Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2009

Sáng 5-9, tại TP Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2009.

Dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; đồng chí Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư; các tỉnh, thành phố; các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế và hiệp hội ngành nghề... và gần 500 đại biểu quốc tế gồm đại diện các Ðại sứ quán: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hung-ga-ri, Xin-ga-po, Australia, Pháp... và một số tổ chức, định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản...

Diễn đàn là cơ hội để các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi ý kiến, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Tây Nguyên, góp phần tạo nguồn lực đưa Tây Nguyên phát triển... Khu vực này có nhiều tiềm năng với hơn hai triệu ha đất ba-dan, thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cà-phê, cao-su, hồ tiêu,... quặng bô-xít có trữ lượng vào loại lớn trên thế giới (khoảng 6 đến 7 tỷ tấn) đã được Chính phủ đưa vào chương trình phát triển quốc gia... Hiện dự án khai thác bô-xít Tân Rai (Lâm Ðồng) với công suất 650 nghìn tấn/năm đang được thi công xây dựng nhà xưởng. Dự án Nhân Cơ (Ðác Nông) đang trong giai đoạn thẩm định tác động môi trường và hiệu quả kinh tế. Một trong những tiềm năng lớn của Tây Nguyên là du lịch, có TP Ðà Lạt, với những thác nước, vườn quốc gia và nhiều hồ, sông, suối đẹp... Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Mai Văn Năm: Tây Nguyên vẫn là địa bàn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư, các tỉnh trong vùng đều có chỉ số năng lực cạnh tranh nằm ở nhóm từ trung bình đến thấp.

Trong tám năm (2001-2008), tổng số vốn đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên chỉ đạt 109 nghìn tỷ đồng, bằng 4% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước; vốn ODA 929 triệu USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần 1,2 tỷ USD đầu tư vào 128 dự án... Việc thiếu sức hút đầu tư do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, địa hình đồi dốc, xa các trung tâm kinh tế lớn, không có cảng biển, đường sắt cho nên chi phí vận chuyển cao... Hoạt động xúc tiến đầu tư rời rạc, thiếu sự phối hợp và chỉ mới tập trung kêu gọi đầu tư trong nước mà chưa chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài. Ngành du lịch ít có sản phẩm mang tính liên kết giữa các tỉnh và các sản phẩm du lịch ở các tỉnh hầu như giống nhau, chưa tạo ra sự khác biệt, bản sắc.

Tại diễn đàn, đại diện các tỉnh Tây Nguyên giới thiệu 120 dự án đang kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế... với tổng số vốn kêu gọi lên tới gần 100 nghìn tỷ đồng, trong đó, tỉnh cần nhiều vốn nhất là Lâm Ðồng, với 85.838 tỷ đồng, Ðác Lắc 5.153 tỷ đồng, Kon Tum 4.761 tỷ đồng, Ðác Nông 2.134 tỷ đồng và Gia Lai 1.918 tỷ đồng. Lĩnh vực kêu gọi nhiều vốn nhất là xây dựng với 63.859 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng 29.936 tỷ đồng, du lịch 2.808 tỷ đồng, công nghiệp 2.006 tỷ đồng, nông - lâm - nghiệp 625 tỷ đồng, y tế 250 tỷ đồng và giáo dục - đào tạo là 230 tỷ đồng.

Diễn đàn còn là cơ hội góp phần tạo ra nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, bảo đảm nâng cao đời sống của nhân dân vùng Tây Nguyên. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tài trợ cho ba huyện nghèo nhất ở Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc ở các huyện này vươn lên thoát đói nghèo.

Nguồn: Báo Nhân dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast