Nguyễn Du với đất nước Trung Hoa trong "Bắc hành tạp lục"

(Baohatinh.vn) - Khác hẳn mọi bài thơ, tập thơ sứ trình thời trước cũng như sau đó, Bắc hành tạp lục không viết đến đề tài thù tạc, ứng đối. 131 bài thực sự là “nhật ký tâm trạng” của Nguyễn Du, kể cả những bài vịnh cảnh, vịnh sự tích và nhân vật lịch sử Trung Hoa. Do đó, qua tập thơ, độc giả nhận ra khá rõ nhãn quan trên nhiều phương diện về nhân thế đương thời (và cả muôn đời sau) của Tố Như.

Ở bài viết này, chúng tôi chỉ nói về một góc - mà chỉ trên nét lớn - cách nhìn cùng tình cảm Đại thi hào Việt Nam với đất nước, con người Trung Hoa trong lịch sử và đương thời.

Tư thái văn hóa đỉnh cao của vị Trưởng đoàn sứ bộ Việt Nam trên dải đất Trung Hoa

Trước hết, nhà yêu nước Nguyễn Du chất chứa trong mình niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc và rất mạnh mẽ. Qua Bắc hành tạp lục, đã hiện lên một chân dung tinh thần bình dị, tự nhiên mà cao lớn lồng lộng. Chỉ đơn cử một bài: Kỳ lân mộ (mộ kỳ lân).

Theo sách cổ, kỳ lân là một giống linh thú, gọi là giống thú có nhân, chỉ khi nào nước có thánh nhân thì kỳ lân mới xuất hiện, nó là điềm lành báo hiệu thời thịnh trị. Trên đường đi sứ, qua Hà Bắc, thấy cái bia cao năm thước, đề “Kỳ lân mộ”, ông lão bên đường cho Tố Như biết: cách đây đã lâu (hơn 400 năm), con kỳ lân được đem tiến vua Minh Thành Tổ (1403-1424), niên hiệu Vĩnh Lạc, chết dọc đường, chôn ở đây. Mượn hình tượng con kỳ lân, vị trưởng đoàn sứ bộ, nhà yêu nước Nguyễn Du thể hiện những triết lý - tư tưởng mà ngày nay chúng ta đọc thấy thật khoái cảm. Là lòng thương hại: Ôi kỳ lân! Mày là giống vật báo điềm lành ở trên trời/ Mà nay, thịt xương để mặc cho sâu kiến đục khoét.

Nguyễn Du với đất nước Trung Hoa trong "Bắc hành tạp lục" ảnh 1

Hình tượng Nguyễn Du được tái hiện trong vở chèo "Dòng lệ Tố Như" do nhà hát chèo Việt Nam dàn dựng

Là nỗi căm hận, rủa nguyền tên Hoàng đế Minh Thành Tổ: cướp ngôi của cháu, khi cơn giận nổi lên, giết hại 10 họ người ta, chỉ trong 5 năm, giết hơn trăm vạn nhân mạng, nên “Ôi kỳ lân! Nếu mày vì người ấy mà ra đời/ Thì mày chỉ là loài yêu quái, có gì đáng quí?’’. Nhưng trong thẳm sâu tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du chính là mối hận lịch sử với tên vua độc ác này đã xua quân xâm lược nước ta, vơ vét bạc vàng, giết hại dân ta, bắt hàng vạn đinh tráng, phụ nữ và nhi đồng giải về Trung Quốc làm nô lệ và xây đắp thành Bắc Kinh để dời kinh đô lên đó.

Nhược đạo năng vị thánh nhân xuất,

Đương thế hà bất Nam du tường?

(Nếu bảo vì thánh nhân mà kỳ lân xuất hiện,

Buổi ấy sao không sang dạo chơi phương Nam?).

Có lẽ không cần bàn luận gì thêm về niềm tự hào, tự tôn dân tộc giản dị và chói ngời ở nhà văn hóa, văn học Việt Nam Nguyễn Du!

Từ cảm quan yêu nước, tự hào dân tộc, trên cơ sở nhãn quan văn hóa, văn minh, Nguyễn Du đã “xới tung” lịch sử, danh nhân Trung Quốc tưởng đã an bài.

Với Trung Hoa mà Nguyễn Du “mục sở thị” - tận mắt chứng kiến, đâu phải là “khuôn vàng, thước ngọc” như đương triều Gia Long noi theo. Cảnh người hành khất, chết đói, cảnh nghẽn đường vì bạo loạn v.v… có ở khắp nơi:

Thường nghe nói đất Trung Hoa, ai cũng no ấm,

(Không ngờ) Trung Hoa cũng có người như thế ấy!

(Thái Bình mại ca giả - Người hát rong ở Thái Bình)

Bài Phản chiêu hồn, chống lại bài từ Chiêu hồn của Tống Ngọc, người cùng thời với Khuất Nguyên, gọi hồn về, theo chúng tôi là một khái quát nghệ thuật - tư tưởng phủ định tuyệt đối phần xấu xa trong trật tự xã hội phong kiến Trung Hoa đương thời, khuyên hồn Khuất Nguyên đừng trở lại cõi trần:

Đông, tây, nam, bắc không có nơi nào nương tựa đâu!

Lên trời xuống đất đều không được.

Nơi nơi bọn vua quan cai trị:

…Họ không để lộ vuốt nanh, sừng và nọc độc,

Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường.

Tầm nhìn cùng tình cảm không biên giới của Đại thi hào với đất nước, con người Trung Hoa

Yêu quê hương mình là đáng quí, song không lạ. Bắc hành tạp lục có rất nhiều bài thơ, hồn thơ say đắm với cỏ cây, sông núi, thắng tích của nước láng giềng Trung Hoa.

Đây là một cảm xúc khá điển hình trong thơ thi hào Việt Nam về thiên nhiên nước bạn:

Một mái chèo giữa dòng sông mặc cho trôi đi,

Đến đâu núi sông cũng đều có cái thú như từng quen biết,

Hùm rắn mừng thấy người, không ra oai,

Chỗ vạn gốc cây thông kia là nhà sư ở,

Chỗ có làn khói lạnh là hòn đá hình chim én bay.

Im lặng ngồi trong cửa sổ thuyền, không có việc gì

Nghe khúc hát thuyền chài trên sông và nhìn bóng chiều tà.

(Thuyền xuôi ghềnh, mừng làm thơ - Há than hỉ phú)

Nguyễn Du trân quí hết lòng những vị anh hùng kiệt hiệt, những nhà lập đức, lập ngôn nổi tiếng của Trung Hoa. Thi hào Nguyễn Du rất mực kính mộ Đỗ Phủ, « Thi Thánh’’ đời Đường:

Văn chương ông lưu truyền muôn đời, ông cũng là bậc thầy muôn đời,

Tôi bình sinh khâm phục ông, không lúc nào xa rời.

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)

Với ‘‘Thi Tiên’’ Lý Bạch, trong quan niệm của Nguyễn Du, thơ ông đã làm ‘‘Con cá, con chim ở đây đều thành tiên cả’’, nhân kiệt Lý Bạch đã tạo ra địa linh cho xứ đầm Đào Hoa, nơi Lý Bạch làm thơ tặng Uông Luân. Hai bài thơ « Hoàng hạc lâu » và « Hán Dương vãn diểu » của thi hào Nguyễn Du có những ý thật sâu sắc về bài thơ ‘‘Hoàng hạc lâu’’ của Thôi Hạo (701-754): đó là thơ không biết thời gian, « Bài thơ làm xong, cây cỏ cũng được truyền thiên cổ’’ (Thi thành thảo thụ giai thiên cổ).

Thi hào Việt Nam đau đớn tận gan ruột mình những nỗi bi thảm của người Trung Hoa bị chà đạp. Đó là những người yêu nước thiết tha nhưng bị chết thảm như Khuất Nguyên, Nhạc Phi. Đó là những người phụ nữ nhan sắc tuyệt thế nhưng bị mang tiếng oan như Dương Quý Phi đời Đường,… Thống thiết nhất là lời thơ Thi hào Việt Nam nói đến lớp người dưới đáy xã hội. Cảnh ông già mù hát rong ở Thái Bình khiến Nguyễn Du đau đớn nghĩ ‘‘Người ta thà chết còn hơn nghèo’’, cảnh 4 mẹ con ăn xin rách rưới chờ ngày chết bên cống rãnh, xác làm mồi cho cầy sói, hối thúc ngòi bút Tố Như dũng cảm lên tiếng buộc tội:

Ai vẽ bức tranh này

Dâng lên nhà vua rõ.

(Sở kiến hành - Những điều trông thấy)

Thơ Đỗ Phủ viết về chính đồng bào ông đói khát, rét giá, có lẽ cũng chỉ thống thiết bằng lời thơ Nguyễn Du viết về họ. Với Đại thi hào Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tình thương là không biên giới!

Lần giở Bắc hành tạp lục, độc giả Việt Nam, độc giả Trung Quốc và thế giới sẽ nhận ra chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Du - người Việt Nam tiêu biểu - một chủ nghĩa nhân văn vô bờ bến! Cách đây hơn hai trăm năm, đại Thi hào Nguyễn Du đã xây nên nền tảng cao quý, vững chắc cho tình cảm quốc tế, thế mà ngày nay, con người hiện đại, có nơi, có lúc đang chà đạp thô bạo…!

Theo cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, H.1978) do 2 ông Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp; ông Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính, ông Trương Chính giới thiệu và một nhóm dịch giả, dịch thơ, thì Bắc hành tạp lục có 131 bài, Nguyễn Du sáng tác trên đường đi sứ Trung Hoa nhà Thanh với tư cách Trưởng đoàn sứ bộ triều Nguyễn Gia Long, trong thời gian từ tháng 2/1813 đến đầu năm 1814.

Hội viên Hội Kiều học Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast