"Còn khỏe, tôi còn dạy nuôi ong và bảo vệ người khuyết tật"

(Baohatinh.vn) - Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội Người mù, đồng Chủ tịch Hội Người khuyết tật và Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX Chăn nuôi ong huyện Vũ Quang. Ông đã tạo sinh kế cho hàng ngàn người dân miền núi và chăm lo cho nhiều mảnh đời bất hạnh.

“Cha đẻ” của mô hình nuôi ong lấy mật ở Vũ Quang

“Còn khỏe, tôi còn dạy nuôi ong và bảo vệ người khuyết tật”

Ông Nguyễn Văn Dũng - "cha đẻ" của mô hình nuôi ong lấy mật ở Vũ Quang

Tôi gặp ông từ năm 2013. Và từng nhiều lần may mắn được nghe ông kể về hành trình lấy mật của đàn ong và đặc trưng của mật ong Vũ Quang. Mỗi lần ông kể về ong là một tâm thế khác nhau. Bởi thế mà những câu chuyện ông kể luôn thu hút tôi với nhiều mới mẻ.

Ông Dũng nhớ lại: “Năm 1999, Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang ra đời. Nhằm hạn chế tình trạng người dân vào rừng khai thác mật ong, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, dự án nuôi ong vùng đệm được triển khai và tôi may mắn được mời tham gia lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Xác định đây là cơ hội thoát nghèo, chỉ 5 ngày tham gia học tập, tôi nắm khá chắc kiến thức nuôi ong. Học là làm, tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm. Sau những lần thất bại, rồi đúc rút được kinh nghiệm và đến năm 2003 con ong đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, cho thu nhập ổn định”.

“Còn khỏe, tôi còn dạy nuôi ong và bảo vệ người khuyết tật”

Từ mô hình nuôi ong ban đầu, đến nay ông Dũng đã truyền nghề, tạo mô hình sinh kế cho nhiều người dân miền núi

Hồi đó, ông Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm cho một số hộ có nhu cầu. Tuy vậy, đến năm 2004 khi đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Người mù huyện Vũ Quang, cách làm của ông mới lan tỏa rộng rãi trong huyện.

Được sự tài trợ của Đại sứ quán Hà Lan và Luxembourg, 7 câu lạc bộ nuôi ong ở huyện Vũ Quang lần lượt ra đời. Ông đã mở 5 lớp tập huấn với trên 150 người tham gia để vừa truyền thụ kiến thức vừa trực tiếp “cầm tay chỉ việc”. Ông lấy chính đàn ong của mình làm công cụ, tư liệu dạy học. Không ít người đã tự ái trước sự thẳng thắn của ông, tuy nhiên sau khi thành công họ mới hiểu sự tâm huyết, trách nhiệm của ông và đến tận nhà thông cảm, chia sẻ niềm vui.

“Còn khỏe, tôi còn dạy nuôi ong và bảo vệ người khuyết tật”

Chị Phan Thị Lài (xóm 1 – thị trấn Vũ Quang) vui mừng: Nghĩ đến cảnh nghèo khó trước đây, gia đình tôi càng biết ơn bác Dũng.

Từ mô hình nuôi ong ban đầu, đến nay ông Dũng đã truyền nghề, tạo mô hình kinh tế tiềm năng cho rất nhiều người dân miền núi, trong đó có khoảng 500 mô hình hiệu quả cao.

Chị Phan Thị Lài (xóm 1 – thị trấn Vũ Quang) vui mừng: “Nghĩ đến cảnh nghèo khó trước đây, gia đình tôi càng biết ơn bác Dũng. Từ năm 2006, không nhớ bác đã đến nhà tôi bao nhiêu lần để truyền nghề. Hiện, gia đình đã có trên 80 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Từ thu nhập này tôi đã sắm sửa được nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đàng hoàng”.

“Còn khỏe, tôi còn dạy nuôi ong và bảo vệ người khuyết tật”

Mật ong Vũ Quang hiện được sản xuất theo hướng VietGap

Ông Dũng là một trong những thành viên chủ chốt trong hành trình xây dựng thương hiệu mật ong Vũ Quang và sản xuất mật ong theo hướng VietGap. Đến nay, huyện Vũ Quang cho thu trên 60 tấn mật ong/năm, trị gần 9 tỷ đồng. Không chỉ truyền nghề ở Vũ Quang, ông còn được mời ra Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn, Thạch Hà để hướng dẫn, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Trăn trở với nhiều mảnh đời bất hạnh

Cho đến bây giờ, chị Đậu Thị Nga (xóm 5 - thị trấn Vũ Quang) vẫn chưa quên được cảm xúc của khoảng 3 năm về trước. Chị Nga kể: “Năm lên 10 tuổi, tôi bị mất một bàn tay do tai nạn và sau này được hưởng trợ cấp người khuyết tật. Khoảng năm 2016, tôi thuộc vào diện bị cắt trợ cấp người khuyết tật. Nếu như lúc đó không có bác Dũng đứng ra tìm hiểu ngọn ngành, đấu tranh, thuyết phục và hỗ trợ đi giám định thương tật thì chắc chắn tôi sẽ không bảo toàn được quyền lợi của mình. Đợt đó, ngoài tôi, còn có một số người khuyết tật trên địa bàn cũng được bác Dũng đấu tranh để giành được nguồn trợ cấp mà chúng tôi đáng được hưởng”.

“Còn khỏe, tôi còn dạy nuôi ong và bảo vệ người khuyết tật”

Chị Nguyễn Thị Nga (xóm 5 - thị trấn Vũ Quang)

Ông Dũng tâm sự: “Bản thân tôi cũng là một người khiếm khuyết về cơ thể, một mắt bị hỏng khi tham gia chiến trường, song do thất lạc hồ sơ, giấy tờ nên không được hưởng chế độ. Có ở trong hoàn cảnh đó mới cảm nhận rõ sự bất hạnh của người mù, người khuyết tật. Đó chính là động lực thôi thúc tôi phải trăn trở, đi, thấy và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Thực tế cho thấy, những người khuyết tật đã yếu thế song lại không am hiểu về pháp luật nên một số chính sách mình phải hướng dẫn, thậm chí làm hồ sơ giúp để họ được hưởng”.

“Còn khỏe, tôi còn dạy nuôi ong và bảo vệ người khuyết tật”

Hành trình bảo vệ người khuyết tật của người đàn ông 60 tuổi vẫn còn dài với nhiều dự định được vạch sẵn

Huyện Vũ Quang hiện có 1.500 người khuyết tật. Hành trình bảo vệ người khuyết tật của người đàn ông 60 tuổi vẫn còn dài với nhiều dự định được vạch sẵn. Ngoài kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, ông chú trọng tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Đồng thời, hỗ trợ để ngày càng nhiều người khuyết tật được vay vốn và hướng dẫn, tư vấn để nguồn vốn đó sinh sôi. Ông Dũng khẳng định: “Đến khi nào vẫn còn sức khỏe, tôi còn nỗ lực để nhiều số phận bất hạnh bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cuộc sống; để họ tự tin và phấn đấu vì một cuộc sống tươi đẹp hơn”.

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast