“3 bám, 4 cùng”… vì sự phát triển của vùng biên giới

(Baohatinh.vn) - “3 bám, 4 cùng” từ lâu đã trở thành phương châm “sống còn”, là tình cảm, trách nhiệm của BĐBP Hà Tĩnh đối với bà con các dân tộc trên hai tuyến biên giới trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Từ phương châm đó, BĐBP tỉnh đã góp phần tham gia xây dựng các mô hình, dự án giúp nhân dân vùng biên giới, hải đảo phát triển KT-XH...

Để “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) có thực chất, tránh hình thức, nhiều năm qua, các đồn, trạm biên phòng trên địa bàn hai tuyến biên giới đều lựa chọn những dự án, mô hình, giống cây, con phù hợp với điều kiện địa phương nơi đóng quân giúp dân phát triển KT-XH. Cùng với đó, các đơn vị tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở chính trị gắn với mô hình thí điểm phát triển kinh tế ở địa phương. Hoạt động của các tổ, đội biên phòng tăng cường xuống địa bàn, thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” trong những năm qua đã đưa lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo khu vực biên giới.

“3 bám, 4 cùng”… vì sự phát triển của vùng biên giới ảnh 1

BĐBP Hà Tĩnh giúp người dân Hương Vĩnh xây dựng hội quán

Chỉ qua liệt kê nhanh của Đại tá Dương Thanh Tuân - Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cũng thấy được hiệu quả của “3 bám, 4 cùng” trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người lính biên phòng nơi biên giới, biển đảo. Theo đó, chỉ tính từ năm 2011-2015, BĐBP tỉnh đã triển khai thành công mô hình vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trồng lúa nước. 28 ha lúa nước được hình thành nhờ các công trình, dự án thủy lợi tại một số thôn, bản với tổng trị giá gần 15 tỷ đồng, bình quân mỗi vụ đạt 3,5-4 tấn/ha, theo hướng cầm tay, chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật cho bà con; vận động xóa bỏ 180 ha vườn tạp sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp cho thu nhập cao; tu sửa, nâng cấp 250 km đường giao thông nông thôn; làm mới 800m kênh mương nội đồng... chỉ là những việc làm cụ thể trong chuỗi hoạt động tham gia phát triển kinh tế của BĐBP tỉnh giúp đồng bào thay đổi hình thức canh tác, yên tâm định canh, định cư. Đặc biệt là khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại để tự vươn lên thoát nghèo; đảm bảo lương thực tại chỗ, bảo vệ tài nguyên môi trường, ổn định cuộc sống lâu dài cho đồng bào.

Biên giới, vùng biển Hà Tĩnh những năm gần đây càng thêm khởi sắc khi cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, vùng biển” được BĐBP tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các cấp, ngành triển khai thực hiện. Theo đó, đơn vị đã chủ động kêu gọi doanh nghiệp, các cơ quan, nhà hảo tâm đóng góp vật chất, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 258 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng; vận động xây dựng 15 nhà tình nghĩa trị giá 675 triệu đồng; làm 4 công trình giao thông dài trên 35 km, tổng kinh phí 377 tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa 4 trạm quân dân y kết hợp trị giá hơn 3,7 tỷ đồng; 3 nhà văn hóa trị giá 900 triệu đồng; 3 công trình nước sinh hoạt tại 3 đồn biên phòng và các cụm dân cư trên địa bàn biên giới trị giá trên 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đồn, trạm của BĐBP Hà Tĩnh còn tham gia giúp đỡ các xã của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) một số công trình như xây dựng và hoàn thành đề án quy hoạch, sắp xếp khu dân cư bản Tân Ly, xã biên giới Lâm Thủy, trị giá 145,8 triệu đồng; cụm bản làng Ho, xã Kim Thủy với các hạng mục nhà ở, công trình vệ sinh, hệ thống đường nội bản, nhà văn hóa, trạm quân dân y… trị giá trên 3 tỷ đồng, đã trở thành điểm sáng văn hóa, bản kiểu mẫu trên biên giới. “Các đồn, trạm biên phòng còn là điểm sáng văn hóa nơi biên giới, bờ biển; là trung tâm sinh hoạt tinh thần, điểm tựa cho đồng bào các dân tộc...”, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo - Nguyễn Ngọc Nguyên khẳng định.

Không chỉ hiệu quả trong tham gia phát triển kinh tế, theo Đại tá Võ Trọng Hải - Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh, 5 năm qua, để phát triển văn hóa, xã hội khu vực biên giới, các đơn vị biên phòng đã trực tiếp mở 22 lớp dạy chữ cho 519 học viên; vận động 533 trẻ em đến trường đúng độ tuổi, vận động 413 học sinh bỏ học trở lại trường; hỗ trợ bàn ghế cho nhà trường, sách vở, xe đạp cho học sinh nghèo trị giá trên 80 triệu đồng; giúp đỡ 26 em trong chương trình “Nâng bước các em đến trường” mỗi tháng 200.000 đồng/em.

Nhìn những học sinh và người già đồng bào các dân tộc thiểu số bi bô đánh vần tại các bản do thầy giáo mang quân hàm xanh đứng lớp; từng sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới được các đơn vị BĐBP sưu tầm và các trạm quân dân y kết hợp khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân làm chúng ta không khỏi tự hào.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast