Nhà văn Sơn Tùng - “thép đã tôi thế đấy”

(Baohatinh.vn) - Tôi xin mượn tên tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” nổi tiếng của nhà văn Nikolai Alexeevich Ostrovsky (Nga) để gọi nhà văn Sơn Tùng như vậy.

Nhà văn Sơn Tùng - “thép đã tôi thế đấy”

Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tôi tin chắc rằng, nếu ai đã từng đọc tác phẩm đó, cũng sẽ đồng cảm với tôi: Sơn Tùng đã hóa thành nhân vật Pa-Ven của Việt Nam giữa đời thường. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, được trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ông xứng đáng là tấm gương sáng cho tuổi trẻ nhiều thế hệ học tập về bản lĩnh, nghị lực, phẩm chất, ý chí lao động miệt mài và lòng thủy chung son sắt với Đảng, với Nhân dân, sự khát khao lý tưởng cách mạng.

Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng sinh ngày 8/8/1928, tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho nghèo, nổi tiếng hiếu học. Từ năm mười tám tuổi, ông đã tạm biệt quê nhà đi kháng chiến.

Ông bắt đầu tham gia làm tuyên truyền viên của ngành Văn hóa tỉnh Nghệ An trong các phong trào kháng chiến sổi nổi, rầm rộ diễn ra tại liên Khu IV. Sơn Tùng đã sớm trưởng thành, năm 21 tuổi, ông đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau đó, Sơn Tùng được đi học một lớp đào tạo ngắn hạn tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (tiền thân Trường Tuyên huấn Trung ương) để trang bị thêm kiến thức lý luận chính trị.

Khi làm việc ở lĩnh vực tuyên huấn, Sơn Tùng là một cán bộ tuyên huấn xuất sắc. Năm 1962, Sơn Tùng rời địa hạt tuyên huấn, chuyển sang nhận nhiệm vụ mới - phóng viên Báo Tiền Phong. Càng làm báo, Sơn Tùng càng dạt dào cảm xúc, khi được chứng kiến cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đầy bi tráng của dân tộc. Ông luôn có niềm tin mãnh liệt ngày thắng lợi huy hoàng, ngày non sông thu về một mối. Niềm tin ấy đã giục giã ông như cánh chim không mỏi bay tới những vùng đất, vùng rừng xa xôi, những chiến hào trận địa còn khét mùi bom đạn.

Nhà văn Sơn Tùng - “thép đã tôi thế đấy”

Nhà văn Sơn Tùng (thứ 2 từ trái sang) trong một lần thăm làng Sen quê Bác. Ảnh: internet

Năm 1965, Sơn Tùng là đặc phái viên của Báo Tiền Phong, thường xuyên có mặt tại tuyến lửa khu Bốn, từ Cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa, Truông Bồn - Nghệ An, Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh đến chiến trường Quảng Trị. Từ những lò lửa thử thách này, “chất thép” trong con người Sơn Tùng “càng rắn, càng chắc, càng vững” hơn bao giờ hết.

Năm 1967, Sơn Tùng cùng một số đồng nghiệp trẻ của mình xung phong vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Từ chiến trường gần đến chiến trường xa, ở đâu Sơn Tùng cũng nghiêm túc ghi chép từng sự kiện nóng hổi. Hàng trăm bài báo của Sơn Tùng đã được bạn đọc cả nước và quốc tế quan tâm. Thời ấy, Sơn Tùng nổi tiếng nhất trong tòa soạn Báo Tiền Phong về “khỏe sức đi, khỏe sức đọc, khỏe sức viết”.

Sơn Tùng là người có nhiều nét trội của tố chất xứ Nghệ, khảng khái mà chân thành, nghiêm túc mà gần gũi. Tôi nghĩ, nhờ tố chất ấy, đã làm nên một nhân cách nhà báo, một nhà văn, một thi sĩ Sơn Tùng.

Tôi còn nhớ vào một buổi chiều tháng 3 năm 1976, trong chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, giới thiệu bài hát mới “Chiếc nón bài thơ” nhạc của Cao Việt Hòa, phổ thơ Sơn Tùng, do Nghệ sĩ Kiều Hưng trình bày. Bài hát thấm đẫm tình yêu quê hương và con người xứ Nghệ, tràn đầy lạc quan trong không khí của đất nước hòa bình lại được sự truyền cảm bằng “giọng ca vàng”, nên cả đơn vị chúng tôi từ cán bộ tới chiến sĩ, rất yêu thích.

Thế rồi, không ít người đã dành thời gian ghi trọn được bài hát đó, trong chương trình tập bài hát mới của đài, phổ biến nhanh cho “cánh lính” cùng nhau ôm vai, bá cổ hát. Tập bài hát đó, tham gia dự thi văn nghệ quần chúng toàn quân khu Bốn. Bài thơ ấy, nghe đâu đã được đăng trên báo Thống Nhất, tôi chưa được đọc, nhưng những lời thơ da diết qua nhạc, đến bây giờ vẫn còn gieo vào lòng tôi: “Em gửi cho anh chiếc nón bài thơ xứ Nghệ/ Mang hình bóng quê hương/ Dệt vào đây trăm mến ngàn thương/ Nón bài thơ/ Em đội nón bài thơ đi đón ngày hội mới/ Nước non ta nay liền một dải/ Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ../ Ơ hơ.. anh tặng em..”.

Tôi là một người mê thơ và yêu âm nhạc, nên gặp những bài hát hay như thế cũng rất dễ mềm lòng. Nhưng tôi còn khâm phục hơn, ngưỡng mộ Sơn Tùng hơn ở sự nỗ lực phi thường để chiến thắng bệnh tật, thương tích trên người, ngưỡng mộ sức lao động và nghệ thuật sáng tạo của ông qua các tác phẩm văn học.

Nhà văn Sơn Tùng - “thép đã tôi thế đấy”

Tác phẩm Búp sen xanh của Nhà văn Sơn Tùng.

Mệnh lệnh trái tim và nhiệm vụ vinh quang của người cầm bút, trở thành tiếng gọi thiêng liêng, luôn thúc giục lên đường ra trận. Vào một buổi sáng tháng 4 năm 1971, nhà văn Sơn Tùng đã luồn sâu vào căn cứ Tà Nốt ở chiến khu D (tỉnh Tây Ninh) để thu thập tin tức. Tại đây, ông đã bị đột kích, một mảnh pháo nhọn sắc đã xuyên qua đầu khiến Sơn Tùng ngất xỉu tại chỗ.

Trong làn đạn địch xối xả, ông Nguyễn Minh Triết (sau này là Chủ tịch nước) - một người đồng chí thân thiết cùng cơ quan đã cõng nhà văn Sơn Tùng chạy qua những cánh rừng xác xơ bị cày xới vì bom đạn vào bệnh viện dã chiến cấp cứu khi máu ròng ròng chảy ướt đẫm tấm áo sau lưng.

Sơn Tùng trở thành thương binh hạng 1/4 từ đấy.

Dẫu bị tổn thất lớn về sức khỏe, nhưng Sơn Tùng vẫn không bi quan chán nản, vẫn nuôi dưỡng sức viết trên chiếc bàn nhỏ, trong căn nhà chật chội ở khu tập thể Văn Chương (Hà Nội). Từ năm 1974 trở đi, nghiệp văn của Sơn Tùng bắt đầu phát lộ và điều đặc biệt hơn nhiều nhà văn khác, Sơn Tùng đã dành trọn cả cuộc đời để sưu tầm, khám phá và xây dựng nhiều tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong 21 tác phẩm của ông đã in thành sách, có 13 tác phẩm viết về Bác Hồ với nhiều thể loại khác nhau. Đặc biệt là tác phẩm “Búp sen xanh” tái bản hơn 30 lần và đã được dịch ra nhiều nước trên thế giới.

Cuốn sách này có “đề tựa” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Chúng ta có một khẩu hiệu rất đúng, rất hay: "Chủ tịch Hồ Chí Mĩnh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”. Đúng như vậy, Hồ Chủ tịch sống mãi trong những tư tưởng và tình cảm lớn, trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Nhân dân Việt Nam ta, của mọi người chúng ta. Đồng thời, Hồ Chủ Tịch cũng sống mãi trong những tác phẩm văn học nghệ thuật, có giá trị diễn tả cuộc đời đã trở thành lịch sử đẹp nhất và vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

Mặc dù tiểu thuyết “Búp sen xanh” lần đầu tiên xuất bản đã gây không ít tranh luận trên văn đàn nhưng nhà văn Sơn Tùng đã trở thành người “tạc tượng bằng chữ” thành công nhất về Bác. Tôi đã nhiều lần đọc tác phẩm “Búp sen xanh” và lần nào cũng thấy bồi hồi xúc động bởi đằng sau những con chữ mộc mạc là tình yêu da diết gia đình, dòng họ, xóm làng của Bác Hồ thời thơ ấu. Sở dĩ tác phẩm “Búp sen xanh” được công chúng trân trọng nâng niu và đón nhận bởi nhà văn Sơn Tùng đã có một thời gian dài tìm hiểu, ghi chép công phu lại có một kiến thức tích lũy của mình về vốn sống lịch sử, vốn sống văn hóa vùng miền, vốn sống văn hóa dân tộc mới đạt được đỉnh cao ấy.

Năm 2010, trước khi rời cương vị Chủ tịch nước, đích thân ông Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng và đến tận Hội Nhà văn trao quyết định.

Nhà văn Sơn Tùng - “thép đã tôi thế đấy”

Vợ chồng bà Hồng Mai - ông Sơn Tùng thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) trong chuyến đi năm 1975. Ảnh: internet

Nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng, không thể không nhắc tới sự tận tụy hy sinh thầm lặng của bà Phan Thị Hồng Mai - nguyên là một nữ y tá cứu thương, người đã từng chăm sóc cho ông trong chiến tranh, sau này trở người vợ rất mực thủy chung, giúp ông chiến thắng bệnh tật hằng ngày.

Bà Hồng Mai cũng giống như nhân vật chị Thai-A trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, đã giúp Pa-Ven hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Ra đời trong bão táp”.

Với nhà văn Sơn Tùng, sống được cống hiến là cuộc đời mới có ý nghĩa. Sinh thời ông tâm đắc quan điểm sống của Pa-Ven: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống làm sao cho khỏi xót xa ân hận, bởi những năm tháng đã sống hoài, sống phí cho khỏi hổ thẹn về dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt, xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng loài người”.

Nhà văn Sơn Tùng đã về cõi vĩnh hằng, chắc ông sẽ không ân hận vì mình đã làm trọn những điều mình đã sống và viết.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast