Vũng Áng - sức hấp dẫn từ hệ thống cảng

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, trong khi một số bến cảng trong nước thiếu tàu, vắng hàng thì cảng Vũng Áng luôn nằm trong tình trạng quá tải. Đây không chỉ là tín hiệu vui phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Hà Tĩnh, mà quan trọng hơn, đây chính là cơ sở để các các doanh nghiệp (DN) yên tâm, tự tin huy động nguồn lực xây dựng thêm các bến cảng bằng hình thức xã hội hóa.

Theo ông Dương Thế Cường - Giám đốc Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào, sau gần 15 năm đi vào hoạt động, cảng Vũng Áng không ngừng phát triển lớn mạnh, lượng hàng hóa thông qua tăng nhanh. Trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, lượng hàng hóa thông qua cảng tăng đột biến. Đặc biệt, năm 2014 lên đến gần 3 triệu tấn, tăng hơn 2 lần so với công suất thiết kế (1,32 triệu tấn/năm).

“Để có sự “quá tải” đáng mừng trên, cùng với việc thực hiện các biện pháp thu hút DN như: tăng cường cải cách thủ tục hành chính, “một cửa không dấu”, thời gian làm thủ tục cho tàu từ 1 tiếng xuống còn 15 phút, công ty đã tiến hành cải tạo, nâng cấp cầu số 1 từ chỗ cho phép tiếp nhận tàu 15.000 DWT lên 45.000 DWT ra vào làm hàng, thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường, an toàn, hiệu quả nên đã giải quyết được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng ngày càng tăng vượt trội” - ông Cường cho biết thêm.

Vũng Áng - sức hấp dẫn từ hệ thống cảng ảnh 1
Nhà thầu tập trung phương tiện, máy móc thi công bến số 3, cảng Vũng Áng

Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, đặc biệt, với quy mô của KKT đa ngành, đa lĩnh vực, dự kiến, những năm tiếp theo, lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng sẽ tăng trưởng với mức bình quân 30-40%/năm, đến năm 2020 sẽ đạt hơn 6 triệu tấn. Nắm bắt nhu cầu phát triển tất yếu này, các DN trên địa bàn đã mạnh dạn huy động nguồn lực thực hiện việc đầu tư, xây dựng các bến cảng tiếp theo bằng hình thức xã hội hóa.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn - Phạm Hoành Sơn cho hay: Đầu tư, xây dựng cảng biển cần nguồn vốn không nhỏ. Trước đây, việc đầu tư mới chỉ do Nhà nước thực hiện. Theo tính toán của chúng tôi, với sự phát triển nhảy vọt của KKT Vũng Áng, những năm tới, lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng sẽ tăng đột biến; đặc biệt, nhu cầu trung chuyển hàng hóa và dịch vụ logistics ngày càng trở nên bức thiết. Sau khi hoàn thành các thủ tục cấp phép đầu tư, đầu tháng 10 này, chúng tôi đã khởi công xây dựng cảng số 4 (cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn) tại cảng Vũng Áng, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn sẽ có 1 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải 50.000 DWT, tàu chở container 4.000 TEU; công suất khai thác dự kiến 2.300.000 tấn/năm và kho bãi, khu dịch vụ hậu cảng.

Trước đó, vào trung tuần tháng 9, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào cũng đã khởi công xây dựng bến số 3, dài 250m, độ sâu trước bến -13m, cùng nhiều hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác có tổng mức đầu tư 999,9 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, bến số 3 có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 45.000 DWT.

Ngoài ra, theo Giám đốc Cảng vụ Hà Tĩnh - Trương Minh Tuấn, hiện nay, Công ty Freight Link Capital (Singapore) cũng đang chuẩn bị các bước đầu tư bến số 5 và 6 với tổng số vốn 115 triệu USD. Đây là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài; khi hoàn thành, các bến cảng này có thể đón tàu 50.000 DWT vào làm hàng. Công suất thông qua bến số 5 và 6 khoảng 5 triệu tấn/năm.

Vũng Áng - sức hấp dẫn từ hệ thống cảng ảnh 2

Năm 2014, lượng hàng qua Cảng Vũng Áng lên đến gần 3 triệu tấn, tăng hơn 2 lần so với công suất thiết kế (1,32 triệu tấn/năm)

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh, nằm trong chiến lược phát triển của mình, cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục khác, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh (FHS) đang xây dựng hệ thống cảng nước sâu hiện đại và lớn nhất Việt Nam với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Hiện, FORMOSA đang khẩn trương hoàn thành giai đoạn 1, tương ứng với 11 bến tàu, trong đó, có 2 bến cho tàu 20 vạn DWT, 9 bến cho tàu từ 1-5 vạn DWT với khối lượng hàng hóa thông qua dự kiến 28 triệu tấn/năm. Hiện tại, đã có 5 cầu cảng được Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tạm thời khai thác phục vụ dự án cho phép tàu từ 1-5 vạn DWT vào làm hàng... Theo quy hoạch, FHS sẽ đầu tư toàn bộ 32 cầu cảng chuyên dùng, trong đó, 6 bến cho tàu 20-30 vạn DWT; 20 bến cho tàu 3-5 vạn DWT và 6 bến tàu 6.000 - 10.000 DWT. Tổng chiều dài bến 6.600m. Lượng hàng thông qua khoảng 85 triệu tấn/năm.

Như vậy, sức hấp dẫn của cảng Vũng Áng đã được cụ thể hóa bằng sự ra đời của các cầu cảng dưới hình thức xã hội hóa. Sự lớn mạnh của hệ thống cảng ở Vũng Áng không chỉ hóa giải tình trạng quá tải bấy lâu nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng lượng hàng hóa và tạo sự hấp dẫn cho quá trình đầu tư vào KKT Vũng Áng mà còn mở rộng con đường vươn ra biển lớn của Hà Tĩnh và nhiều đối tác khác.

Cảng Vũng Áng được đưa vào khai thác năm 2001 và 2010 với tổng công suất thiết kế 1,32 triệu tấn hàng hóa thông qua/năm. Cảng Vũng Áng có thể đón tàu có trọng lượng 55.000 vào làm hàng trực tiếp. Cảng biển nước sâu Vũng Áng nằm ở vị trí đắc địa, gần đường hàng hải quốc tế, chỉ cách phao số 0 vài hải lý và nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của đất nước, khu vực. Đặc biệt, việc xuất nhập hàng hóa của Lào, Đông Bắc Thái Lan qua cảng Vũng Áng đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Bắc Á sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ nhờ rút ngắn được 2/3 quãng đường so với khi qua các cảng Thái Lan.

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast