Bắc Cực ghi nhận mức nóng kỷ lục trong 3 triệu năm

Năm 2020 đánh dấu mức nhiệt độ cao kỷ lục từng được ghi nhận: 38 độ C ở Bắc Cực.

Ngoài ra, đây cũng là năm đánh dấu mức thấp thứ 2 về tỉ lệ bao phủ băng ở Bắc Băng Dương trong 42 năm từ khi hệ thống vệ tinh nhân tạo thu thập những số liệu đầu tiên.

3,74 triệu km2 diện tích băng bao phủ được ghi nhận vào năm 2020 chỉ bằng 50% so với diện tích bao phủ được ghi nhận 40 năm trước đó. Nồng độ CO2 trong không khí cũng đạt mức cao kỷ lục là 412 phần triệu. Lần gần nhất, Trái Đất chứng kiến nồng độ CO2 cao như vậy đã là 3 triệu năm trước (thế Pliocen).

Bắc Cực ghi nhận mức nóng kỷ lục trong 3 triệu năm

Một nhà máy nhiệt điện đang xả thải ra môi trường. Ảnh: Fortune .

Qua việc đánh giá những số liệu liên quan đến tình trạng băng tan diễn ra tại Bắc Cực, các nhà địa chất học đã cảnh báo rằng nếu chúng ta không có động thái quyết liệt nhằm hạn chế sự xả thải khí nhà kính thì trong tương lai không xa, Trái Đất sẽ quay lại thế Pliocen. Điều này dẫn đến những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và nền văn minh của nhân loại.

Cách mạng công nghiệp bùng nổ đã thay đổi nền văn minh nhân loại mãi mãi nhưng hệ lụy kéo theo lại được chúng ta đón nhận một cách hết sức thờ ơ. Bắt đầu từ những năm 1750, khi nồng độ CO2 trong khí quyển chỉ đạt mức 280 phần triệu, nhân loại chỉ mất 200 năm để đưa Trái Đất vào thời kỳ mà nồng độ CO2 trong khí quyển ở mức cao chưa từng có.

Đặc biệt kể từ sau Thế chiến II, nồng độ CO2 trong khí quyển tăng đều ở mức 2-3 phần triệu mỗi năm.

Bắc Cực ghi nhận mức nóng kỷ lục trong 3 triệu năm

Độ bao phủ băng ở Bắc Cực qua các thời kỳ. Ảnh: NSIDC .

Kể từ năm 1880, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C. Và ở Bắc Cực, những tảng băng tan đã giảm tỉ lệ phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời khiến Trái Đất hấp thu nhiều nhiệt lượng hơn, dẫn đến việc tỉ lệ băng bao phủ vào mùa hè ờ Bắc Cực hàng năm ngày một giảm sút.

Theo dự đoán nếu không có sự can thiệp, trong vòng 2 thập kỷ sắp tới Bắc Cực sẽ chứng kiến những mùa hè không còn băng bao phủ.

Những thành phố duyên hải, khu vực nông nghiệp trọng yếu của các quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí biến mất mãi mãi trên bản đồ thế giới và nguyên nhân chính là do mực nước biển dâng cao.

Tương lai này có thể được tránh khỏi, nhưng chúng ta cần sự hợp tác từ các quốc gia để cùng đi đến một hành động chung nhằm ngăn chặn được vấn đề này.

Bắc Cực ghi nhận mức nóng kỷ lục trong 3 triệu năm
Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast