Nhiều người chuyển hướng sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng

Việc lãi suất USD giảm xuống cao nhất chỉ còn 3%/năm, trong khi lãi suất huy động VND vẫn giữ ở mức 14%/năm khiến nhiều người bắt đầu tính toán đến việc sẽ chuyển từ tiết kiệm USD sang gửi tiết kiệm tiền đồng.

Trong ngày 13/4, nhiều điểm giao dịch của các ngân hàng tại TP.HCM có khá đông khách đến gửi tiết kiệm VND.

Nhiều người cho biết, trước đây gửi tiết kiệm USD nhưng nay đã đến kỳ đáo hạn và thấy lãi suất này bị khống chế 3% nên quyết định đổi USD sang tiền đồng rồi đem số tiền ấy gửi luôn vào ngân hàng.

Nhiều người dân đã chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND. - Ảnh minh họa
Nhiều người dân đã chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND. - Ảnh minh họa

Một giám đốc ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cũng tiết lộ, một phần những người gửi ngoại tệ tại chi nhánh này đã chuyển sang gửi tiền đồng. Lượng tiền gửi bằng Việt Nam đồng tăng khoảng 10% so với trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 09/2011/TT-NHNN."Nếu thời gian tới, lượng tiền đồng đổ về ngân hàng tiếp tục tăng thì khả năng lãi suất cho vay giảm là điều tất yếu", ông này nhận định.

Thực tế thì nhiều người có nhu cầu gửi tiết kiệm cũng đang tính toán rất kỹ. Giả sử số tiền gửi tiết kiệm là 10.000 USD, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 0,25%/tháng (3%/năm) sẽ sinh lời 25 USD (tương đương 525.000 đồng). Thế nhưng, nếu chuyển 10.000 USD (1 USD tương đương gần 21.000 đồng) thành 210 triệu đồng rồi gửi tiết kiệm với lãi suất 1,16%/tháng (14%/năm) thì sinh lời hơn 2,4 triệu đồng, gấp 5 lần so với gửi tiết kiệm bằng USD...

Theo ông Nguyễn Việt Anh, nguyên giám đốc Trung tâm Giao dịch ngoại hối và hàng hóa của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam, thời điểm này, người dân gửi tiết kiệm bằng VND là hợp lý bởi lãi suất VND và USD chênh nhau quá lớn, trong khi khả năng tỷ giá khó có thể tăng cao.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng chuyển đổi USD sang VND do lo ngại lạm phát. Nhiều người cũng kỳ vọng tỷ giá từ nay đến cuối năm còn biến động nên “cố thủ” USD.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì người gửi tiết kiệm USD chỉ có được mức sinh lời ngang với gửi VND nếu tỷ giá tăng 11%/năm mà điều này được dự báo là khó xảy ra.

Thực tế cho thấy các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, tỷ giá bắt đầu ổn định, tình trạng thu gom, găm giữ USD đã giảm dần. Biểu hiện rõ nhất là tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do đã giảm 1.400 VND/USD, từ đỉnh 22.400 VND/USD (cuối tháng 2/2011) xuống còn 21.000 đồng/USD (ngày 13/4).

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu phân tích, phản ứng của thị trường phụ thuộc vào tính toán của mỗi người nắm giữ ngoại tệ. Để người găm giữ USD đẩy mạnh bán ra thì phía NHNN phải có những chính sách ổn định tỷ giá, khi không còn kỳ vọng vào việc tỷ giá tăng mạnh thì việc găm giữ USD sẽ không mang lại lợi nhuận.

Quyết định áp trần 3% này được nhiều chuyên gia đánh giá là có lợi hơn cho người gửi cũng như nền kinh tế nhằm hạ nhiệt thị trường ngoại hối.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast