Tổ quốc tượng hình dáng mẹ

(Baohatinh.vn) - Có lẽ trên thế giới, chỉ có đất nước Việt Nam mới có hai chữ “đồng bào” để nói về nhân dân từ truyền thuyết bọc trứng của mẹ Âu Cơ. Tổ quốc và mẹ đã gắn bó với nhau từ xa xưa. 50 đứa con lên rừng, 50 đứa con xuống biển. Biển và rừng cùng chung nhịp đập của trái tim lớn, cùng chung huyết mạch của cội nguồn “đồng bào”.

Dáng hình đất nước thật mảnh mai nhưng lại sừng sững như một con đê chắn bão. Yếu tố “nước” biến hóa khôn lường, tùy cơ ứng xử: “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”. Nhà thơ Huy Cận khi viết về đất nước đã kết tinh lại phẩm chất của con người Việt Nam như vậy.

Giữa quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2/9/1945, hình ảnh người lãnh tụ trở nên thật gần gũi, bình dị và tự hào với mỗi người dân khi Người chuẩn bị đọc Tuyên ngôn khai sinh đất nước đã dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hai tiếng “đồng bào” rất đỗi thiêng liêng lần đầu tiên được tôn vinh, sưởi ấm lòng người trong nắng thu Ba Đình lịch sử. Có lẽ không có hình ảnh nào đẹp hơn: Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ (Tố Hữu) trong phút giây linh thiêng ấy.

Tổ quốc tượng hình dáng mẹ ảnh 1

Cửa Nhượng. Ảnh Hương Thành

Có rất nhiều bài thơ viết về mùa thu lại gắn với hình ảnh đất nước. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi mở đầu bài thơ Đất nước bằng những hồi tưởng có sức gợi ngân vọng da diết trong lòng mình: “Gió thổi mùa thu hương cốm mới - Tôi nhớ những ngày thu đã xa - Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”. Và hình ảnh đất nước hiện lên thật hào sảng: “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta - Những cánh đồng thơm mát - Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.

Sông Hồng - sông Cái - sông mẹ của đất nước có những khúc chảy quặn thắt nhưng bừng lên sắc đỏ trĩu nặng của yêu thương và đồng vọng. Nhà thơ Nam Hà đã từng viết một tráng khúc về Tổ quốc: “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi”! Có những câu thơ đến bây giờ đọc lên, chúng ta vẫn thấy tràn đầy niềm tự hào xúc động: “Đất nước của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”.

Giọt nước mắt của những cuộc chia tay trong chiến tranh gợi cho ta hình bóng mẹ già lồng trong hình Tổ quốc. Không có đất nước nào trên thế giới lại có dáng núi Vọng Phu của người vợ chờ chồng tạc vào mây trắng như ở đất nước Việt Nam ta. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những phát hiện rất minh triết khi nhận ra đất nước có: “Cặp vợ chồng yêu nhau góp lên hòn Trống Mái” và: “Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, ông Trạng, bà Đen, bà Điểm - Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi - Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”. Khi mà dọc dải đất hình chữ S của đất nước có: Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.

Có lẽ, không có tượng đài nào vinh quang hơn tượng đài Bà mẹ anh hùng ở Quảng Nam - nơi có mẹ Thứ với 11 người con, 1 rể và 1 cháu ngoại ra trận không về. Nước mắt đã chảy ngược vào lòng mẹ. Tổ quốc và mẹ đã hóa làm một. Khung cửi dệt vải của mẹ Hoàng Thị Loan, người đã sinh ra cho đất nước một vĩ nhân thật bình dị. Tiếng thoi đưa hay tiếng lòng của mẹ. Chợt vọng lên trong tôi những câu thơ da diết của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh khi viết về người mẹ thật đời thường, thật Việt Nam mà cũng thật lớn lao, thật nhân loại: “Ăn đi con nào đưa cho mẹ xới/ Mẹ vẫn giấu con chuyện này: xóm dưới…/ À thôi, chẳng vội để mai sau/ Giặc tan rồi nắng đỏ chín buồng cau”.

Những ngày thu đất nước này, tôi nhiều lần ngẩn ngơ đứng lặng trước những bến sông. Bến sông còn đó, con đò còn đây, lặng lẽ cắm sào nửa như trông ngóng, nửa như hoài vọng ngỡ là bình yên mà thăm thẳm đơn côi. Cầu lớn đã bắc vượt qua sông. Nhưng chúng ta không bao giờ quên những chuyến đò ngang ngày ấy: “Con đò ngang quay ngược lại chờ tôi - Bát nước chè giữa trưa hè đậm chát”. Cũng như không thể quên được con đò của mẹ Suốt đưa những đoàn quân qua sông Nhật Lệ giữa “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”. Con đò - dòng sông như một hình ảnh đất nước thu nhỏ. Và bắt đầu từ đây, những làn điệu dân ca với nhịp khoan thai của mái chèo hay nhịp hò khỏe khoắn của bài ca lao động đã góp cho đất nước những giá trị văn hóa phi vật thể truyền từ đời này sang đời khác.

Và tiếng mẹ “Ầu ơ…” trên cánh võng đã chắp cánh cho bao thế hệ lớn dậy như huyền thoại Thánh Gióng với rặng tre đằng ngà với những ao đầm ngát thơm hương sen mùa hạ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen - Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về hình ảnh của Bác rất đẹp: “Ôi người cha - Đôi mắt mẹ hiền sao”. Vâng, “đôi mắt mẹ” của vị lãnh tụ kính yêu vẫn dõi theo suốt dặm dài đất nước. Tổ quốc bấy giờ là tượng hình của mẹ. Mẹ bấy giờ là Tổ quốc ở trong con…

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast