Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mùa thu về, mỗi ngôi làng, góc phố Hà Tĩnh đều sáng bừng lên với màu cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Trên những vùng quê cách mạng, sức sống mới hiện rõ trong niềm hân hoan đón mừng tết Độc lập của Người dân.

Từ huyện đường Can Lộc - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân vùng Thượng và hạ Can Lộc vào ngày 16/8/1945, chúng tôi xuôi về xã Hồng Lộc (Lộc Hà), địa danh nổi tiếng trong phong trào cách mạng giai đoạn 1930-1945, đặc biệt là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Bến đò Thượng Trụ, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 3/1930.

Truông Gió - địa danh nằm giáp biên giữa 2 xã Hồng Lộc và Tùng Lộc (Can Lộc) từng là vùng rừng núi hoang vu, heo hút, giờ đã có quốc lộ 281 rộng lớn chạy qua; cạnh đó là thôn Trường An (xã Hồng Lộc) đang hừng hực khí thế xây dựng NTM. Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Lộc ghi lại tại địa bàn Truông Gió, trong giai đoạn 1930-1931 đã diễn ra 4 cuộc tập hợp lực lượng quần chúng vùng hạ Can tiến về huyện lỵ biểu tình đấu tranh; đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của tổ chức Đảng những ngày đầu thành lập.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Truông Gió (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) ngày nay.

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển (năm 1980), từ một vùng đất xa xôi, heo hút, nay thôn Trường An đã trở thành một làng quê NTM phát triển với 156 hộ dân, 650 nhân khẩu. Trong những năm qua, phát huy truyền thống của một miền quê anh hùng, với sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ và Nhân dân, phong trào xây dựng NTM của Trường An được phát động mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả vững chắc. Hàng nghìn mét đường giao thông nông thôn đã được mở rộng và bê tông hóa; nhiều khu vườn mẫu mướt xanh; nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao khang trang, hiện đại… là những điểm nhấn cho cảnh sắc NTM của vùng quê cách mạng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Trường An đạt gần 40 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2015.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Sức sống mới trên vùng quê nông thôn mới thôn Trường An, xã Hồng Lộc.

Cũng như thôn Trường An, trên vùng đất xã Hồng Lộc, nhiều làng quê, nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử đấu tranh những năm 1930-1945 như: di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia miếu Biên Sơn, nhà thờ ông Hồ Đôi (thôn Trung Sơn); hay thôn Quan Nam, quê hương của cụ Lê Bảng, người thanh niên hạ cờ của chính phủ bù nhìn kéo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh tung bay trên đỉnh kỳ đài trước huyện đường Can Lộc ngày 16/8/1945... trong cuộc cách mạng xây dựng NTM hiện nay, đều đang căng tràn sức sống mới.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Đường nông thôn mới trước ngõ nhà thờ ông Hồ Đôi (thôn Trung Sơn, Hồng Lộc), nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Can Lộc (tháng 4/1930).

Bắt tay xây dựng NTM từ năm 2016, chỉ 2 năm sau, Hồng Lộc đã đạt chuẩn xã NTM và hiện đang xây dựng các tiêu chí xã NTM nâng cao. Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến 1 tỷ đồng/năm cũng đã ra đời trên địa bàn xã Hồng Lộc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã trên 9.000 nhân khẩu này đạt 42 triệu đồng.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Phong trào xây dựng NTM giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Hồng Lộc không ngừng đươc nâng cao. Trong ảnh: Từ trên xuống, trái qua phải: Mô hình vườn mẫu trồng rau sạch ở thôn Yến Giang, Trang trại nuôi bò lai của HTX thanh niên thôn Thượng Phú cho doanh thu 30 tỷ đồng/năm, Trường Tiểu học Hồng Lộc, CLB karate thanh thiếu niên xã Hồng Lộc tập luyện.

Ông Mai Đình Phong - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc cho biết: “Tự hào là vùng quê cách mạng, dù trong hoàn cảnh nào, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hồng Lộc cũng luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh”.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Thành phố Hà Tĩnh rực rỡ sắc cờ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9

Trở về trung tâm tỉnh lỵ, trong sắc nắng mùa thu vàng dịu, TP Hà Tĩnh như càng trở nên rực rỡ hơn bởi những con đường rợp cờ hoa, pa-nô, biểu ngữ chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Phường Thạch Quý (một phần của xã Trung Tiết xưa) hiện lên tươi tắn với những tuyến phố bề thế, văn minh, hiện đại. Ít ai biết rằng, nơi đây một thời, địa danh Cồn Cồ đã lưu giữ ký ức bi thương về nạn đói năm Ất Dậu 1945.

Theo Lịch sử Đảng bộ phường Thạch Quý, tháng 5/1930, chi bộ Đảng đầu tiên của xã Trung Tiết được thành lập, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng tại đây. Trong 2 ngày 17 và 18/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Trung Tiết đã hăng hái dâng cao khí thế đấu tranh, hòa vào đoàn người từ khắp các địa phương kéo về huyện lỵ Thạch Hà, sau đó là TX Hà Tĩnh lật đổ chính quyền cai trị, đánh dấu mốc đưa Hà Tĩnh trở thành một trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Một góc phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) ngày nay nhìn từ trên cao.

Sau Cách mạng tháng Tám, phát huy truyền thống quê hương, Thạch Quý đã không ngừng vươn lên. Trải qua nhiều lần tách/nhập xã, phường Thạch Quý hiện có diện tích tự nhiên 342 ha, 11 tổ dân phố, 2.316 hộ với 8.344 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,7 triệu đồng. Cùng với phong trào xây dựng đô thị văn minh (phường đã đạt chuẩn văn minh năm 2020), người dân Thạch Quý không ngừng nỗ lực khởi tạo nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ, biến “vùng đất chết” năm xưa thành miền quê đầy sức sống. Điển hình như mô hình chăn nuôi vịt của gia đình anh Võ Tá Hải ở tổ dân phố Bắc Quý (doanh thu mỗi năm 5 tỷ đồng); HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Tâm ở tổ dân phố Trung Quý, có quy mô 7 ha, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng/năm…

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Mô hình nuôi vịt đàn cho thu nhập hàng tỷ đồng của anh Võ Tá Hải ở TDP Bắc Quý, phường Thạch Quý.

Ông Dương Thanh Quang ở tổ dân phố Tâm Quý tâm sự: “Từ những câu chuyện về sự thống khổ của dân ta dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và nhất là nạn đói năm 1945 mà bố mẹ tôi kể lại, bây giờ được thấy quê hương ngày càng phát triển, cuộc sống không ngừng đổi thay, tôi càng thêm tin yêu vào cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Ông Dương Thanh Quang (bên trái) cùng anh Nguyễn Bá Tuấn - Phó Bí thư đoàn phường Thạch Quý treo cờ Tổ quốc chào mừng ngày Quốc khánh 2-9.

Bên ngôi miếu Đôi, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi từng là địa chỉ hội họp bí mật của tổ chức Đảng những năm 1930-1945, anh Nguyễn Bá Tuấn - Phó Bí thư Đoàn phường Thạch Quý xúc động bày tỏ: “Mỗi lần đến chiêm vọng miếu Đôi hay cùng các bạn ĐVTN tổ chức các hoạt động truyền thống, tôi vô cùng xúc động và tự hào. Truyền thống cách mạng quê hương là điểm tựa, động lực để thế hệ trẻ chúng tôi không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên cống hiến, bảo vệ và dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp, phồn vinh”.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Miếu Đôi (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh).

Lời của anh Nguyễn Bá Tuấn, của đảng viên cao tuổi Dương Thanh Quang hay Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc Mai Đình Phong… đã khiến tôi hiểu rằng, sức sống mới trên mỗi miền quê cách mạng Hà Tĩnh đang hiện diện, đổi thay từng ngày không chỉ là sự trù phú, khang trang mà còn là niềm tin vào cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng, của triệu trái tim người dân Hà Tĩnh.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast