Bức tường xanh ven biển

(Baohatinh.vn) - Nghi Xuân là một trong 7 huyện ven biển của tỉnh ta được tổ chức nhân đạo Nhật Bản tài trợ dự án trồng rừng phòng hộ phòng ngừa thảm họa thiên tai. Sau gần 10 năm triển khai dự án, những cánh rừng ngập mặn trên địa bàn huyện đã trở thành “bức tường xanh” bảo vệ cuộc sống và mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân ven biển.

Những cánh rừng ngập mặn là “bức tường xanh” bảo vệ cuộc sống cho người dân ven biển, cửa sông.
Những cánh rừng ngập mặn là “bức tường xanh” bảo vệ cuộc sống cho người dân ven biển, cửa sông.

Nghi Xuân là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên nhiên khắc nghiệt, đặc biệt là các xã nằm theo tuyến biển dài hơn 32 km bị tác động trực tiếp của sóng và gió từ biển thổi vào, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, tài sản, tính mạng của nhân dân, nhất là mùa mưa bão, triều cường. Từ khi triển khai dự án trồng rừng phòng hộ, đến nay, Nghi Xuân đã có gần 120 ha rừng phát triển xanh tốt gồm các loài cây phi lao, bạch đàn, bần, đước… mọc ken dày, nhiều tầng tán cao, có tác dụng to lớn đối với cuộc sống người dân.

Từ khi có rừng ngập mặn, môi trường sinh thái vùng ven biển được cải thiện. Các loài thủy hải sản cũng phong phú hơn. Toàn bộ diện tích từ bãi ngoài, bãi triều được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Vì thế, đời sống người dân xã ven biển và những vùng lân cận có nhiều đổi thay. Ông Trần Bách Quyền (xã Xuân Phổ) người đầu tư trên 4 ha nuôi trồng thủy sản tâm sự: “Tôi rất yên tâm khi cánh rừng phòng hộ ngày càng vươn cao và thiết nghĩ, mình cùng gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ rừng”.

Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông, ven biển, đồng thời là nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển. Đặc biệt, hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển còn được ví như “bức tường xanh” vững chắc bảo vệ toàn bộ tuyến đê trực diện với biển, bảo vệ an toàn cho cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển.

Qua thực tế những năm có lũ bão, triều cường, toàn bộ hệ thống đê biển và đê đầm thủy sản của Nghi Xuân có rừng che chắn phía ngoài đều được bảo vệ an toàn, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho việc tu bổ, sửa chữa đê, kè cống hàng năm.

Ông Trần Xuân Trực - Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ khẳng định: “Hiệu quả từ dự án trồng rừng ngập mặn đã có tác động tích cực trong việc đối phó với thiên tai và phát triển kinh tế địa phương trong những năm gần đây. Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo các thôn tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ rừng”.

Toàn huyện Nghi Xuân có 10 xã ven biển/19 xã, thị trấn được hưởng lợi từ dự án trồng rừng phòng hộ gồm Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Hải, thị trấn Nghi Xuân, Tiên Điền, Xuân Giang, Cổ Đạm và Cương Gián. Gần 120 ha rừng được các địa phương giao khoán cho từng hộ dân tự trồng, tự bảo quản, chăm sóc và hưởng lợi. Dự án hỗ trợ người dân cây giống, kỹ thuật trồng rừng, hỗ trợ tiền công và trang bị những dụng cụ cần thiết.

Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tổ chức các lớp tập huấn giúp người dân hiểu hơn về phong trào CTĐ, về những hoạt động mà Hội CTĐ đã thực hiện, trong đó, đặc biệt chú trọng những hoạt động ứng phó với thảm họa thiên tai và liên kết với các ngành, các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Những cánh rừng bần thuộc các dự án rừng ngập mặn của các xã vùng hạ nguồn sông Lam, huyện Nghi Xuân xanh ngát đang vươn mình trước biển như là những tấm lá chắn vững chắc, sẵn sàng đương đầu chống đỡ với sóng to, gió lớn. Đó là thành quả đáng trân trọng được minh chứng từ thực tiễn trong quá trình thực hiên dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng của nhân dân vùng ngập mặn ven biển huyện Nghi Xuân gần 10 năm qua, mang lại cho con người và vùng đất nơi đây cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast