Hơn 20 ha lúa xuân nhiễm đạo ôn, Hương Sơn gấp rút phòng trừ

(Baohatinh.vn) - Thời tiết ẩm ướt, nhiều sương mù là nguyên nhân khiến hơn 20 ha lúa xuân ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị nhiễm bệnh đạo ôn, có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Theo thông tin từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn, hiện, toàn huyện đã có hơn 20 ha lúa vụ xuân bị bệnh đạo ôn gây hại.

Bệnh xuất hiện chủ yếu trên các giống lúa Thái Xuyên 111, Khang Dân 18 với tỷ lệ bệnh trung bình 3% - 5%, nơi cao 7% - 10%. Đặc biệt, cục bộ có ruộng tỷ lệ gây hại 30 - 50% tại các xã Sơn Trường, Sơn Phú, Sơn Châu, Kim Hoa, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2...

Hơn 20 ha lúa xuân nhiễm đạo ôn, Hương Sơn gấp rút phòng trừ

Toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn 20 ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn.

Ông Nguyễn Anh Tài - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn cho hay, nguồn bệnh lây lan từ các đồng cỏ tự nhiên sang lúa. Một số diện tích lúa ở xã Sơn Châu, Sơn Phú và Sơn Kim đã cháy lụi.

“Thời tiết có mưa nắng xen kẽ, sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Để hạn chế sự lây lan của dịch hại, chúng tôi đang tích cực chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân triển khai các biện pháp để phòng trừ như: cắt bỏ và cho tiêu huỷ phần diện tích lúa bị nhiễm bệnh; tổ chức phun thuốc phòng trừ theo hướng dẫn...” - ông Tài cho biết thêm.

Hơn 20 ha lúa xuân nhiễm đạo ôn, Hương Sơn gấp rút phòng trừ

Người dân xã Kim Hoa tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại.

Những ngày này, cứ vào thời điểm xế chiều, trên những cánh đồng thuộc các xã Sơn Trường, Sơn Phú, Sơn Châu, Kim Hoa… , đâu đâu cũng thấy người dân ra thăm đồng, phun thuốc trừ bệnh đạo ôn lá cho lúa xuân.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Yên Thịnh, xã Sơn Châu cho biết: "Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 7 sào lúa, nay đang bắt đầu vào kỳ đẻ nhánh. Khoảng 5 ngày gần đây, bệnh đạo ôn bắt đầu xuất hiện các bệnh cấp tính rồi lan ra gần 40% diện tích, chủ yếu trên giống lúa Thái Xuyên 111. Hiện nay, tôi đã mua thuốc phun trừ bệnh, đồng thời cắt bỏ, tiêu hủy bộ lá bị bệnh nặng trước khi phun thuốc để tăng hiệu quả phòng trừ.

Tại xã Sơn Châu, sau khi phát hiện gần 3 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, chính quyền xã cũng đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đốc thúc bà con nông dân khẩn trương ra đồng triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại.

Hơn 20 ha lúa xuân nhiễm đạo ôn, Hương Sơn gấp rút phòng trừ

Bệnh đạo ôn là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát triển nhanh trên diện rộng.

Bà Phan Thị Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Châu cho rằng: Bệnh đạo ôn là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát triển và lây lan nhanh trên diện rộng. Vì vậy để phòng trừ hiệu quả, xã cắt cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống đồng hướng dẫn người dân tiến hành phun các loại thuốc đặc trị Beam 75 WP với liều lượng từ 2 - 3 gói/sào kết hợp với bón vôi Bosicass. Theo quy trình, chúng tôi sẽ phun nhắc lại sau 7 - 10 ngày để đạt hiệu quả cao nhất. Những diện tích lúa chưa bị nhiễm bệnh tiến hành phun Filia SE với liều lượng 1,5 lọ/sào.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết từ nay đến cuối tháng 3 duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, nhiệt độ trung bình 18 - 250C, bên cạnh đó giai đoạn này cây lúa phát triển mạnh về thân lá tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, nguy cơ lây lan trên diện rộng. Điều này đang đặt ra cho huyện Hương Sơn những khó khăn nhất định trong công tác phòng trừ, hạn chế phát sinh dịch bệnh.

Hơn 20 ha lúa xuân nhiễm đạo ôn, Hương Sơn gấp rút phòng trừ

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện kiểm tra sâu bệnh trên lúa xuân ở xã Sơn Long.

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương chủ động tổ chức kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt là các diện tích thường bị nhiễm bệnh đạo ôn hằng năm, trên các giống nhiễm, những ruộng bón thừa đạm, gieo cấy dày để phát hiện kịp thời các diện tích bị nhiễm bệnh.

Cùng với đó, đối với những diện tích đã nhiễm, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tiến hành khoanh vùng, cắm vè; phun phòng trừ theo đúng hướng dẫn; thường xuyên theo dõi tiến độ và kết quả phun phòng của người dân và kiên quyết xử lý các diện tích bị nhiễm bệnh khi đang ở diện hẹp, tuyệt đối không để phát sinh thành dịch.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast