"Đoản khúc" và cái tôi đa nhân cách

Trong bài Lực lượng tác giả tham gia phê bình văn học trên báo Văn nghệ, báo Văn nghệ số ra ngày 23/3 năm nay, tác giả Nguyễn Thùy Giang đã cung cấp một số liệu thống kê đáng tin cậy rằng trong vòng 5 năm từ 2006 đến 2010 có tới 170 nhà văn nhà thơ (chiếm đến 60% lực lượng) viết bài cho chuyên mục phê bình của báo… Một con số ấn tượng phản ánh rằng phê bình văn học là “sân chơi chung” của cả văn giới chứ không riêng gì những người làm nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp.

Nhưng ở chiều ngược lại, ý tôi muốn nói đến những nhà nghiên cứu, phê bình văn học dấn thân sang địa hạt sáng tác, thực tế ít hơn rất nhiều. Ở bậc “cây cao bóng cả” trong giới có GS Hà Minh Đức, GS Mã Giang Lân. Thế hệ tiếp theo có PGS.TS Văn Giá, PGS.TS Trương Đăng Dung, PGS.TS Hồ Thế Hà, TS Lê Thành Nghị. Sau nữa là thế hệ 6X, 7X của nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan, TS Phùng Gia Thế, Nguyễn Lãm Thắng… Sau cùng đến thế hệ phê bình văn học 8X có Mai Anh Tuấn, Nhã Thuyên và… Phan Tuấn Anh, giảng viên trẻ đang công tác tại Đại học khoa học Huế. Đây là hiện tượng khá thú vị trong đời sống văn học nước nhà, cho thấy trong sâu thẳm tâm hồn những người làm công tác nghiên cứu, phê bình văn học cũng “mơ mộng như ai đó” chứ đâu chỉ có những lý thuyết, những thao tác văn bản chính xác như lưỡi dao của nhà phẫu thuật theo cách ví von của giới nhà văn. Không biết mọi người nghĩ thế nào nhưng tôi cho rằng sáng tác cũng là cách thức tốt giúp người làm công tác nghiên cứu, phê bình văn học hiểu tác phẩm của người khác hơn theo cách nói của Hoài Thanh là “lấy hồn tôi hiểu hồn người”.

Trở lại với trường hợp của Tuấn Anh. Tôi đọc thơ Tuấn Anh từ tập đầu tay Người ngủ muộn (NXB Thuận Hóa, 2008). Nhìn chung, ở tập thơ này, thơ Tuấn Anh vẫn mang đậm dấu ấn “hoa học trò”. Nhiều bài thơ trong Người ngủ muộn chịu ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên… với những trăng, những máu, những cơn vật vã cuồng điên: Khúc phù sinh vì nhau ta cạn chén/ Bỗng giật mình ngập máu giữa cơn mơ (Khúc hát phù sinh II) hay có chút lãng đãng mộng mơ của tuổi “trốn học, đuổi bướm cầu ao”: Đôi khi mình muốn làm chú ếch con/ Nằm ngủ ngon trên lá sen ướt đẫm/ Ở trên cao mơn man là nắng ấm/ Cất tiếng cười khi trời chợt đổ mưa. Nhưng đến tập thơ mới nhất Đoảnkhúc (NXB Văn học, 2013), chúng ta bắt gặp một Tuấn Anh khác hẳn. Trưởng thành hơn. Chững chạc hơn. Tứ thơ bứt hẳn thời áo trắng để chuyển sang những xúc cảm đa mang của người trí thức thời hậu hiện đại.

Đọc Đoản khúc không hiểu sao tôi lại nhớ đến Huy Cận (một nỗi nhớ cảm tính chẳng biết xuất phát từ đâu). Thơ Huy Cận tràn ngập nỗi sầu vạn cổ. Sầu trong tình yêu, trong thiên nhiên, trong cuộc đời thế tục. Lý giải về nỗi sầu đeo đẳng cuộc đời mình, Huy Cận cho rằng nó khởi nguyên từ yếu tố di truyền: Người ta bảo mẹ chàng hay khóc/ Chia gia tài cho con quý lệ đau/ Chàng là con một người mẹ hay buồn/ Nên trọn kiếp mắt chàng thường đậm lệ/ Người thi sĩ đã nguyện cầu thượng đế/ Một đôi lần nhưng vốn nghiệp đi hoang/ Nên chết rồi chắc người vẫn lang thang/ Ở đâu đó trong bầu trăng gió. Thơ Tuấn Anh không có cái mạch sầu ấy, nhưng buồn. Cái buồn của chàng trai còn rất trẻ nhưng đã xin “nhận về mình mọi nỗi buồn thế tục”, đã cảm thấy “chỉ còn cái chết là tác phẩm cuối cùng cần nâng niu như vật báu”. Nỗi buồn không rõ nguyên nhân và không thể lý giải được. Một nỗi buồn rã rượi tâm can và từ từ tan chảy chứ không cô đặc thành hình, thành khối. Điểm tựa của nỗi buồn ấy là em – một nhân vật trữ tình xuất hiện với mật độ dày đặc trong Đoản khúc. Về nhân vật trữ tình này, ngoài việc được tạo nên từ những “nguyên mẫu” ngoài đời thực tôi đồ rằng đây còn là sự tự phân thân của Tuấn Anh nhằm tạo ra một tri âm để bộc bạch nỗi lòng một cách tự nhiên, chân tình nhất. Và đúng như nhận định của nhà phê bình Trần Thiện Khanh, Đoản khúc là tập hợp những lời tâm sự của anh với nhân vật trữ tình em xoay quanh ba chủ đề: thế giới hiện tồn, tình yêu và bản nguyên. Đây đều là những “lĩnh vực” rộng lớn vô cùng, thẳm sâu huyền nhiệm mà con người dẫu đi trọn cả cuộc đời cũng khó nắm bắt được. Tâm sự với em về những điều ấy, mới hay “nỗi buồn” của Tuấn Anh cũng “mênh mang” lắm chứ đâu chỉ đơn giản là hành trình cố công đi tìm “ý nghĩa bản thể nỗi đau của cuộc đời mình” như lời tâm sự ở đầu tập thơ. Để tìm hiểu ba thế giới ấy, cảm xúc là chưa đủ, cần phải có sự tham gia của trí tuệ. Trong Đoản khúc, Tuấn Anh triết luận nhiều. Tính triết luận được thể hiện ngay từ khía cạnh hình thức. Cấu trúc câu thơ trong Đoản khúc chặt chẽ, mang dáng dấp của một mệnh đề khoa học. Có nguyên nhân, có kết quả, có đề xuất, có diễn giải. Nếu nhìn dưới góc độ rút gọn và chấp nhận sự giản lược của mô hình, chúng ta sẽ thấy đa số câu thơ trong Đoản khúc về cơ bản có các dạng cấu trúc:

- Bởi/Vì + danh từ + động từ/tính từ + nên …

- Về thực chất+ danh từ + động từ/tính từ + nên …

Có thể những triết luận theo cấu trúc ấy được nhiều người đón nhận. Nhà phê bình văn học Trần Thiện Khanh đã cho rằng “Đoản khúc có những suy nghĩ sâu sắc về trạng thái tồn tại của con người hậu hiện đại, và về một hiện thực đang có nhiều xáo trộn mà chúng ta đã trở thành những kẻ dự phần”. Nhưng cá nhân tôi lại thích những câu thơ mà tính triết luận được ẩn sâu trong lớp hình ảnh biểu tượng kiểu Ta đâu đề phòng từ phía người yêu/Cây đổ về nơi không có vết rìu hơn. Hy vọng sẽ được gặp những câu thơ như thế trong các sáng tác của Tuấn Anh sau này. Điểm đáng chú ý trong Đoản khúc thuộc về khía cạnh cái tôi. Đó là một cái tôi đa nhân cách trong không – thời gian đa chiều, đa điểm... Sở dĩ đa nhân cách, vì cái tôi luôn trăn trở về độ rộng-hẹp của tâm hồn: Một bản ngã thứ hai mà linh hồn ta không đủ rộng/ Đủ vị tha để ướp xác một cái tôi khác của mình/ Nên suốt đời ta sống bằng bản ngã nháp lung linh/ Ngạo nghễ quên rằng mình đã chết (Đoản khúc số 41), liên tục vật vã trở mình trong việc truy nguyên bản thể. Cuộc truy nguyên bản thể được bắt đầu bằng những câu hỏi Bản nguyên của chúng ta là ai (Đoản khúc số 97), bằng những lời khẳng định chắc nịch Mọi thứ đều không hiện hình bản nguyên như bề mặt (Đoản khúc số 89), Cuộc sống trường sinh trong vô thức thiền định là bản nguyên của cái chết (Đoản khúc số 78), bằng những phép liên tưởng từ bản thể chất rắn như thép, của chất lỏng như nước để loại suy, bằng lặn xuống tận đáy vực sâu của tâm hồn… Song càng đi tìm, cái tôi cũng chỉ bắt gặp “Ảo ảnh”, “Hình bóng” và mãi mãi chịu giam trong những mặt nạ (Đoản khúc số 0). Khi mặt nạ này rơi ra, một mặt nạ khác lại xuất hiện, cái tôi không bao giờ tìm thấy bản nguyên đích thực đành chấp nhận sự tồn tại của nhiều bản thể trong cùng thể xác. Sự tồn tại ấy khiến cái tôi nhiều lúc hoang mang khi anh không còn là chính anh (Đoản khúc số 44) và ghê sợ chính bản thân mình: Thân thể anh đã xa lạ và xấu xa mà anh hằng kinh tởm/ Anh không biết vì sao anh lại mang khuôn mặt đó (Đoản khúc số 29).

Thế giới hiện tại và tình yêu là nơi cái tôi đa nhân cách ấy bộc lộ sâu sắc nỗi buồn bã đầy “mâu thuẫn” của mình. Qua cái nhìn của Tuấn Anh, thế giới hiện tại là nơi huyền thoại đang hủy hoại huyền thoại, tình yêu đang tàn phá tình yêu (Đoản khúc 34), nơi sự trống rỗng, thiếu niềm tin, đau khổ, bội bạc, buồn rầu, chết chóc đang hiện hữu ở khắp nơi. Chính ở đây, cái tôi có lúc đầy thương cảm, nhân văn: tôi sẽ đứng về phía bên kia cùng những người đã mất nhằm cầu an cho những người đã sống (Đoản khúc số 91), có khi là cái tôi cay nghiệt: Có một loài sen/Không thể hồng tươi hạnh phúc vẹn toàn nên bày đặt trinh trắng (Đoản khúc số 85) và mức kiêu ngạo, vị kỉ đến tàn nhẫn như coi mình là “cái rốn của vũ trụ”: Thế giới bắt đầu từ lúc anh sinh ra, kết thúc lúc anh vĩnh biệt mọi người (Đoản khúc số 34). Ở địa hạt tình yêu, cái tôi cũng liên tục biến đổi. Một cái tôi yếm thế khi tự nhận mình là con trẻ (Đoản khúc số 60), khi lại bao dung yếu đuối đến tội nghiệp: Thôi cho anh hóa thân làm chằn tinh và quỷ dữ/ Lấy đầu mình làm chiến công giúp Thạch Sanh cứu công chúa về triều… Thôi cho anh làm đàn chim nhạn/ Lỡ ngày mai quả thị thôi thơm/ Khế hết trả vàng/ Nồi cơm cạn đáy/ Em nhan sắc phai tàn/Anh sẽ gọi chút nắng vàng/ Che chở cho nàng giữa tiết đông sang (Đoản khúc số 39) và lúc lại cái tôi lý trí, sòng phẳng: Em đã chọn cách từ bỏ anh/Anh đã chọn cách từ bỏ thế giới/Nên em đã đúng đắn, mà anh cũng chẳng sai lầm/Bởi đôi khi tình yêu cất lời mà cũng có khi tình yêu sẽ lặng câm.

Trên là vài cảm nhận của tôi về Đoản khúc. Một tập thơ ghi lại “những mảnh vỡ tiềm thức” (chữ của giáo sư Mã Giang Lân) trên hành trình dài nhưng hứa hẹn tương lai xán lạn của nhà nghiên cứu – nhà thơ trẻ Tuấn Anh.

Theo vannghequandoi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast