Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang vào cao điểm mùa khô, đây cũng là thời điểm người dân Vũ Quang “tranh thủ” phát dọn, đốt thực bì để chuẩn bị gieo trồng vụ mới, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

Việc người dân Vũ Quang đốt thực bì để trồng rừng trong những ngày nắng nóng tiềm ẩn cao nguy cơ cháy rừng.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng liên quan đến đốt thực bì, nhưng thói quen xử lý thực bì bằng lửa không đúng quy trình vẫn đang diễn ra phổ biến ở một số địa phương trên địa bàn Vũ Quang. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng đến tài sản của nhà nước và Nhân dân.

Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

Lực lượng chức năng xã Đức Liên xử lý đám cháy do người dân đốt thực bì vào ngày 29/6/2021.

Tại xã Đức Liên, tình trạng người dân đốt thực bì để trồng rừng vẫn xảy ra, trên các sườn đồi, nhiều ha bụi rậm được các chủ rừng chặt phơi khô để chờ đốt. Trong số này có một số lượng lớn nằm liền kề với các khoảnh rừng trồng khác. Mùa khô, lửa cháy lớn, nếu không được kiểm soát thì có nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện, cháy rừng và các sự cố đáng đáng tiếc khác có thể xảy ra.

Nói về thực trạng này, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết: “Mặc dù xã thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền đến từng chủ rừng về việc chấp hành nghiêm các biện pháp PCCCR như ký cam kết không đốt thực bì, chủ động dập lửa và thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện cháy rừng... Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn thói quen tranh thủ thời tiết nắng nóng phát dọn và đốt thực bì để chuẩn bị mặt bằng sản xuất vụ mới”.

Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

Từ đầu mùa nắng đến nay, lực lượng chức năng xã Đức Liên đã xử phạt hành chính 2 trường hợp không tuân thủ quy định PCCCR.

Ông Hùng cho biết thêm: “Toàn xã hiện có gần 2.600 ha rừng và đất rừng được giao quản lý, trong đó, rừng sản xuất chiếm trên 1.500 ha. Từ đầu mùa nắng đến nay, xã đã thực hiện trên 20 đợt kiểm tra, nhắc nhở người dân không tự ý đốt dọn thực bì. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính 2 trường hợp không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa khi đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng; mỗi hộ bị xử phạt 1,5 triệu đồng theo quy định”.

Tình trạng đốt thực bì để trồng rừng không chỉ xảy ra tại xã Đức Liên mà tại một số địa phương khác trên địa bàn Vũ Quang, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan với “giặc lửa”.

Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

Người dân thôn Hợp Thắng (xã Hương Minh) đốt thực bì để trồng rừng mới.

Tại xã Hương Minh, người dân vẫn còn thói quen sản xuất theo tập quán, sau khi keo đến kỳ khai thác, thân cây được cắt bán gỗ nguyên liệu, còn cành và lá thì người dân phơi khô, chờ thời tiết nắng nóng sẽ đốt với những loại cây cỏ được phát dọn để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Tuy nhiên, điều đó rất nguy hiểm đối với những cánh rừng được trồng liền kề bởi nguy cơ cháy rừng có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nhất là rừng trồng thông, vùng giáp ranh với rừng tự nhiên có nhiều lau lách, thảm thực vật dày.

Ông Đoàn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND xã Hương Minh cho biết: “Từ đầu mùa nắng đến nay, địa phương đã nhắc nhở 13 trường hợp ý định đốt thực bì và xử phạt hành chính một trường hợp cố tình vi phạm. Thời điểm này, lực lượng chức năng của xã vẫn đang tập trung cao độ để gìn giữ, bảo vệ cho hơn 5.900 ha rừng và đất lâm nghiệp trước nguy cơ cháy rừng từ việc đốt thực bì của người dân”.

Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

Người dân xã Hương Minh xử lý thực bì bằng lửa trong điều kiện thời tiết đầu nắng nóng, khá gần với rừng sản xuất khác nhưng không có người canh gác, túc trực.

Hà Tĩnh đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, dự báo cấp độ cháy rừng luôn ở cấp IV và cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Nắng nóng, độ ẩm không khí thấp, kết hợp gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng lại càng thường trực.

Thế nhưng, thực trạng xử lý thực bì bằng lửa sau khi thu hoạch các loại rừng sản xuất không đúng quy trình, không xin phép các cơ quan chức năng đang diễn ra khá phổ biến ở Vũ Quang, gây mất an toàn cho nhiều diện tích rừng.

Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

Các địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân về ý thức chung tay PCCCR.

Được biết, Vũ Quang hiện có gần 50.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố đều trên 10 xã, thị trấn. Trong đó có gần 10.000 ha rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy, tập trung tại các xã: Thọ Điền, Hương Minh, Quang Thọ, thị trấn Vũ Quang, Đức Liên...

Để phòng “giặc lửa” trong mùa nắng năm nay, các địa phương và chủ rừng đã chủ động thực hiện tốt các giải pháp PCCCR như: phát đường băng cản lửa; tuyên truyền đến từng chủ rừng, hộ dân; thành lập các ban chỉ đạo bảo vệ rừng và tổ xung kích chữa cháy rừng; chủ động tu sửa công trình và chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy.

Vì sao tình trạng đốt thực bì để trồng rừng còn diễn ra nhiều nơi ở Vũ Quang?

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng (thứ nhất từ trái sang) kiểm tra công tác PCCCR tại xã Thọ Điền.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng cho biết: “Để công tác PCCCR trên địa bàn đạt hiệu quả cao nhất, UBND huyện đã ban hành công điện số 11/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR. Theo đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng túc trực 24/24h tại các diện tích dễ xảy ra cháy rừng, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức PCCCR cho người dân. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị cần xử lý nghiêm các trường hợp tự ý đốt thực bì để trồng rừng”.

Cũng theo ông Bằng, UBND huyện đã giao cho ngành NN&PTNT, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý thực bì đối với các tổ chức và cá nhân là chủ rừng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về PCCCR. Đồng thời, phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, thị trấn làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cơ sở thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đối những trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng phải được xử lý công khai, nghiêm minh theo pháp luật.

Tin liên quan:

Chủ đề Cháy rừng ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast