Ông chủ tiệm sách nuối tiếc thời hoàng kim

(Baohatinh.vn) - Tiệm sách của ông Nguyễn Ngọc Việt nằm trong con hẻm nhỏ cạnh quốc lộ 1A ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Là bộ đội phục viên, người đàn ông tuổi lục tuần đã trải qua nhiều công việc, song chỉ có nghề mua, bán, cho thuê sách gắn bó cùng ông lâu nhất cho đến nay.

ong chu tiem sach nuoi tiec thoi hoang kim

Ông Việt và tiệm sách cũ của mình.

Một thời hoàng kim

Khoảng 12 năm về trước, khi thói quen, thú vui đọc sách đang thịnh hành và lan tỏa mạnh mẽ như một trào lưu trong cộng đồng người Việt trẻ, ông Việt cũng "tập tành" mở tiệm sách với vỏn vẹn 28 cuốn truyện tranh. Với mức giá thuê 200 đồng/cuốn, lũ trẻ được phép giữ truyện đọc thoải mái, không giới hạn về thời gian, miễn sao không làm hỏng truyện và phải nhớ quay lại tiệm trả sách cho ông là được.

Số lượng sách cho thuê ngày một tăng lên khi những cuốn truyện tranh của ông Việt nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các độc giả "nhí”. Ông bắt đầu nhận mua sách cũ rồi cho thuê hoặc bán lại cho những ai có nhu cầu.

Sau một thời gian, hiểu rõ được thị hiếu của khách hàng, biết được những bộ truyện, đầu sách nào "hút" khách, ông cất công ra thành phố Vinh (Nghệ An), tìm đến những con phố nổi tiếng chuyên mua, bán các loại sách, báo cũ thời bấy giờ để mua, làm phong phú thêm cho kho sách của mình.

Ông Việt cho hay, ở thời điểm ấy, những bộ truyện tranh Nhật Bản như Đô-rê-mon, Thám tử lừng danh Conan, Bảy viên ngọc rồng... hay những bộ truyện Việt Nam như: Thần đồng Đất Việt, Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh... là những tác phẩm quen thuộc được nhiều bạn nhỏ yêu mến, thuê nhiều.

ong chu tiem sach nuoi tiec thoi hoang kim

Khoảng hơn 10 năm trước, để được sở hữu một quyển truyện Đô-rê-mon thế này, hầu hết các thế hệ học sinh 8X, đầu 9X phải tìm đến những cửa hàng cho thuê hoặc mượn bạn bè "có điều kiện".

“Cứ sau mỗi giờ tan học, tiệm sách này lại râm ran tiếng cười nói của lũ học sinh. Đặc biệt là vào những buổi sáng thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần, khi những tập truyện mới được nhà xuất bản phát hành theo lịch được tôi ra Vinh lấy về, các cô cậu học trò lại xếp hàng dài từ trong nhà ra đến tận ngoài sân, những mong được cầm trên tay cuốn truyện mới yêu thích để mà đọc ‘ngấu nghiến’ cho bằng hết từ đầu đến cuối”, ông Việt kể.

Tiếc nuối

Nhiều năm trở lại đây, tiệm sách của ông Việt vẫn đều đặn đưa truyện về, song số lượng học sinh, trẻ con tới thuê gần như vắng bóng. Điều này cũng dễ hiểu khi gia đình các em đã có điều kiện hơn, nhiều nhà kết nối internet. Thế giới mạng rộng lớn, ngoài đọc truyện, các em còn nhiều trò chơi khác, vì thế thói quen cầm một quyển truyện in bằng giấy để đọc cũng mất dần.

Trong căn phòng nhỏ rộng khoảng 10 m2, bốn bề là những giá sách làm bằng gỗ với hàng trăm cuốn được xếp gọn gàng, ngay ngắn, chất cao chạm đến trần nhà. Ở đôi khoảng trống hiếm hoi trên mảng tường vôi trắng, những dòng chữ được ông chủ tiệm sách viết nguệch ngoạc bằng bút dạ vẫn còn khá nguyên vẹn cho dù đã nhuốm màu thời gian ít nhất một thập kỷ.

ong chu tiem sach nuoi tiec thoi hoang kim

Những dòng chữ được ông Việt viết lên tường bằng bút dạ vẫn còn khá nguyên vẹn cho dù đã đi qua ít nhất một thập kỷ.

Ông Việt vẫn dành riêng một góc nhỏ để sắp xếp truyện tranh cho thuê, tuy nhiên đa phần sách để lâu ngày, người thuê ít dẫn đến mối mọt, đành phải vứt bỏ. Thi thoảng mới có vài đứa trẻ được bố mẹ dẫn tới thuê sách, khác hẳn với trước đây, khi những tốp học sinh, không kể trời nắng hay mưa, giữa trưa hay tối muộn, vẫn kéo nhau đến tiệm sách của ông, niềm vui sướng hiện rõ trên từng gương mặt ngây thơ khi được mang về nhà những cuốn truyện yêu thích.

Ông tâm sự, nghề này là một thú vui khi về già, không hề đặt nặng vấn đề kinh tế. Ngày nay, khi ít khách nhí thuê truyện, đôi lúc ông cảm thấy nhớ tiếng cười trẻ thơ tới da diết.

ong chu tiem sach nuoi tiec thoi hoang kim

Ông Việt cảm thấy tiếc nuối khi thói quen đọc sách của trẻ em đang dần trở nên mai một.

Cùng con trai đang học tiểu học tới thuê sách, chị Hà (giáo viên ở Hồng Lĩnh) cho hay, ngày trước, tuổi thơ gắn liền với những cuốn truyện tranh và những tờ báo Hoa học trò. Thời nay, học sinh rất ít đọc truyện tranh. Đây là điều đáng tiếc, bởi thói quen đọc sách, truyện sẽ mang lại rất nhiều điều bổ ích, lý thú...

Cũng theo chị Hà, 2 năm nay, chị thường dẫn con trai tới tiệm sách của ông Việt thuê truyện đọc. “Nhà tôi cũng có mạng internet, tuy nhiên tôi hạn chế cho cháu ngồi máy tính, thay vào đó là đọc sách, truyện. Sau một thời gian làm quen với những cuốn truyện tranh, tôi thấy cháu đã tự hình thành nên thói quen đọc sách. Nhìn con, tôi lại nhớ về một thời tuổi thơ đầy kỷ niệm”, chị Hà chia sẻ.

ong chu tiem sach nuoi tiec thoi hoang kim

Con trai chị Hà say mê đọc những quyển truyện tranh vừa được mẹ thuê cho.

Đang mải miết tạm biệt một vị khách nhí hiếm hoi trong ngày, ông Việt bất chợt nghe thấy tiếng gọi của một cậu thanh niên. Cậu là một "fan" trung thành với những quyển truyện tranh ở tiệm sách, nay đi học đại học về tới thăm ông chủ. Ông Việt cho hay, thỉnh thoảng các cô cậu thuộc thế hệ 8x, 9x, nay đã trưởng thành vẫn rủ nhau về lại tiệm sách, cùng nhau trêu đùa, ôn lại về một thời “tuổi thơ dữ dội”. Điều này khiến ông bớt chạnh lòng, khi mà trẻ em ngày nay không còn xem tiệm sách và những cuốn truyện tranh của ông như những “báu vật” để nâng niu, trân trọng.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast