Sôi động khai trường mỏ sắt Thạch Khê

Vào những ngày tháng ba này, trên khai trường mỏ sắt Thạch Khê, hàng loạt máy đào, máy múc hoạt động hết công năng cùng với đoàn xe tải “hàm hố” hàng trăm chiếc hối hả cõng đất từ lòng moong mỏ lên bãi thải... Ngày 22/3, tại toạ độ X2045715,34 – X543920,316, cao độ E -8,8m đơn vị thi công gói thầu bóc đất tầng phủ đã “sờ” đến mỏ ở độ sâu -8 mét và bước đầu đưa lên mặt đất hơn 2 tấn quặng với hàm lượng Fe đạt trên 66%.”

Vào một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi có chuyến thực tê trên khai trường mỏ sắt Thạch Khê. Trước lúc “đột nhập” vùng mỏ, Tổng giám đốc Cty CP sắt Thạch Khê, kỹ sư Hồ Đức Bình dặn: “Các nhà báo nhớ đừng quá mải mê tác nghiệp mà quên đi an toàn giao thông nơi vùng mỏ nhé. Các đoàn xe luôn hối hả vào ra chẳng khác gì trên xa lộ đấy…”.

Quả thật, trên khai trường, từng đoàn xe tải hạng nặng hối hả vào ra như kiến cỏ. Trước mặt chúng tôi là lòng moong mỏ rộng khoảng 1km2 với độ sâu -16m. Khác với tài liệu mà trước đây chúng tôi đã được tiếp cận, bởi trong tài liệu các nhà khoa học cho rằng, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê khi đào sâu xuống lòng đất thì mạch nước ngầm sẽ tràn vào khủng khiếp, nếu không có cả dàn máy bơm khổng lồ thì sẽ không thể tiếp tục khai thác được. Kết luận của các nhà khoa học là có cơ sở, bởi trung tâm vùng mỏ chỉ cách mặt nước biển có vài ba trăm mét, cộng với đào sâu xuống hàng chục mét nữa thì các mạch nước ngầm sẽ tràn vào là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, thực tế trên công trường chúng tôi chứng kiến thì không phải như vậy. Cả mênh mông lòng mỏ chỉ có 3 máy bơm làm việc và mỏ luôn khô ráo nên các phương tiện khai thác có thể hoạt động được tất cả các vị trí. Quản đốc công trường của công ty cổ phần Than cọc 6 (đơn vị đảm nhiệm khai thác) Hoàng Quang Cường, khoe: “Bước đầu bắt tay vào thực hiện công trình này, chúng tôi tưởng chừng như không thể làm ăn nổi, bởi theo tài liệu thiết kế kỹ thuật của Liên Xô cũ, muốn khai thác, tiếp cận mỏ phải xây dựng các tuyến đường vận chuyển bằng các loại nguyên vật liệu như cát, sỏi, đất, đá dày từ 80-100m, nhưng chúng tôi đã không theo phương án đó mà làm theo cách khác với phương châm vừa thi công vừa nghiên cứu. Thế là cả đoàn xe vận tải hạng nặng mang nhãn hiệu VOLVO, sản xuất tại Thuỵ Điển, mỗi chiếc trị giá 7,8 tỷ đồng, ngay những ngày đầu được đưa vào thử nghiệm trên tuyến đường cát ra mỏ. Xe nặng, đất cát mềm nên bị lún, hí hoáy mất nhiều ngày, cuối cùng các kỹ sư tài ba đã nghiên cứu cấp tốc ra một phương pháp hữu hiệu đó là, bốc toàn bộ lớp cát phủ trên mặt đường sâu xuống so với mặt đất khoảng 40cm, xuống tầng cát có độ ẩm và kết hợp với việc tưới nước mặt đường nên xe càng chạy đường càng chắc. Mỗi chuyến xe chạy (xe nhỏ, cỡ trên 30 tấn; xe lớn, khoảng 50 tấn, tính cả thân xe, cả cát) cứ như là một lần lu lăn cho đường thêm chắc.

Ông Nguyễn Thống: "Chúng tôi sẵn sàng di dời, nhường đất cho việc khai thác mỏ"
Ông Nguyễn Thống: "Chúng tôi sẵn sàng di dời, nhường đất cho việc khai thác mỏ"

Với thử nghiệm thực tế này, so sánh với đề án làm đường khai thác của nước ngoài trước đây thì đơn vị thi công đã làm lợi cho phía chủ đầu tư hàng chục tỷ đồng; tiến độ thi công cũng được đẩy nhanh gấp nhiều lần so với việc phải làm đường theo đề án nước ngoài. Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ theo dõi thi công của Cty CP sắt Thạch Khê (TIC) cho biết: “Đến nay, công trường đã có 5 đơn vị đảm nhận thi công bốc đất tầng phủ vùng mỏ, do Cty CP Than cọc 6 làm chủ thầu khai thác. Qua một thời gian thử nghiệm, đến nay, các đơn vị tham gia thi công cơ bản đã định hình được phương pháp thi công để đầu tư các phương tiện tối tân nhất vào áp dụng thi công khai thác mỏ. Bình quân, mỗi ngày có từ 1.700-2.000 chuyến xe bốc đất từ lòng mỏ tới bãi thải (loại nhỏ mỗi chuyến chở khoảng 20 tấn; loại lớn 39 tấn). Mỗi ngày như thế, khối lượng đất bốc dỡ từ lòng moong mỏ lên được hàng vạn m3. Quản đốc Cường cho biết, kể từ ngày bắt tay vào thi công đến nay, các đơn vị khai thác đã bốc được gần 5,5 triệu m3 đất tầng phủ. Một anh lái máy ngoặm dưới lòng moong nói vọng lên: “Sắp sửa chạm mỏ rồi các đồng chí ơi…”. Mọi người ùa nhau đến xem. Và ở độ sâu -8mét tại tại toạ độ X2045715,34 – X543920,316, cao độ E -8,8m, đơn v ị khai thác đã tiếp cận được mỏ sắt và đã đưa lên mặt đất trên 2 tấn quặng vào ngày 22/3 vừa qua.

Giữa công trường náo nhiệt, Tổng giám đốc Hồ Đức Bình vui mừng dở tấm bản đồ vùng mỏ chỉ cho chúng tôi nơi rốn mỏ. Ông khẳng định, việc tiếp cận rốn quặng có thể sẽ sớm hơn nhiều so với thời gian dự tính. Cũng theo ông Bình, hiện nay trên công trường, Cty CP Than cọc 6 (đơn vị đảm nhiệm thi công) đã huy động thêm một số đơn vị có năng lực, tập trung đầy đủ các loại xe máy hiện đại, làm việc 24/24 giờ để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu khoảng cuối năm 2010- đầu 2011 sẽ lấy được khoảng trên 1 triệu tấn sắt lên mặt đất. Theo đề án, khi đi vào khai táhc công nghiệp, phía đầu tư sẽ chọn phương án tối ưu nhất vận chuyển quặng từ vùng mỏ đến cảng Vũng Áng bằng đường chuyền băng tải. Đây là công nghệ hiện đại, không những bảo đảm được môi trường mà còn giảm được sự cố, hao hụt trong khi khai thác, vận chuyển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo tỉnh trong một chuyến kiểm tra tại mỏ sắt Thạch Khê
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo tỉnh trong một chuyến kiểm tra

tại mỏ sắt Thạch Khê

Rời vùng mỏ, chúng tôi phải đi bộ hơn 1km nữa mới tới nơi tập kết bãi thải. Theo tài liệu thiết kế ban đầu, quá trình khai thác mỏ, ít nhất khối lượng đất thải tương đương 3 ngọn núi lớn, thế nhưng, đến nay phần bóc đất tầng phủ đạt gần 50% mà khối lượng đất ở bãi thải chỉ mới cao chưa đến chục mét với một diện tích vừa phải; môi trường được đảm bảo. Ông Nguyễn Thống, thương binh, 72 tuổi, ở thôn 4, Nam Hải, xã Thạch Hải (Thạch Hà) nhà chỉ cách bãi thải chừng vài trăm mét, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Thống vui vẻ nói: “Người dân thôn 4, Nam Hải chúng tôi bao đời sinh sống trên mảnh đất này nên đã gắn bó như máu thịt, nhưng khi có chủ trương di dời để nhà nước khai thác mỏ, nhân dân chúng tôi tất cả đều đồng tình và ủng hộ, sẵn sàng di dời đến vị trí tái định cư, nhường đất nhường vườn để nhà nước khai thác mỏ”. Ông Thống chỉ băn khoăn một điều, cho đến nay đã khai thác được một thời gian rồi mà việc đền bù cho dân vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả. Trước đây có đoàn cán bộ cấp trên cùng xã đã về đo đất, đếm cây trong vườn ngoài nương nhưng phần đổ đất đã cận kề mà chưa được nhận tiền đền bù nên nhân dân còn băn khoăn. Theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch HĐQT Cty CP Sắt Thạch Khê, năm 2010, HĐQT quyết định chi gần 800 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất và xây dựng nhà máy tuyển quặng và nhà máy sản xuất phôi thép tại cảng Vũng Áng; chi 1.000 tỷ đồng cho công tác đền bù, GPMB, di dời TĐC...

Những vỉa quặng đầu tiên được tìm thấy ở độ sâu - 8m

Để công tác đền bù, GPMB, TĐC được triển khai đúng tiến độ, ngày 5/3/2010, Ban thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã ra Quyết định số 1499-QĐ/TU thành lập ban chỉ đạo công tác GPMB dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, do đồng chí Võ Kim Cự, UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh “tổng tư lệnh”. Theo đó, phấn đấu trong năm 2010 phải hoàn thành bàn giao 875 ha mặt bằng sạch cho Cty CP sắt Thạch Khê; đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành GPMB các khu TĐC, nghĩa trang, bàn giao cho các đơn vị khẩn trương thi công hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, kịp thời giao đất cho nhân dân trong vùng phải di dời của dự án. Nói chuyện với chúng tôi trên khai trường, “tổng tư lệnh” Võ Kim Cự phấn khởi thông báo: “Cho đến nay, tuy mới chỉ là bước khởi đầu dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thế nhưng không hiểu “bắt được hơi” hay sao mà mấy ngày này có mấy đơn vị liên tục liên lạc đăng ký xin mua quặng, trong đó có những nhà đầu tư đăng ký mỗi năm mua từ 500-1 triệu tấn, ngoài một số nhà máy luyện thép đã nằm chờ sẵn tại KCN Vũng Áng”. Đây đúng là tín hiệu, niềm vui lớn của đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói chung, của những người luôn bám trụ, làm việc liên tục trên công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê và chủ đầu tư nói riêng.

Qua một buổi lặn lội trên công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê, chúng tôi được nghe, được biết, được tận mắt chứng kiến sự háo hức của mỗi người công nhân lao động ở đây, tuy công việc mệt nhọc nhưng họ như vỡ oà trong sung sướng bởi chính họ là những người đầu tiên vinh dự được tiếp cận, nâng niu từng “khối vàng thép” - tài nguyên vô giá đã triệu triệu năm ngủ yên dưới lòng đất lên để làm giàu cho quê hương, Tổ quốc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast