Bộ, ngành, địa phương phải xác định chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 188/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 84/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, việc xác định mục tiêu tiết kiệm được thực hiện hàng năm, 5 năm. Mục tiêu tiết kiệm phải được xác định theo thứ tự ưu tiên và gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của cơ quan, tổ chức.

Bộ, ngành, địa phương phải xác định chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể ảnh 1
Ảnh minh họa từ internet

Cụ thể, đối với lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước, vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên, lao động trong khu vực nhà nước tại các Bộ, cơ quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, việc xác định mục tiêu phải căn cứ mục tiêu của Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm; Chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực theo yêu cầu quản lý.

Chỉ tiêu tiết kiệm phải được thể hiện bằng số tuyệt đối hoặc tỷ lệ phần trăm

Đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, xác định mục tiêu tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Việc xác định chỉ tiêu tiết kiệm phải được tính toán khoa học, gắn với mục tiêu đề ra và phù hợp với khả năng thực tế của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị; các chỉ tiêu tiết kiệm phải cụ thể, rõ ràng; được thể hiện bằng số tuyệt đối hoặc tỷ lệ phần trăm.

Chỉ tiêu tiết kiệm phải bám sát chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực theo Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm, 5 năm của Chính phủ và theo các hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu tiết kiệm trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, khảo sát trong và ngoài nước; sử dụng điện, nước; sử dụng văn phòng phẩm…

Trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước: cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu cắt giảm, đình hoãn các dự án hoặc hạng mục không thực sự cần thiết đầu tư, không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; chỉ tiêu tiết kiệm trong việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng…

Trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu tiết kiệm chi phí quản lý, tiết kiệm các yếu tố quản lý chi phí khác (nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng), hạ giá thành sản phẩm.

Trong việc tiết kiệm thời gian, cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu giảm số giờ thực hiện thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và người dân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/1/2015.

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast