Trong im lặng

(Baohatinh.vn) - Đầu năm 1965, giặc Mỹ bắt đầu ném bom xuống miền Bắc, Huyện đội trưởng gọi tôi lên, bảo: “Cậu về Vạn Phúc, tăng cường cho chính quyền xã. Vùng đó gần sông, dân ngụ cư đông, tình hình quốc phòng, an ninh phức tạp”.

Vạn Phúc nối với thiên hạ bằng hai con đường. Một, qua sông sang làng Đoài; một, men theo núi Sạc Sơn lên phố Huyện. Đi từ sông lên hay từ núi xuống, đều trông thấy một ngôi nhà mái bằng nhô cao giữa tre pheo. Đấy là nhà cụ Thượng, hậu duệ quan Ngự sử thời Trần Trùng Quang. Năm tôi về đấy, ngôi nhà nom đã già nua, cũ kỹ lắm rồi. Tường gạch lở lói, rêu bám vật vờ, nom buồn tẻ đến nao lòng. Chung quanh nhà, cây vú sữa ken dày.

Tôi vừa đặt chân vào nhà Chủ tịch xã Bùi Đảo, anh ta đã chỉ tay sang nhà cụ Thượng nói: “Điểm theo dõi của công an xã đó”. Lúc ấy, Đảo ngồi trên thềm, toàn thân thẳng đừ trong bộ quần áo vải nâu loang lổ những vòng trắng mồ hôi muối. Tôi hỏi: “Nhà ấy có chuyện gì?”. Đảo dướn người, cặp mắt ti hí nhìn tôi vẻ suồng sã, ranh mãnh: “Cụ Thượng là dòng dõi vua quan phong kiến. Tuy là có tham gia Việt Minh, nhưng chỉ làm cái chân đánh máy chữ nhì nhằng. Cơ mà, cụ ấy chết rồi. Chỉ còn mỗi cô con dâu. Cô ta nảy ra ở thành phố, nghe đâu là nòi giống tư sản. Anh phải tránh xa cô ta ra, tôi dặn anh đấy!”.

Đêm đầu tiên, tôi không ngủ được. Phần mùi ẩm mốc của chăn chiếu, phần thì mưa to, gió lớn. Mưa mùa thu ở miền Trung thường dữ dội vào nửa đêm về sáng. Tôi mở cánh cửa sổ nhìn sang bên nhà cụ Thượng. Vườn cây vú sữa nghiêng ngả, còn ngôi nhà như một cái lô cốt thì thỉnh thoảng lại trắng dã, chao đảo trong ánh chớp. Tôi không lạ chi sấm, chớp, nhưng chẳng hiểu sao lại bị một nỗi sợ hãi mơ hồ ám ảnh.

Trong im lặng ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Sáng ra, ăn bát cơm gạo đỏ với vừng đen xong, tôi đi một vòng quanh làng, gặp gỡ bà con nông dân, hỏi han chuyện làm hầm, đào hào, rồi lên thăm trận địa pháo 12 ly 7 trên sườn núi Sạc Sơn. Ở đâu tôi cũng gặp không khí căng thẳng, khẩn trương và những khuôn mặt đầy vẻ phấn khích. Gần trưa, tôi đến trước nhà cụ Thượng. Một cô gái, tôi đoán là con dâu cụ Thượng, đang quét lá rụng giữa sân. Tôi sững người: cao ráo, da trắng, khuôn mặt xinh xắn. Nhìn kỹ thấy còn trẻ; chưa thể quá hai lăm. Cô ta nói một câu gì đó, tôi nghe không rõ, nhưng không thể là tiếng chào, vì mắt cô ta chẳng hề nhìn tôi. Nghe tôi nói, tôi là người của Huyện đội về giúp xã làm công tác quốc phòng, cô ta im lặng, kéo lê cái chổi lạt xạt trên lối ngõ lát gạch nâu, đi vào nhà. Tôi nóng ran mặt. Tôi thấy mình bị coi khinh, thấy mình thành một kẻ lố bịch.

Trưa ấy, Đảo hỏi: “Anh có nhận xét gì về tinh thần chuẩn bị chiến đấu của nhân dân?”. Tôi nói: “Rất tốt”. Anh ta tỏ vẻ hài lòng, ngật cổ ra cười. Tôi hỏi tên cô con dâu cụ Thượng, Đảo nhìn tôi một lúc lâu, rồi đáp gọn: “Phượng”. Nghĩ sao, anh ta tiếp: “Chồng cô ta là bộ đội đấy”.

Một hôm, chủ tịch xã mang xắc cốt đi đâu đó về, mặt khó đăm đăm, hỏi tôi: “Tôi đã dặn anh tránh xa cái cô Phượng ra chưa nhỉ?”. Tôi đáp: “Rồi” và linh cảm tới một việc chẳng lành nào đó bèn hỏi: “Có chuyện gì vậy?”. Mặt Đảo căng ra: “Có hai chuyện. Một là, Mỹ tung biệt kích ra miền Bắc ta nhiều lắm. Hai là, có tin chồng cô Phượng, thằng Trần Phong Nhân ấy theo giặc rồi”. Tôi hỏi: “Tin từ đâu?”. Đảo cáu kỉnh: “Đã bảo là tin đồn”. Tôi thở hắt ra và nói: “Ra thế!”. Đảo giương mắt: “Ra thế là thế nào? Cứ phải cảnh giác sự trở lại móc mối của chồng cô ta”. “Tất nhiên là thế!” - Tôi nói theo bổn phận, chứ trong lòng thì đang ngổn ngang những ý nghĩ rối rắm khác.

Cái tin chồng Phượng theo giặc làm làng Vạn Phúc ồn ào cả lên. Người ta nói bao nhiều điều, nhìn chung, khó tìm ra chút gì tốt đẹp về Phượng. Họ tỏ thái độ khinh bỉ, cô lập cô ta. Một lần, tôi nói với Đảo: “Làm sao chấm dứt được cái tin đồn về chồng cô Phượng. Nó vu vơ lắm. Chưa có sự ghẻ lạnh của dân làng, cô ta cũng đã đủ khổ rồi. Lấy chồng được hai tháng thì chồng đi bộ đội, một mình nuôi ông bố chồng già nua, lẩn thẩn, đến cái chết cũng rề rà đến rữa hết da thịt”.

Đảo trợn tròn mắt, vẻ ngạc nhiên nhìn tôi. Anh ta lạnh băng: “Biết nhiều, hỉ?”. Rồi cau có: “Không được mất cảnh giác. Tôi đã căn dặn anh là tránh xa cô ta ra. Anh còn nhớ không, hỉ?” - “Nhớ!” - Tôi qua quýt.

Ngày hôm sau, máy bay Mỹ ném bom xuống dọc sông Mênh. Hai con thuyền chở gạo nép dưới gốc bần tan nát hết. Cái cầu tre bốn nhịp, còn mỗi một. Năm người chết, phải đưa tang vào ban đêm. Lần đầu trong đời tôi thấy máu. Chủ tịch xã càu nhàu: “Thuyền nấp kín thế, mà sao chúng nó biết, ném trúng phắp”. Rồi độp hỏi tôi: “Cô ta vẫn ở trong nhà chứ?”. Tôi mệt mỏi đáp: “Không biết”.

Tiếp đó, thật gian nan: ngày nào cũng có bom nổ, người chết, nhà cháy. Dân làng, người thì trực súng, người thì lên rừng chặt lá gánh xuống quốc lộ 1 lấp hố bom. Phượng không được làm việc gì cả vì cô không phải dân quân, du kích. Đảo giải thích: “Ở chiến trường là bộ đội, ở hậu phương là dân quân du kích. Lực lượng đánh Mỹ phải chọn lựa”. Nhiều lần, tôi bắt gặp Phượng đứng trong vườn vú sữa nhìn ra đường. Tôi đoán biết cô ta buồn lắm, tủi thân lắm. Và cứ như thế, ngày này sang ngày khác. Tôi không dám sang nhà Phượng. Tôi sợ liên lụy.

Một đêm mưa gió, chừng gần sáng, tôi choàng tỉnh. Tôi hé cửa sổ nhìn sang nhà Phượng. Một cảnh tượng kỳ lạ hiện lên trước mắt tôi: Phượng dắt tay một người đàn ông chạy giữa vườn cây vú sữa. Chớp lóe sáng kịp cho tôi thấy lưng áo loáng nước của họ biến nhanh sau cánh cửa. Hình như tôi nghe được tiếng cười khúc khích, tiếng kéo chốt cửa lậc khậc. Tôi dắt khẩu K54 vào lưng quần, lao ra khỏi nhà, rồi mò mẫm, trầy trật trên mặt đất lồi lõm trong bóng tối lạnh quánh. Cổng nhà Phượng không đóng, cánh cửa hệt hai tà áo dài mở ra, khép vào. Ngôi nhà im lìm. Không một tia sáng. Mưa rả rích. Tôi nép người sau gốc cây vú sữa, cách bờ thềm một bước nhảy, căng mắt nhìn.

Người đàn ông ấy là ai? Biệt kích? Người tình? Cô ta rững mỡ sao? Tỏ vẻ đoan trang, tỏ vẻ kiêu hãnh thế mà vậy ư? Ý nghĩ tán loạn trong đầu tôi. Tôi cắn răng kìm nén những cơn run vì lạnh. Bốn phía chung quanh tôi, mọi vật hiện rõ dần trong ánh ngày. Vẫn không thấy người đàn ông kia trở ra, cũng không nghe một động tĩnh nào khác ngoài tiếng mưa gió và tiếng ễnh ương ì ộp đây đó. Tôi phải quay về. Sự thể sẽ rắc rối ra, nếu có ai trông thấy tôi ở trong vườn nhà cô ta. Tôi vừa nhấc chân, quay người thì một tiếng nói vang lên sau lưng: “Anh bộ đội ở đấy à?”. Từ khi nhập ngũ đến lúc ấy, tôi đã trải qua nhiều tình huống, kể cả tình huống giả định trong các bài tập, nhưng chưa có tình huống nào oái oăm, trớ trêu thế. Tôi định bắt người ta, rốt cuộc, người ta tóm ót tôi.

Tôi vội lên giọng, hỏi: “Cô dẫn ai về nhà?”. Dường như cô ta cười, cười cho câu hỏi vô ích của tôi, cười cho vẻ thảm hại của tôi, rồi nói như ra lệnh: “Vào nhà mà nhìn”. Tôi đi theo cô ta. Không khí trong nhà ấm áp. Phượng hỏi: “Lục soát không?”. Tôi lặp lại câu hỏi: “Cô dẫn ai vào nhà?”. Phượng chỉ tay vào mặt tôi: “Người vào nhà tôi ư? Chính là anh”. Tôi kêu lên: “Là tôi?”. Phượng rành rẽ: “Tôi gọi Chủ tịch Đảo sang làm chứng nhé. Hay tôi hô hoán cho cả làng biết là anh mò vào chim chuột tôi”. Tôi run lên vì tức, vì sợ, mà có lẽ vì sợ lớn hơn. Tôi chỉ biết cắn vào môi. Phượng nói: “Giờ thì về đi. Khéo thiên hạ trông thấy, rách chuyện”. Tôi vừa rời khỏi chỗ ngồi thì Đảo ập vào phòng. Tôi theo dõi cô ta, còn Đảo thì theo dõi tôi, trời ạ!

Nhiều ngày sau đó, tôi cũng chưa hết kinh ngạc về cái đêm trớ trêu ấy. Và còn dày vò ân hận nữa... Tôi căm giận Phượng. Tôi không nhìn vào nhà cô ta, không có ý gặp cô ta. Nhưng dường như Phượng lại tìm mọi cách để gặp tôi. Cô ta thường ra cổng mỗi khi tôi có việc đi qua. Cô ta như béo hơn, đẹp hơn, mặt mũi cứ ngời ngợi bởi một hạnh phúc nào đấy. Bẵng đi một thời gian, một bữa, Đảo nói với tôi: “Nó hư hỏng rồi, nó có thai rồi.” Tôi hỏi: “Ai?”. Đảo đáp: “Con Phượng”. Rồi chép miệng, nháy nháy mắt: “Mà thằng nào tài giỏi thế không biết”. Tôi giật mình. Một cảm giác như là buồn, như là lo lắng dòa lên trong lòng.

Ngay đó, tôi nhớ tới cái đêm tôi ở trong nhà cô ta, tờ biên bản Đảo bắt tôi ký và lặng người, tim thắt lại. Đảo bỏ đi. Sẵn chai rượu uống dở, tôi không buồn rót ra chén mà dốc ngược vào miệng. Rượu đắng nghét trong cổ họng và nóng bừng bừng trên mặt. Tôi thấy bức bối, thấy mọi vật chung quanh chao đảo. Tôi chạy ra khỏi nhà. Đường làng vắng tanh. Tôi đi ngược chiều gió, chợt nhận ra là gió nồm lạc vào cuối tháng 10. Lúc đến cây đa đầu làng, tôi bỗng nghe tiếng huỳnh huỵch, tiếng cành cây gãy răng rắc và cả tiếng thở hổn hển giữa những bụi điền thanh sau miếu Thành Hoàng làng, trong bóng đêm giống hệt một cây rơm. Tôi dón chân bước lại gần và thấy một người đàn ông đang hùng hục lật ngửa một người đàn bà, còn người đàn bà thì giãy giụa, quẫy đạp một cách điên loạn. Tôi nhận ra Phượng.

Nhiều năm sau, mỗi khi nhớ lại, tôi cũng không hiểu điều kỳ diệu nào giúp tôi nhận ra cô ta trong bóng đêm không trăng sao ấy. Tôi nhảy tới, giáng một cú đấm xuống đầu người đàn ông. Nắm đấm không do dự, khiến hắn bổ ngửa còn lăn thêm mấy vòng. Tôi đỡ Phượng dậy, giúp cô ta khép lại tà áo che khuôn ngực trắng lôm lốp. Người ấy là Đảo. Hắn kêu toáng lên “Bắt lấy ả ta. Ả ta đi móc nối với biệt kích đấy”. Tôi thở dốc, ngồi bệt xuống cỏ. Còn Phượng thì lồng lộn trước mặt Đảo. Cô ta nói những lời tôi không ngờ: “Đồ đĩ đực. Đồ chó má”. Rồi Phượng bỏ đi, không hề chào tôi, không một lời cảm ơn.

Đảo lồm cồm bò dậy, chỉ tay vào mặt tôi mà rít lên rằng, tôi đồng lõa với những kẻ lý lịch mờ ám, rằng tôi chống chính quyền xã, rằng, sẽ tố cáo tôi, sẽ đẩy tôi ra khỏi làng… Ông ta làm điều đó thật. Mờ sáng, mặt sưng, mày sỉa với tôi một lúc, rồi Đảo khoác cái xắc cốt màu vàng nghệ, nhảy lên xe đạp. Ông ta lên huyện. Mấy ngày sau, tôi nhận được giấy triệu tập về cơ quan. Thủ trưởng nhắc đi, nhắc lại mỗi một câu: “Sao lại thế? Sao lại thế? Sao lại thế? Sao anh không bảo vệ người của chính quyền”. Vậy rồi, tôi bị chuyển sang phục vụ bếp ăn Huyện đội. Chắc tiếc tuổi trẻ, sức khỏe, sự nhanh nhẹn của tôi, Huyện đội trưởng cho tôi theo Đại đội dân công hỏa tuyến vào thẳng mặt trận B5.

***

Sau ngày giải phóng miền Nam, 30 tháng Tư năm 1975, tôi chuyển sang công nhân xây dựng. Một cô gái Quảng Nam thương yêu tôi. Chúng tôi cưới nhau. Rồi có liền hai đứa con. Tôi xin cho vợ nghỉ mất sức về ở với bố mẹ tôi. Lăn lóc vì cái ăn, cái mặc, những chuyện ở làng Vạn Phúc ấy lắng đọng trong lòng như bao lớp lắng đọng của bao chuyện khác. Rồi đến một ngày, tôi nhận được một bức thư. Người viết thư cho tôi là Trần Phong Nhân. Tôi bỗng nhớ ra Trần Phong Nhân là tên chồng cô Phượng ở làng Vạn Phúc. Thư chỉ mấy dòng viết là có nhiều chuyện liên quan giữa gia đình ông ta với tôi nên chi rất cần, rất mong được gặp tôi. Qua mấy chủ nhật, tôi mới về được Vạn Phúc. Không khó khăn gì để nhận ra nhà Phượng giữa lô nhô nhà cao tầng, chóp nhọn, giàn ăng-ten. Vườn cây vú sữa không còn nữa, nói đúng hơn chỉ còn một cây. Nó cũng già nua và cũ kỹ như ngôi nhà. Cánh cổng gỗ, đêm nào đấy lắt lay như tà áo, dĩ nhiên, cũng không còn nữa.

Một người đàn bà ngồi dưới gốc cây vú sữa trên cái ghế gỗ có tay vịn. Chị mặc bộ áo quần màu đen, tóc búi cao, đang chăm chú nhìn cái gì đó trong khoảng không. Tôi sững lại. Người ấy là Phượng. Vẫn khuôn mặt ấy, hơi ngước lên. Trắng xanh. Phượng không trông thấy, hoặc không để ý đến tôi và hình như tâm trí đang phiêu diêu ở một cõi nào khác. Tôi bối rối chưa biết xử sự ra sao thì một người đàn ông dáng rất thẳng hiện ra nơi thềm nhà. Tôi đoán đấy là Trần Phong Nhân.

Ông bắt tay tôi, nói: “Mời anh đi lối này!”. Ông dẫn tôi vào nhà, theo cái lối mà hai mươi năm trước bước quáng quàng theo Phượng. Ông rót nước mời tôi uống, rồi hỏi: “Anh là Nguyễn Huy Chung từng công tác ở làng này năm 65, 66 phải không?”. Tôi nhíu mày, cảm thấy mạch máu giật giật hai bên thái dương. Nếu mà trước kia, dạo mới ở chiến trường ra, nghe thứ giọng bề trên ấy, chắc tôi đã nổi nóng, hoặc bỏ đi. Nhưng nay thì không, những nổi nênh nhân thế đã dạy tôi biết nín nhịn.

Tôi đáp khẽ: “Phải”. Ông Nhân nói: “Tôi biết thế nào anh cũng về”. Bất giác, tôi thấy thon thót hai bên mạng sườn và tôi hỏi: “Phượng bị bệnh gì vậy?”. Ông Nhân cụp mi mắt, đáp: “Thần kinh. Dây thần kinh căng như dây đàn hàng chục năm làm sao mà chịu nổi”. Tôi quay nhìn ra ngoài, dõi tìm Phượng. Cánh cửa gỗ chắn cái nhìn của tôi. Tôi đẩy cái ghế đứng dậy, hỏi: “Còn chuyện gì nữa? Chuyện gì liên quan với tôi?”.

Ông Nhân nói: “Chuyện con trai tôi. Nó là con tôi nhưng trong giấy khai sinh, anh là cha nó. Năm 1966, Phượng sinh con, tôi ở xa. Ông Đảo - Chủ tịch xã không khai sinh cho con, Phượng cực chẳng đã phải khai anh là cha của con tôi. Chứng cớ là cái biên bản ông Đảo làm vào cái đêm mưa gió ấy”. Tôi nói: “Không thể như thế được!”. Ông Nhân chậm rãi: “Sự thể là thế. Chiến tranh chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Người Phượng dẫn vào nhà đêm mưa gió xưa kia ấy chính là tôi. Sau thời gian học tập, huấn luyện, tôi được về với vợ trước khi đi nhận nhiệm vụ bí mật”. Lặng một lúc, ông nói tiếp: “Phượng làm thế là để đối phó với hoàn cảnh, đối phó với ông Đảo. Và để bảo vệ tôi nữa”.

Vừa lúc ấy, Phượng đi vào nhà. Một người đàn bà có vẻ ngơ ngẩn lẫn trong vẻ đẹp thuần khiết. Người ấy mặc đồ đen, mỏng manh như một cái bóng, lặng lẽ tiến về phía tôi và chăm chăm nhìn tôi. Tôi thấy nhói đau trong ngực. Ông Nhân nhẹ nhàng đỡ lấy cánh tay vợ, dẫn vào phòng trong. Người đàn bà ấy, người đàn ông ấy đã im lặng chịu bao nỗi cực khổ, mất mát, hy sinh suốt cuộc chiến tranh. Tôi nghĩ, dõi nhìn theo họ, mắt bỗng rưng rưng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast