Quyết liệt các giải pháp ngăn chặn sốt xuất huyết

(Baohatinh.vn) - Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 5/2016, cả nước ghi nhận 36.224 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 người tử vong. Dự báo, sốt xuất huyết đang có nguy cơ lan rộng. Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống.

quyet liet cac giai phap ngan chan sot xuat huyet

Lãnh đạo ngành Y tế Hà Tĩnh cùng cơ quan chuyên môn giám sát dịch tễ gây bệnh SXH tại các hộ gia đình ở Đức Vĩnh (Đức Thọ). Ảnh: Nhật Thắng

Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 96 triệu người mắc bệnh, với 500.000 trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 trường hợp tử vong. Từ năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định sốt xuất huyết Dengue có thể trở thành một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp được cộng đồng quốc tế quan tâm và lo ngại do những tác động tiêu cực của dịch bệnh này đến đời sống xã hội.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 5/2016, Việt Nam đã ghi nhận 36.224 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 người tử vong. Các ca mắc vẫn ghi nhận nhiều tại các tỉnh phía Nam, chiếm gần 63% trong tổng số ca mắc của cả nước. So với cùng kỳ năm 2015, số người mắc sốt xuất huyết năm nay trên cả nước tăng 2,9 lần.

Tại Hà Tĩnh, nhờ chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời nên luôn khống chế được dịch bệnh. Năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 59 ca mắc, giảm 45,8% so với năm 2014; không có trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, chưa ghi nhận ca sốt xuất huyết nào.

Bác sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Dự báo năm 2016, do biến đổi khí hậu nên véc-tơ, nguồn bệnh sốt xuất huyết vẫn duy trì, phát triển, khả năng sẽ xẩy ra nhiều ổ dịch và tăng số lượng ca bệnh. Để phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, trong đó, chú trọng triển khai các hoạt động giám sát; chủ động giám sát bệnh nhân từ các hoạt động của cộng tác viên; phối hợp với cơ sở y tế các cấp phát hiện sớm các trường hợp mắc để triển khai kịp thời các biện pháp dập dịch. Đồng thời, tăng cường giám sát huyết thanh và vi-rút, giám sát véc-tơ. Mở rộng điểm giám sát các chỉ số muỗi, bọ gậy/bọ gậy, tổ chức giám sát các chỉ số véc-tơ trước và sau khi tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động; phối hợp điều tra ổ bọ gậy nguồn, thu thập muỗi, bọ gậy để định loại và đánh giá độ nhạy cảm của véc-tơ đối với hóa chất diệt côn trùng...

Đặc biệt, hiện nay đang vào thời điểm mùa hè với nhiều điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật, côn trùng truyền bệnh phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có công văn đề nghị các phòng y tế và trung tâm/trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh triển khai các hoạt động: tham mưu UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của các loại dịch bệnh tại địa phương; tăng cường công tác giám sát các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn, các phòng khám tư nhân và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch thường xẩy ra về mùa hè, trong đó có sốt xuất huyết, Zika... để kịp thời triển khai các biện pháp khống chế và dập tắt, không để dịch lan rộng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, thực hiện việc theo dõi giám sát véc-tơ định kỳ tại các xã điểm, nơi có ổ dịch cũ để dự báo tình hình dịch và triển khai các biện pháp dự phòng khi các chỉ số giám sát trên ngưỡng cảnh báo dịch. Khi trên địa bàn có trường hợp đầu tiên nghi ngờ mắc bệnh, cần được giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định ca bệnh, đồng thời, triển khai các biện pháp xử lý, không để dịch lan rộng…

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Lương Tâm khuyến cáo: Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, người dân cần dọn vệ sinh nhà ở, lật úp tất cả các vật dụng có thể chứa nước đọng, không tích nước trong chum, vại, thay nước lọ hoa thường xuyên, không vứt vỏ lon nước ngọt, lốp xe... ngoài vườn vì có thể khiến nước đọng, trở thành nơi sinh sôi lý tưởng của muỗi. Với tiểu cảnh, cần thả cá tiêu diệt loăng quăng...

Ngoài ra, thực hiện ngủ màn, mặc áo dài tay để tránh bị muỗi đốt. Tại các khu vực nguy cơ cao, y tế dự phòng tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, người dân nên cộng tác, bởi hóa chất là an toàn, không gây hại. Khi có các dấu hiệu như đột ngột sốt cao không hạ, mệt mỏi, nhức đầu, đau hốc mắt... cần nghĩ đến nguy cơ sốt xuất huyết, đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị, phòng nguy cơ bệnh diễn biến xấu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast