Nghiêng lòng cùng tháng Chạp

“Em ơi sáng nay mưa bụi bay/Mùa xuân tìm đến bên ta từng chấm nhỏ” – Mỗi lần đi giữa làn mưa bụi mong manh, những câu thơ của Vũ Duy Thông lại vang lên giữa lòng ta thao thiết. Mùa xuân đang lặng lẽ tìm về và nỗi lưu luyến với những ngày tháng Chạp lại dậy lên trong những phút ngân đọng của cảm xúc, trong phút “dọn lòng” thênh thang đón chờ xuân mới…

Thật lạ là dù có những biến đổi lớn về khí hậu thì tháng Chạp cũng trở về giữa nhân gian bằng chừng ấy sự sinh chuyển của cỏ cây, của khí trời và lòng người. Cả những cơn mưa dằng dai và những vệt nắng hiếm hoi cũng như dùng dằng muốn níu kéo chút tàn dư mùa cũ. Nói tàn dư nghe có vẻ đượm màu buồn nhưng chính chút tàn dư ấy lại là tác nhân để đào, mai cựa mình. Nắng hanh ủ quanh những nhánh cành khô queo mà bên trong dạt dào nhựa chảy. Và một sáng mai thức dậy ta đã thấy trên từng kẽ lá, trên chính thớ vỏ xù xì mọc ra lấm tấm những nụ mầm tươi non. Khi ấy những khu vườn trên khắp xóm thôn cũng đầy lá khô rụng, thứ lá ấy gặp ngọn gió đông còn cố vươn mình bay lên tạo ra những thanh âm khiến lòng người xao xác, nhớ mong một điều gì rất đỗi mơ hồ. Trong khung cảnh ấy, nhìn đàn én chộn rộn lượn bay trên bầu trời đi tìm hơi ấm mùa xuân lòng ta cũng nôn nao chờ đón những điều mới mẻ trong từng bước đi của những ngày tháng Chạp.

Nắng hanh ủ quanh những nhánh cành xù xì cho nụ mầm bật nở
Nắng hanh ủ quanh những nhánh cành xù xì cho nụ mầm bật nở

Quê ta – một miền quê miên man đồi núi che chở một dòng chảy hiền hòa, mỗi tháng Chạp đi qua, tất cả đều trở nên thâm trầm, tĩnh mịch nhưng ẩn trong cái vẻ ngoài bình lặng ấy là sự sinh chuyển của muôn cây. Để năm nào cũng vậy, cứ độ cuối Chạp là cam, quýt lại bừng lên đỏ mọng như đèn treo còn những lùm lá dong lại mướt lên một màu xanh thẫm. Hai sản vật ấy không chỉ riêng đất quê ta có nhưng hương vị và màu sắc thì khó nơi nào sánh được, thế nên trong những ngày cuối Chạp tất bật, người người khắp chốn lại tìm về các vườn cam, vườn quýt để tự tay chọn lấy những quả cam bù đỏ mọng màu mặt trời vừa để cúng gia tiên vừa làm quà gửi những người con xa xứ. Nhìn những chuyến đi của sản vật miền núi thơm ấy lòng ta cũng dậy lên niềm tự hào sâu kín về thổ nhưỡng quê hương, về sức lực của những bàn tay, khối óc người nông dân trong thời đại mới.

Những quả cam bù mọng đỏ màu mặt trời là thứ quả không thể thiếu trên ban thờ gia tiên tong dịp Tết cổ truyền của người Hà Tĩnh
Những quả cam bù mọng đỏ màu mặt trời là thứ quả không thể thiếu trên ban thờ gia tiên tong dịp Tết cổ truyền của người Hà Tĩnh

Sáng nay, ta thảnh thơi bước đi giữa thành phố mù sương. Mùi hương trầm bảng lảng đẩy lòng ta trôi về miền ký ức. Bỗng giật mình thảng thốt: Đã gần 20 Tết rồi. Ngày còn sống, độ này nội ta đã sắm Tết gần đủ và trong những thức vật được mua về ấy thể nào cũng có những cây hương trầm cỡ đại. Nội thường nói, đốt hương trầm cho căn nhà ấm áp, cho bằng hàng xóm láng giềng để con cháu quên đi những nghèo khó về vật chất. Và, nội bao giờ cũng chuẩn bị cho mỗi đứa cháu một phần tiền lẻ cho phiên chợ Trâu truyền thống. Phiên chợ ấy, vào thế hế của ta không còn bán trâu nữa mà trở thành ngày vui của trẻ con. Dù khó, dù nghèo, phiên chợ ấy đứa nào cũng có một món tiền đủ để mua một con gà gáy (tò he), một phong kẹo cốm và vài chiếc bóng bay xanh đỏ. Thế nên, đứa nào cũng mong đến ngày 19, 20 tháng Chạp để được tự tay cầm tiền, tự mình đi chợ và mua thứ mình thích. Độ này, ở quê cha ta cũng đã bắt đầu xắm nắm đi chọn pheo, chọn mạy để làm cây nêu tiễn ông Táo về trời. Mẹ lại đưa tay nhẩm tính thời gian để còn chuẩn bị đi thăm mộ tổ tiên, ông bà, để mua sắm thực phẩm đón Tết. Kể cũng lạ, cả năm người ta thường tính việc bằng ngày dương lịch nhưng tháng Chạp như có một đặc quyền riêng khiến người ta bỗng dưng đổi sang tính thời gian ngày Âm lịch. Cữ 20 trở đi, điều đó càng rõ. Cứ mở miệng là hỏi nhau hăm mấy Tết rồi nhỉ. Rồi rủ nhau đi mua sắm Tết, rủ nhau đi lễ chùa, đi chợ hoa… Cứ thế, những ngày tháng Chạp cũng trở nên thiêng liêng hơn trong thành kính những công việc chuẩn bị cho các tập tục cổ truyền.

Tháng Chạp cũng là phiên khúc của sự sum vầy, hội ngộ. Cuối Chạp, khắp làng trên xóm dưới đã xôn xao những lời thăm hỏi con nhà này, cháu nhà kia hăm mấy Tết thì về…Và như có thần giao cách cảm, những đứa con xa xứ cũng chộn rộn niềm hạnh phúc sum họp, trong sâu thẳm trái tim lại lâng lâng dâng lên vị Tết quê nhà. Dẫu phải chen lấn tàu xe vẫn không phiền lòng mà hồi hộp mong ngóng phút giây được gói bánh cùng mẹ cha, được quây quần cùng anh em bên nồi bánh chưng chờ trời sáng, được gặp lại bạn bè thuở ấu thơ, được thảnh thơi rảo bước trên bờ đê làng bình yên…

Mùa xuân ấm áp về cùng những câu đối Tết
Mùa xuân ấm áp về cùng những câu đối Tết

Tháng Chạp như ngưng lại không trôi đi được cùng bao nhiêu việc phải làm cho một năm đã qua, cho một năm đang tới. Ấy vậy mà, sáng nay bước ra thềm nhà, một nụ đào đã xòe cánh tỏa hương… Ta biết, tháng Chạp đã cất bước nhường chỗ cho mùa xuân đang về. Trong miên man niềm hoài niệm, ta lại mường tượng về một sớm xuân ấm áp, cụ cố ngoại ta trải chiếu bên hè, cánh mai vàng nhẹ rơi trên đĩa mực tàu, cụ cầm chiếc bút lông cán đã lên nước bóng loáng viết câu đối Tết, màu mực tàu óng ánh trên phong giấy đỏ tươi, nhắn nhủ con cháu bao lời dạy thâm sâu mà chan chứa nghĩa tình…. Dáng cụ ngồi khoan thai như đã trút bỏ hết những lo toan, nhọc nhằn, chỉ còn lại sự thảnh thơi đón chờ xuân mới…

Thêm một tháng Chạp nhiều cảm xúc và niềm hoài niệm nữa lại đã đi qua! Phút giao mùa, lòng ta như cũng nghiêng xuống cùng tháng Chạp trong niềm luyến nhớ chơi vơi…

Cuối Chạp năm Tân Mão

Tùy bút

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast