40 người trong một xã ở Nghệ An bị chó dại cắn

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Bùi Đình Long cho biết ngành y tế địa phương đã cử nhiều cán bộ chuyên môn xuống xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên), tập trung ngăn chặn, khống chế ổ dịch bệnh dại không để lây lan ra các xã xung quanh.

40 nguoi trong mot xa o nghe an bi cho dai can

Sáng 29/9, ở xã Hưng Trung nhiều con chó nhà vẫn chạy rong khắp nơi.

Sáng 30/9, chúng tôi có mặt tại địa bàn xã Hưng Trung, nơi có 40 người bị có dại cắn, một nạn nhân tử vong. Chị Nguyễn Thị Hoa (trú tại xóm 8) cho biết: “Người dân ở đây nếu bị chó cắn họ thường uống thuốc nam, trong xóm bảo nhau uống thuốc nam từ thầy lang sẽ khỏi. Tuy nhiên, sau khi thấy chị Hoàng Thị Hảo ở xóm 2 cũng uống thuốc nam nhưng đã tử vong nên chúng tôi mới tìm thầy thuốc tây để tiêm phòng bệnh dại”. Có gia đình có đến 6-8 người bị chó dại cắn.

Chị Võ Thị Diệu, xóm 2 Hưng Trung kể: “Tôi đã tiếp xúc, chăm sóc chị Hảo khi chị ấy còn sống cho đến lúc mất. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, giờ muốn tiêm phòng dại cũng mất gần 1 triệu/1 người, sắp tới tôi phải đi vay mượn để tiêm phòng, chứ không tiêm phòng thì nhiều rủi ro”. Do kém hiểu biết về bệnh dại, thay vì đi tiêm vắc xin phòng dại, nhiều người tự tìm đến thầy lang, bốc thuốc nam chữa trị.

Trước đó, ngày 15/7/2016, chị Hoàng Thị Hảo (xóm 2, Hưng Trung) bị chó cắn ở chân, được cán bộ Y tế xóm xử trí vết thương và tư vấn đi tiêm vắc xin phòng dại. Sau đó, chị Hảo đến Bệnh viện huyện Nghi Lộc tiêm vắc xin phòng uốn ván chứ không tiêm vắc xin phòng dại, mặc dù đã được cán bộ y tế ở đây tư vấn một lần nữa. Về nhà, chị tự đi mua thuốc nam uống. Ngày 27/9/2016, chị Hảo đã tử vong sau một ngày lên cơn dại vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.

Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An thành lập Đoàn và tiến hành điều tra, giám sát ngay trong ngày 28/9/2016. Sở Y tế đã làm việc với xã Hưng Trung, Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên. Kết quả điều tra cũng đã xác định 22 trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp tử vong, trong đó có 6 người con của nạn nhân.

“Tăng cường truyền thông trên loa truyền thanh xã, xóm để người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh dại. Đặc biệt, cần làm cho người dân hiểu tiêm vắc xin là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại, tiêm càng sớm càng tốt, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị”, GĐ Sở Y tế Nghệ An Bùi Đình Long nói. Sở cũng yêu cầu thông tin chi tiết về vắc xin phòng dại và giá dịch vụ để người dân được biết.

Theo Tiền phong

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast