Cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội và đạo đức người làm báo

(Baohatinh.vn) - Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất hàng đầu của người làm báo. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi sự phát triển của xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lớn đến nền báo chí Việt Nam thì việc giữ gìn sự minh bạch và trong sáng của đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng cần thiết hơn bao giờ hết. Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã chia sẻ với Báo Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.

Cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội và đạo đức người làm báo

P.V: Sự phát triển của KH&CN, đặc biệt là sự “bành trướng” của mạng xã hội tạo ra những cơ hội thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng hiện đại của báo chí, truyền thông nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Đó là một tất yếu. Lịch sử phát triển của báo chí, truyền thông gắn liền với sự phát triển của KH&CN. Có thể thấy, KH&CN không chỉ tác động đến cách thức báo chí, truyền thông truyền đi thông điệp của mình, chi phối, tác động đến cách thức và hiệu quả tiếp cận của công chúng mà còn tác động sâu sắc vào chất lượng thông tin.

Cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội và đạo đức người làm báo

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải chúc mừng Hội Nhà báo Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019)

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự lên ngôi của các hệ thống thông minh đang mang đến những cơ hội và thách thức đối với hoạt động quản lý báo chí, truyền thông. Làm thế nào để tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng công nghệ này, đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của báo chí, truyền thông, giữ gìn sự minh bạch và trong sáng của đạo đức nghề báo trong bối cảnh mới là một câu hỏi lớn.

P.V: Ông có thể nói rõ hơn về những thách thức lớn mà người làm báo phải đối mặt nếu muốn giữ gìn sự minh bạch và trong sáng của đạo đức nghề nghiệp?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Trong sự thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, cách làm báo truyền thống với tính định kỳ đã bị phá bỏ, đồng nghĩa với việc tạo nên một thế hệ nhà báo mới, không chỉ nhạy bén với xử lý thông tin mà còn khoa học và năng động trong làm chủ công nghệ.

Cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội và đạo đức người làm báo

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tham quan Tòa soạn hội tụ Báo Hà Tĩnh

Yêu cầu bắt buộc của nhà báo hiện nay là phải xử lý thông tin trong mọi hoàn cảnh và phải cập nhật tin tức vào bất cứ thời điểm nào. Công nghệ cho phép họ làm điều đó, tuy nhiên, công nghệ cũng đang tạo ra một bộ phận nhà báo hoặc là trở nên dễ dãi với nghề hoặc là trở nên cơ hội, biến tướng, thậm chí là trục lợi nghề nghiệp, làm méo mó hình ảnh của người làm báo.

Biểu hiện rõ nhất là có một số nhà báo đang dần trở thành “nhà báo sa-lông”, “nhà báo cắt dán”, “nhà báo bàn phím” và trục lợi thông tin. Sự kết nối internét toàn cầu tạo ra các “siêu xa lộ thông tin” và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng tạo ra thách thức lớn cho người làm báo trong kỹ năng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội và đạo đức người làm báo

Tác nghiệp

P.V: Để tận dụng sức mạnh của KH&CN, phát huy được sức mạnh cổ động và tuyên truyền tập thể của báo chí cách mạng, đồng thời, giữ gìn và trau dồi đạo đức nghề nghiệp, người làm báo sẽ phải tuân thủ những nguyên tắc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Trước hết, phải khẳng định rằng, đạo đức nghề báo là một phần đạo đức xã hội. Khi một người tham gia viết báo, muốn trở thành nhà báo tốt, anh ta chịu sự chi phối và quyết định của rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có 2 yếu tố quan trọng nhất là tính chính trị và sự nhạy cảm nghề nghiệp.

Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua hoạt động nghiệp vụ. Tư duy báo chí thể hiện rõ tính chính trị. Nó cho phép phóng viên có thể xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin.

Sự nhạy cảm được coi là một trong những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng trong hoạt động sáng tạo của một nhà báo. Nhạy cảm để phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới. Nhạy cảm để nhận ra đúng bản chất đích thực của những vấn đề, con số, sự kiện...

Thực tế cho thấy rằng, thông tin dù có tính chân thật cao nhưng còn phải xem nó có lợi hay hại. Đã có rất nhiều thông tin khi ra mặt báo rất chính xác nhưng có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước. Như vậy, tuy tin tức đưa ra là đúng, nhưng không có lợi thì vẫn chưa đủ. Vì thế, nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội và đạo đức người làm báo

Phòng Chuyên đề Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Tĩnh sản xuất chương trình

P.V: Vậy nhà báo sẽ phải cân nhắc những gì khi đối diện với mạng xã hội trong tư cách một facebooker, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Khi trên “cái chợ” mạng xã hội đang có quá nhiều những thông tin trái chiều, thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin phản văn hóa… thì một người làm báo nghiêm túc, tôn trọng phẩm chất nghề nghiệp cần phát ngôn trung thực, khách quan, nhân văn và có tính chính kiến cao để góp phần định hướng thông tin, bảo vệ cái đúng, đả phá những thông tin sai lệch, bôi nhọ vì người đọc không chỉ quan tâm đến bạn với tư cách một facebooker mà còn với tư cách của một người làm báo, một người có khả năng kiểm chứng và định hướng thông tin bằng chính sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình.

Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội gồm 3 chương và 7 điều, trong đó, nêu 8 việc người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội. Chẳng hạn như người làm báo không được đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác; không đưa ra các quan điểm, chia sẻ cá nhân, hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân đã viết, đăng tải và trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.

Mỗi nhà báo phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để các thông tin trên báo, trên mạng xã hội giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống. Đó chính là lương tâm, là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chân chính!

Chủ đề 95 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast