Giải pháp nào để giành vụ hè thu “ăn chắc"?

Thu hoạch lúa vụ đông xuân 2010 - 2011 chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến việc triển khai sản xuất vụ hè thu tới. Vấn đề khó nhất hiện nay là phải cơ cấu giống lúa hợp lý và gieo cấy kịp thời vụ. Để vụ hè thu đảm bảo “ăn chắc", ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang tích cực triển khai những giải pháp cấp bách..

Cơ cấu giống ngắn ngày

Rét đậm, rét hại kéo dài từ đầu năm đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng vụ đông xuân 2010 – 2011. Không những thế, một số địa phương có nhiều diện tích lúa bị chết rét phải tiến hành bắc mạ để gieo cấy lại. Vì vậy, thu hoạch vụ đông xuân chắc chắn chậm so với lịch thời vụ ít nhất 15 – 25 ngày.

Việc triển khai sản xuất vụ hè thu tới sẽ hết sức căng thẳng về lịch thời vụ. Khó khăn trên được coi là một hiện tượng vì chưa từng xẩy ra tại Hà Tĩnh. Làm thế nào để vụ hè thu 2011 thu hoạch trước mùa mưa bão nhưng vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng là câu hỏi làm đau đầu các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại các cuộc hội thảo do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tổ chức về đề án sản xuất vụ hè thu – mùa 2011 thì giải pháp được quan tâm nhất là cơ cấu giống ngắn ngày. Theo tính toán thì phải sử dụng giống lúa dưới 100 ngày mới đảm bảo lịch thời vụ.

Thu hoạch lúa đông xuân muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến thời vụ sản xuất lúa hè thu. Ảnh minh hoạ
Thu hoạch lúa đông xuân muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến thời vụ sản xuất lúa hè thu. Ảnh minh hoạ

Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã đưa ra một số cơ cấu giống lúa hè thu dưới 100 ngày gồm: PC6, IR50404, VT–NA1, QR1, TH3-3. Tuy nhiên, qua soát xét lại lượng giống lúa trên tại các đơn vị, công ty có thể cung ứng trên địa bàn để gieo cấy vụ hè thu mới có khoảng gần 800 tấn, trong đó 220 tấn PC6, 160 tấn IR500404, 120 tấn QR1, 60 tấn VT- NA1, 200 tấn TH3-3.

Lượng giống trên chỉ đáp ứng được 1/3 diện tích theo kế hoạch. Vì vậy, các địa phương cần chủ động, rà soát cụ thể lượng giống trong dân, đồng thời liên hệ với các đơn vị cung ứng giống trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu giống trên cho bà con nông dân.

Nếu các loại giống trên không đáp ứng đủ thì ngành nông nghiệp đã tính toán căn cứ vào thời gian thu hoạch lúa đông xuân của các địa phương để có thể sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày như: Khang dân 18, Xuân Mai 12, HT1, IR352… nhưng thời gian thu hoạch phải đảm bảo trước 20/9. Áp dụng đối với lúa trổ từ 5-10/5 thu hoạch từ 5-10/6, bắc mạ kết thúc 30/5, cấy trước 18/6; thời gian mạ 12 – 18 ngày và ở những vùng đất cao ít ngập lụt.

Cơ cấu giống còn phụ thuộc vào điều kiện đất đai, trình độ thâm canh và thời gian trổ, thu hoạch lúa đông xuân của từng địa phương để xác định thời vụ bắc mạ của từng giống. Vì vậy, việc xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng loại giống là hết sức quan trọng để thu hoạch lúa hè thu trước mùa mưa bão.

Gặt đến đâu, làm đất tới đó

Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp, để gieo cấy lúa hè thu kịp thời vụ thì chỉ có cách gặt lúa đông xuân đến đâu, làm đất vụ hè thu tới đó. Đây được coi là giải pháp hết sức quan trọng và sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.

Để khắc phục những khó khăn về lịch thời vụ, trước tiên cần tuyên truyền sâu rộng tới người dân về tư tưởng chỉ đạo, đồng thời thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong quá trình thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phải chỉ đạo bà con nông dân không tháo cạn nước, gặt lúa phải cắt sát gốc rồi dọn sạch rơm rạ và phụ phẩm trên ruộng để tiến hành làm đất vụ hè thu ngay sau khi gặt xong.

Yêu cầu số một trong sản xuất lúa vụ hè thu tới là sử dụng giống ngắn ngày
Yêu cầu số một trong sản xuất lúa vụ hè thu tới là sử dụng giống ngắn ngày

Tuy nhiên, để gặt và làm đất nhanh cần đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Việc đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp như ở Can Lộc là một lợi thế cho địa phương này đảm bảo kịp thời vụ cho sản xuất vụ hè thu. Các địa phương khác cũng cần tính đến việc thuê cơ giới hóa trong quá trình thu hoạch và làm đất nhằm đảm bảo theo đúng kế hoạch.

Bà con nông dân cần phải bắc mạ để cấy, nếu không có đất chuyên mạ thì nhổ dồn lúa đông xuân để lấy đất bắc mạ. Mặt khác, hạn chế tối đa diện tích gieo thẳng, đặc biệt là những diện tích thu hoạch sau 15/6. Đặc biệt, tận dụng tối đa cấy mạ non thời gian từ 12 -15 ngày tối đa 18 ngày để thâm canh rút thời gian sinh trưởng của cây. Khi vận chuyển mạ tránh gây tổn thương dập nát mạ và xúc đến đâu đặt tới đó.

Cần phải giữ nước trong các hồ chứa để phục vụ sản xuất vụ hè thu. Vụ đông xuân đang có nước đệm ở ruộng và mực nước sông còn cao phải tranh thủ bơm, tránh lãng phí nguồn nước ở các hồ chứa. Các đơn vị quan lý khai thác các công trình thủy lợi cần phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, cân đối lại nguồn nước hiện có tại các hồ, đập, sông suối trên địa bàn để bố trí cơ cấu sản xuất cho phù hợp. Xác định rõ diện tích chủ động nước để gieo cấy lúa, diện tích vùng không chủ động nước để chuyển đổi cơ cấu, đồng thời lập phương án chuyển đổi cơ cấu gieo trỉa cây trồng khác.

Các địa phương nên rà soát, củng cố hệ thống bơm điện, tách điện trạm bơm ra khỏi điện sinh hoạt để chủ động bơm nước khi điện lực điều tiết điện. Những diện tích do thu hoạch lúa đông xuân quá muộn không kịp thời vụ gieo cấy lúa hè thu, căn cứ vào điều kiện cụ thể để chuyển sang gieo trồng cây cạn như đậu, các loại rau, kiên quyết không để hoang diện tích.

Những giải pháp trên là tư tưởng chỉ đạo chung của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh nhằm giành vụ hè thu thắng lợi toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành cùng chính quyền địa phương để thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới đạt kết quả như mong muốn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast