Dự án CBRIP Hà Tĩnh: Đồng hành cùng dân nghèo

Suốt gần 10 năm gắn bó với Hà Tĩnh, dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng” (CBRIP) đã thực sự là bạn đồng hành của người dân nghèo trong việc nâng cấp, đổi mới cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn ngày càng hiện đại. Từ đó, chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa không ngừng được nâng lên, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ xã hội, góp phần XĐGN…

Xây dựng kênh mương bê tông từ nguồn vốn đầu tư của CBRIP
Xây dựng kênh mương bê tông từ nguồn vốn đầu tư của CBRIP

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001, Hà Tĩnh là một trong 13 tỉnh miền Trung nằm trong phạm vi hoạt động của dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng” (CBRIP) với tổng số vốn đầu tư 15.121 USD, trong đó vốn vay tín dụng IDA là 1.450 USD và do người hưởng lợi đóng góp là 640.000 USD. Đây là dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giàm nghèo được triển khai ở 88 xã thuộc diện nghèo nhất của tỉnh do Chính phủ phân loại. Điều đặc biệt là, dự án trao quyền làm chủ đầu tư cho cơ sở, nhằm bảo đảm tính dân chủ hoá cao nhất, tạo mối liên kết cộng đồng bền vững. Dự án thuộc nguồn vốn ODA đầu tiên do Việt Nam tổ chức chỉ đạo điều hành không có công ty tư vấn nước ngoài tham gia, đồng thời mọi quyền lực không dội từ trên xuống mà tất cả các công việc vận hành, từ thi công đến giám sát đều do người hưởng lợi lựa chọn và quyết định. Cách làm này không những nêu cao được trách nhiệm về nguồn lực cơ sở mà còn đảm bảo được tính khả thi của các công trình.

Trong suốt gần 10 năm, dự án CBRIP đã thực hiện tại 88 xã nghèo của 8 huyện, thành phố với 530 tiểu dự án thuộc các lĩnh vực: hạ tầng cơ sở nông thôn; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thủy lợi; công trình phúc lợi; công trình phòng, chống lũ và cung cấp điện. Theo đó, tổng số người được thụ hưởng từ dự án CBRIP chiếm 32,04% dân số toàn tỉnh. Thông qua chương trình của dự án, người dân địa phương cũng được tham gia thực hiện dự án bằng cách đóng góp ngày công lao động, sử dụng nguồn nguyên vật liệu tại chỗ vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vừa nhằm mục đích khấu trừ vào tiền đóng góp 5% vốn đối ứng. Đến nay, dự án CBRIP Hà Tĩnh đã giải ngân các nguồn vốn đạt 294.045,58 triệu đồng, trong đó vốn IDA: 232.845,06 triệu đồng (đạt 98,57%); vốn đối ứng: 61.200,52 triệu đồng (đạt 99,66%).

Trong số hàng trăm công trình trong chuỗi thực hiện của dự án CBRIP, có những công trình vượt lên tầm ý nghĩa của nó, trở thành một hình ảnh đẹp đẽ về tính nhân văn, ghi đậm dấu ấn trong lòng của những người dân nghèo. Chẳng hạn như: nhà văn hoá cộng đồng nông thôn, công trình vòi nước tự chảy và xây dựng trường mầm non cho con em xã nghèo. Có thể nói, dự án đã tạo ra bước đà để con người được phát triển hài hòa cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, từ đó nâng cao đời sống ở nông thôn ngày một văn minh và hiện đại hơn. Điển hình nhất là công trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn, xã tại vùng dự án. Dù suất đầu tư chỉ từ 80- trên 100 triệu đồng mỗi nhà văn hóa nhưng giá trị về mặt ý nghĩa dân sinh lại lớn hơn nhiều lần. Bởi, nhà văn hoá chính là biểu tượng của nền văn hoá cộng đồng người Việt. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt của cư dân trong vùng, cũng là nơi lưu giữ tất cả những giá trị tinh thần từ đời này sang đời khác. Qua đó giúp họ có thể trao đổi, học hỏi lẫn nhau, truyền lại cho nhau những kinh nghiệm về sản xuất cũng như kiến thức pháp lý, xã hội. Chính vì thế, có đến 132 tiểu dự án trong số 539 tiểu dự án xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Báu- Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc- Trưởng ban điều phối dự án xã cho biết: “Xã Kỳ Lạc một xã miền núi nghèo, tiềm lực phát triển kinh tế- xã hội đều yếu kém. Từ khi được dự án CBRIP đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ người dân trong việc sản xuất, đời sống nhân dân Kỳ Lạc đã đổi thay rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25% năm 2009 (đầu năm 2004 là 58%); thu nhập của người dân được cải thiện với 4,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 triệu đồng so với thời điểm chưa bắt đầu dự án. Đặc biệt, các công trình như: hội quán, vòi nước tự chảy, đường giao thông và trường mầm non còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nhờ có dự án, người dân nghèo chúng tôi được tiếp cận với văn hoá, được hưởng nguồn nước sạch và trẻ em được đến trường...„

Dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng” (CBRIP) đã kết thúc nhưng hiệu quả mà dự án đã đầu tư xây dựng ở những địa phương nghèo sẽ còn nguyên giá trị. Đó là nền tảng để nông thôn Hà Tĩnh vươn lên XĐGN, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast