Gắn phát triển sản xuất với đảm bảo an toàn lao động

Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Hồng Lĩnh (xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) thuộc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp – Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh) là con chim đầu đàn của ngành khai khoáng tỉnh nhà. Những năm qua, cùng với đổi mới công nghệ để mở rộng sản xuất, đơn vị còn chú trọng đầu tư đáng kể cho công tác an toàn lao động.

Trên công trường chế biến sản phẩm của Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Hồng Lĩnh
Trên công trường chế biến sản phẩm của Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Hồng Lĩnh

Ông Đặng Văn Minh – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp – Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh kiêm Giám đốc Xí nghiệp khai thác và chế biến Đá Hồng Lĩnh khẳng định, dù sản xuất trong môi trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn lao động nhưng nhờ tuân thủ tốt các quy trình, quy phạm trong khai thác và chế biến sản phẩm nên gần 10 năm nay, không có một sự cố lớn nào xẩy ra tại công trường sản xuất của đơn vị.

Theo ông Minh, thoạt nghe, nghề khai thác và chế biến đá có phần đơn giản: nổ mìn phá đá rồi đưa vào máy xay. Song, thực tế sản xuất lại phức tạp hơn nhiều và luôn phải trải qua ba công đoạn cốt yếu, đó là: khoan đá – nổ mìn, gia công đá nguyên liệu và bốc xúc vận chuyển lên phương tiện. Tương ứng với ba công đoạn đó, xí nghiệp cũng phân loại theo ba bộ phận tác thành nên sản phẩm, trong đó, khoan đá – nổ mìn là bộ phận tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cả khi luôn phải treo mình trên các vách đá cheo leo.

Để đảm bảo an toàn lao động trong khâu khoan đá – nổ mìn, cứ hai năm một lần, xí nghiệp lại gửi đội ngũ này đi sát hạch tay nghề theo quy định của ngành chủ quản. Đối với bộ phân gia công đá nguyên liệu, tuy công việc có phần nhẹ nhàng hơn nhưng không có nghĩa không mẫn cảm với các thành phần của đá, bởi, nhiều khi chỉ cần sơ ý là những vỉa đá nhỏ bị vỡ ra từ các khối đá lớn cũng đủ để gây sát thương người lao động.

Xuất phát từ những tình huống tưởng như lặt vặt đó, xí nghiệp luôn yêu cầu các tổ sản xuất phải giám sát việc sử dụng đồ bảo hộ lao động mà đơn vị đã trang bị cho công nhân, từ áo quần, dày dép, mũ nón cho đến găng tay, đai thắt lưng…

Được biết, với mỗi khối đá sản xuất được, đơn vị giành 200 đồng để chi cho hạng mục bảo hộ lao động, đồng nghĩa, hàng năm, số tiền xí nghiệp rót vào đây cỡ 30 triệu đồng; đó là chưa kể, cứ 3 tháng một lần xí nghiệp lại tiến hành quan trắc môi trường lao động và 6 tháng một lần thì tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân.

Nhờ chú trọng đảm bảo an toàn lao động nên xí nghiệp không bị lãng phí những khoảng thời gian vô ích cho việc giải quyết các sự cố trong sản xuất. Sản lượng của xí nghiệp vì thế cũng không ngừng tăng lên. Ngoài dây chuyền chế biến đá có công suất 120 tấn/giờ theo công nghệ của Italia (được đầu tư từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước), hiện nay, xí nghiệp còn duy trì tốt dây chuyền chế biến đá có công suất 75 tấn/giờ theo công nghệ mà Việt Nam sản xuất. Trong năm 2009 vừa qua, đơn vị đạt sản lượng khai khoáng 135 ngàn m3, trong đó, sản phẩm sau chế biến đạt 120 ngàn m3; doanh thu đạt 14 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân của 120 CBCNV lao động đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Với các dây chuyền sản xuất hiện đại và đồng bộ cùng sự đa dạng về chủng loại sản phẩm (đá 1x2, đá 2x4, đá 4x6, đá 5x1, đá cấp phối và đá mạt), Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Hồng Lĩnh không chỉ cung ứng kịp thời nhu cầu xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng trong và ngoài tỉnh mà còn làm hài lòng cả những khách hàng khó tính.

Thành công của đơn vị tiếp tục khẳng định, muốn phát triển sản xuất thì phải đảm bảo an toàn lao động và có an toàn lao động mới đảm bảo phát triển sản xuất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast