Việt Nam xếp thứ 99 về môi trường kinh doanh

Giữ nguyên vị trí 99 trong xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2013 nhưng Việt Nam được ghi nhận đã có sự cải cách ở 4 vấn đề về vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, và tuyển dụng lao động.

Hôm nay (29/10), Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh “Doing Business 2014”. Dự án và báo cáo chung về môi trường kinh doanh của WB bắt đầu được triển khai vào năm 2003 với việc công bố báo cáo môi trường kinh doanh 2004. Báo cáo năm nay là báo cáo thứ 11 được thực hiện.


Theo báo cáo, Việt Nam xếp thứ 99/189 nền kinh tế thế giới và thứ 88 trong khu vực. Tuy nhiên, theo nhóm các tác giả của báo cáo, dù đã thực hiện được 21 cải cách kể từ năm 2005 được coi là nhiều nhất so với các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn không có nhiều cải thiện.

Bản báo cáo của WB đưa ra 10 tiêu chí để đánh giá về mức độ “dễ thở” của môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của 198 nền kinh tế. Các tiêu chí cụ thể để đánh giá môi trường kinh doanh tốt được WB đề cập đến bao gồm thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, cấp điện, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng, và giải quyết doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Trong thời gian 1 năm tính từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013, Việt Nam được ghi nhận đã có sự cải cách trên 4 lĩnh vực gồm vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, và tuyển dụng lao động. Theo đánh giá cỉa WB, tỷ lệ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2013 tăng so với năm 2012 là 0,7%.

Báo cáo nêu rõ, Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng thông qua một nghị định thiết lập khung pháp lý cho việc thành lập các trung tâm thông tin tín dụng tư nhân. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư bằng cách đưa ra những yêu cầu chặt chẽ hơn về minh bạch thông tin.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị đánh giá rất thấp ở 7/10 tiêu chí của xếp hạng. Chỉ tính riêng lĩnh vực nộp thuế với việc doanh nghiệp phải dành ra 1/3 ngày làm việc tương đương với 872 giờ đồng hồ để tuân thủ các chính sách thuế đã kéo lĩnh vực nộp thuế tụt 11 hạng xuống vị trí 149/189.

Bên cạnh đó, tiêu chí tiếp cận điện năng của Việt Nam cũng chỉ đứng vị trí 156/189. Theo phân tích của nhóm tác giả Ngân hàng Thế giới sở dĩ ở tiêu chí này Việt Nam xếp hạng thấp do thống kê cho thấy mỗi doanh nghiệp phải mất khoảng 115 ngày mới có được nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh và hàng tháng mỗi gia đình phải chi khoảng 17% thu nhập cho điện năng.

Trong khi đó, ở bảng xếp hạng năm nay, Singapore hiện đang đứng đầu trong bảng xếp hạng 189 nước hàng đầu có môi trường kinh doanh thuận lợi. Tiếp đến Malaysia vị trí thứ 6, Thái Lan thứ 18 và Brunei thứ 59...

Nguồn: VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast