Lãng phí nguồn nhân lực hậu xuất khẩu lao động

(Baohatinh.vn) - Dù được đào tạo và có kỹ năng nghề cao, song, có một thực tế là nhiều lao động ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sau khi hết hợp đồng làm việc tại nước ngoài trở về nước gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Lãng phí nguồn nhân lực hậu xuất khẩu lao động

Anh Nguyễn Văn Đạt (xã Cổ Đạm) là 1 trong số ít người tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm trong thời gian lao động ở nước ngoài để đầu tư thiết bị, máy móc để phát triển sản xuất tại quê nhà.

Nghi Xuân là một trong những địa phương có số lượng lao động xuất khẩu lớn nhất cả tỉnh, do đó, lao động hết hạn hợp đồng trở về khá cao. Tuy nhiên, giải pháp tạo việc làm cho các đối tượng này của địa phương chưa có cách làm hiệu quả.

Anh Lê Thanh Phương (thôn Lâm Hải, xã Xuân Liên) sau thời gian lao động tại Hàn Quốc trở về không tìm được việc làm phù hợp nên xúc tiến cơ hội tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Anh Phương chia sẻ, dù rất muốn được ở gần gia đình, quê hương nhưng rất khó để tìm được việc phù hợp với ngành nghề đã từng làm ở nước ngoài, chưa kể, mức thu nhập cũng khá thấp. Vì vậy, anh đành chấp nhận quay lại xứ người.

Trường hợp của anh Phương là tình trạng chung với rất nhiều lao động xuất khẩu về nước khác. Ông Trần Thế Tài, Chủ tịch UBND xã Xuân Liên cho biết, địa phương hàng năm có khoảng 200 lượt người đi xuất khẩu lao động và khoảng 70 lao động về nước. Các lao động trở về thường sử dụng các khoản tiền tích góp được để xây dựng công trình nhà cửa, gửi ngân hàng hoặc kinh doanh bất động sản. Ít có lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp với tay nghề nên nhiều người tìm cách tiếp tục đi nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, khi những lao động này nhiều tuổi hơn, sẽ cần phải tính toán để giải quyết việc làm cho họ sau khi trở về nước.

Lãng phí nguồn nhân lực hậu xuất khẩu lao động

Đến nay, xưởng của anh Nguyễn Văn Đạt thu hàng trăm triệu động mỗi năm

Còn chủ tịch UBND xã Cổ Đạm Nguyễn Thái Tứ cho hay, việc tìm kiếm việc làm vẫn chủ yếu do các lao động tự lực. Địa phương chưa có phương án hiệu quả trong tạo việc làm cho lực lượng này mà chủ yếu là hỗ trợ theo chính sách của nhà nước để họ tự phát triển sản xuất bằng nguồn vốn sẵn có. Tuy nhiên, các mô hình hiệu quả đến nay vẫn còn khá ít.

Anh Nguyễn Văn Đạt (thôn 5, xã Cổ Đạm) là một trong số rất ít những người ở lại quê hương lập nghiệp sau khi trở về từ nước ngoài. Anh tâm sự: "Năm 2004, tôi đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với ngành nghề cơ khí. Sau 5 năm, tôi trở về, dùng số tiền tích góp được từ nước ngoài, đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua thiết bị công nghệ phát triển xưởng cơ khí, sản xuất cửa, tủ từ nhôm, nhựa… tại nhà. Đến nay, mỗi năm xưởng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho gia đình; tạo việc làm cho 5 – 10 lao động với mức thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng."

Lãng phí nguồn nhân lực hậu xuất khẩu lao động

...tạo việc làm cho 5 - 10 lao động với mức thu nhập khá

Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Xuân Lê Hồng Tình cho biết, hàng năm, huyện có khoảng 400 - 500 lao động xuất khẩu trở về địa phương. Hầu hết lao động sau xuất khẩu vẫn phải tự tìm kiếm việc làm trong nước hoặc tiếp tục xuất khẩu lao động. Các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, dù có nhu cầu lao động có tay nghề nhưng khó chi trả mức lương cao nên không tìm được tiếng nói chung với đội ngũ lao động xuất khẩu.

Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ, người từng đi xuất khẩu lao động được xem là nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế, nguồn lao động này đang bị lãng phí...

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast