Sống cùng bom đạn thời hiện đại

Dù phải trả giá bằng những vết thương, tàn tật trên cơ thể, thậm chí cả cái chết nhưng nhiều người dân ở Hồng Vân (Thừa - Thiên Huế) vẫn phải dò bom đạn bán phế liệu mưu sinh.

Buổi sáng, những em nhỏ thôn Kà Cú 1 (xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên Huế) lên nương với gùi và "máy" dò miểng bom. Nương của người dân ở đây nuôi sống họ bằng sắt vụn của bom mìn thời chiến tranh cách đây trên 30 năm.

Buổi sáng, những em nhỏ thôn Kà Cú 1 (xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên Huế) lên nương với gùi và "máy" dò miểng bom. Nương của người dân ở đây nuôi sống họ bằng sắt vụn của bom mìn thời chiến tranh cách đây trên 30 năm.

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 2

Những "thần chết" này vừa là "miếng cơm" nuôi sống họ nhưng cũng có thể giết chết họ bất cứ lúc nào.

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 3

"Chén cơm manh áo" của xã Hồng Vân gửi cả ở nơi kho bom mìn này. Anh Thiết, một người làm nghề này chậm rãi kể: "Nhà nghèo, 4 đứa con, không ruộng chi mô, sống bằng cái máy dò mìn ni".

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 4

Những năm 80-90, anh Lê Văn Thiết và chị Căn Val, một trong những gia đình ở Hồng Vân ngày ngày vào rừng, theo chân đoàn người thôn Kà Cú 2 đi dò phế liệu, miểng bom, đào lên đem về trong thôn bán lại cho các chủ vựa thu gom phế liệu. Khi máy báo có kim loại trong lòng đất là họ bắt đầu dùng cuốc để đào bới. Các anh không thể biết trước dưới đấy là miểng bom đã nổ hay chưa. Tử thần luôn rình rập.

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 5

Với mỗi gia đình ở thôn Kà Cú, chiếc máy dò miểng bom trở thành tài sản quý như đồ gia bảo. Em Hồ Văn Cuồng đang thu hoạch miểng bom bằng loại dụng cụ này.

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 6

Sản phẩm thu hoạch sau một ngày được đặt lên bàn cân ở điểm thu mua phế liệu.

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 7

Góc nhà của vợ chồng anh Lê Văn Thiết và chị Căn Val (dân tộc Pa Cô) đang sống trong cùng cực vì nghèo nơi thôn Kà Cú 2, xã Hồng Vân. Chiếc máy dò đành bỏ không vì hai vợ chồng anh bị di chứng chất độc da cam không đủ sức lao động nặng. Một cậu con trai của anh chị từng chết vì đào trúng trái đạn 105 ly.

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 8

Em Lê Thị Kiên (18 tuổi, nạn nhân của bom bi), con gái anh Thiết và chị Val ngậm ngùi kể: "Em bắt được tín hiệu có kim loại, chưa biết dưới đó là cái gì, mới cuốc được chừng 3 nhát là bị nổ, bất tỉnh luôn". Khi ấy Kiên mới 16 tuổi, và là một trong số rất hiếm những người trong toàn A Lưới may mắn thoát chết khi đối diện với những vụ nổ do bom mìn. Dù vậy, sức công phá của quả bom đã làm gãy hai tay và chân phải của Kiên. Mắt em nhìn bất cứ vật gì cũng mờ mờ vì khi bom nổ bị khói bột bay vào mắt. Những ngày trời quá lạnh hoặc quá nóng, các vết thương trên mình trở nên đau nhức dữ dội, tai ù đi, đầu ong ong như bị búa bổ. Ngay cả chuyện đi lại cũng không vững. Hiện nay, Kiên ngồi nhà đan vợt xúc cá giết thời gian. "Em làm cho có việc thôi, chứ ở đây đâu ai mua mấy cái thứ ni", Kiên tâm sự.

Sống cùng bom đạn thời hiện đại ảnh 9

Một trái bom tấn còn nguyên vẹn nơi vườn nhà anh Quỳnh Tâm, thôn Kà Cú 1. Với anh và nhiều người dân ở đây, trái bom là "của để dành" phòng khi người nhà đau bệnh mới cưa ra đem cân sắt. Đã có gia đình lâm vào tình cảnh như thế, cả hai cha con mất mạng vì bom nổ, còn người vợ bệnh không tiền phải ôm bệnh, trốn viện...

Người dân đang đi rà miểng bom trên đường lên Dốc Mèo - nơi có những trận đánh khốc liệt năm xưa. Những nơi chiến trường xưa càng nóng, kết quả "thu hoạch" cơm áo càng đỡ vã.

Sống với bom mìn họ phải trả giá đắt. Gia đình anh Thiết, chị Val trả giá bằng tính mạng của một đứa con trai và thương tật nặng nề của một đứa con gái. Anh Lê Văn Nga, một trong những nạn nhân sống sót và bị cháy sém khắp người, hư một mắt vì đào phải kíp bom Napalm

Người dân xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên Huế sở hữu rất nhiều bom đạn. Tàn tích chiến tranh để lại xã, nơi có địa danh Dốc Mèo với những trận đánh ác liệt năm xưa, là bạt ngàn đạn pháo, cả những trái bom tạ, bom tấn còn nổi nguyên trên mặt đất, sống cùng với dân nghèo trong xã. Dân trong xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Cô, hầu hết đều sinh sống bằng nghề dò miểng bom mìn, phế liệu dù biết bao người đã chết tang thương vì dò phải bom mìn. Ngay cả những em nhỏ chưa đầy 10 tuổi, cũng rời bỏ trường học, lên rừng dò miểng bom. Kiến thức nhỏ nhoi cộng với nghèo khổ khiến các em chẳng cần phân biệt đâu là bom đâu là miểng, rà máy phát hiện có tín hiệu kim loại là mừng, vung cuốc bới lên, chỉ cần một cú chạm nhẹ kích trái nổ là tan xác.

Biết dò miểng bom, trái đạn là đối mặt với hiểm nguy, với cái chết, nhưng người dân nơi đây không còn nghề nào khác hơn. Để có cái ăn, cái mặc, nuôi sống gia đình, họ bất chấp nỗi sợ hãi ngày ngày đi tìm miểng bom, trái đạn còn nằm đâu đó dưới lớp đất rừng.

Theo Zing.vn

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast