trong luật pháp, chính sách hiện có cũng như tăng cường truyền thông về luật pháp BVCS&GD trẻ em cho gia đình, nhà trường và xã hội”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast