Mướp đắng, dưa chuột được giá gấp nhiều so với trồng lúa

(Baohatinh.vn) - Đợt nắng vừa qua đã trở thành điều kiện lý tưởng để dưa chuột và mướp đắng ở Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) phát triển. Nỗ lực của bà con trong những ngày chăm bón đã được đền đáp bởi sản phẩm được mùa, được giá.

 
muop dang dua chuot duoc gia gap nhieu so voi trong lua

Nhờ thời tiết thuận lợi, dưa chuột và mướp đắng của người dân Cẩm Trung được mùa, được giá.

Hiệu quả của mô hình

Cách đây gần 10 năm, dưa chuột, mướp đắng “bén duyên” trên vùng đất Cẩm Trung, mở ra hướng đi mới giúp bà con nông dân trên vùng đất bạc màu đổi mới tư duy, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Với tổng diện tích hơn 30 ha, tính đến thời điểm hiện tại, Cẩm Trung trở thành địa bàn có diện tích trồng dưa chuột và mướp đắng lớn nhất huyện. Điều đáng chú ý là hầu hết diện tích dưa được người dân trồng ngay trong vườn. Đây cũng được xem là mô hình phát triển kinh tế vườn phù hợp với xây dựng vườn mẫu nông thôn mới.

Vụ thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, phần lớn diện tích trồng dưa chuột, mướp đắng hoàn toàn mất trắng do hậu quả của đợt rét đậm, rét hại và sương muối. Nỗ lực khôi phục sản xuất, những ngày này, người dân Cẩm Trung đang tràn ngập niềm vui trước mùa thu hoạch mới với giá cả có phần nhích hơn so với trước.

Anh Lê Văn Chính (thôn 8) chia sẻ: “Dẫu thời tiết thời điểm đầu vụ không thuận lợi nhưng bù lại, đợt nắng ấm kéo dài vừa qua là điều kiện thuận lợi để dưa chuột phát triển tốt, vì thế, không mấy ảnh hưởng đến năng suất. Điều đáng mừng là đầu mùa thu hoạch, dưa chuột bán được giá với mức 7.000 đồng/kg nên chúng tôi hết sức phấn khởi. Với diện tích 2 sào, trừ chi phí, mỗi mùa đem về cho gia đình tôi nguồn thu nhập khoảng 20 triệu đồng”.

Niềm vui của anh Chính cũng là niềm vui chung của những người trồng rau màu ở Cẩm Trung. Ông Võ Thiền (thôn 5) cho biết: “Để tăng thu nhập từ kinh tế vườn, thời gian qua, gia đình tôi đã mở rộng diện tích mướp đắng và dưa chuột lên 4 sào. Mùa thu hoạch dịp Tết Nguyên đán vừa qua thất thu rất nhiều nhưng chúng tôi đã nỗ lực khôi phục diện tích bị hư hỏng, ủ lại giống để trồng bổ sung. Vụ thu hoạch lần này đã tìm lại được niềm vui”.

Theo tính toán của bà con nông dân, dưa chuột và mướp đắng là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và đưa lại thu nhập cao. Bình quân mỗi sào sau 3 tháng sản xuất sẽ thu lãi từ 10 triệu đồng trở lên, cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Đây cũng là động lực để người dân Cẩm Trung tập trung cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có gần 60% hộ dân sản xuất loại cây này.

Chiến lược “đưa vườn ra đồng”

Trong đề án nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới,

dưa chuột và mướp đắng đã trở thành một trong những loại cây chủ lực được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là việc mở rộng quy mô sản xuất, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Nhơn: “Để mở rộng diện tích trồng dưa chuột và mướp đắng, thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng phương án đưa vườn ra đồng. Hiện xã đã quy hoạch các vùng sản xuất phân bố đồng đều ở 11 thôn. Diện tích trồng loại cây này chủ yếu là chuyển đổi từ diện tích cao cạn, trồng lúa kém hiệu quả”.

Để cải tạo bộ giống, UBND xã đã hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Hà Tĩnh trong việc cung ứng các loại giống cao sản, đồng thời, trích ngân sách 35 triệu đồng mua giống phát cho dân dưới hình thức mỗi thôn chọn 10 hộ làm thí điểm, trong đó, có 5 thôn trồng mướp đắng, 6 thôn trồng dưa chuột để nhân ra diện rộng. Ngoài ra, xã đang xúc tiến hỗ trợ thành lập HTX thu mua nông sản bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm mở rộng quy mô sản xuất.

Nỗi lo về việc thiếu nguồn nước tưới đang dần được tháo gỡ với sự quan tâm của chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Nhơn nhấn mạnh: “Để đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân đi vào thực tế, đặc biệt là việc mở rộng diện tích dưa chuột, mướp đắng, ngoài những biện pháp đã nói trên, thời gian qua, chúng tôi còn trích ngân sách gần 300 triệu đồng thuê máy cải tạo hồ Rào Con ở thôn 4 với diện tích gần 12.000 m2 để chủ động nguồn nước tưới cho bà con. Việc quy hoạch, cải tạo lại hệ thống kênh mương cũng đang được địa phương và nhân dân chung sức thực hiện”. 

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast