"Vùng đất tử thần": Tiếng thở dài trước góc khuất xã hội Mỹ

Đằng sau câu chuyện về góc khuất xã hội Mỹ, Vùng đất tử thần (tựa gốc: Wind River ) hàm chứa những thông điệp mạnh mẽ nhằm khơi dậy tính thiện trong mỗi con người.

vung dat tu than tieng tho dai truoc goc khuat xa hoi my

Đây là tác phẩm mà Taylor Sheridan “cầm trịch” ghế đạo diễn, gây chú ý ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) với giải Đạo diễn xuất sắc ở hạng mục Nhãn quan độc đáo (Un Certain Regard). Ông đồng thời kiêm luôn vai trò tác giả kịch bản sau hai tác phẩm gây tiếng vang trước đó là Sicario (2015) và Hell or High Water (2016) (hai phim này ông viết kịch bản, không đạo diễn).

Với tác phẩm này, ông tiếp tục đào sâu vào một trong những góc khuất của nước Mỹ hiện đại: đó là những vụ mất tích bí ẩn hằng năm của những người da đỏ bản địa, đặc biệt là những người phụ nữ mà không hề có một số liệu thống kê cụ thể. Vùng đất tử thần theo chân cuộc điều tra về cái chết của một cô gái xấu số (do Kelsey Chow thủ vai) của anh chàng thợ săn Cory (Jeremy Renner) và nữ cảnh sát FBI Jane (Elizabeth Olsen).

Kịch bản Vùng đất tử thần ăn điểm ở chỗ tập trung xuyên suốt vào tuyến truyện chính là cuộc điều tra chứ không sa vào những chuyện bên lề như hai phim trước đó ông viết kịch bản. Đồng thời, phim được làm rất tròn trịa khi xử lí vấn đề đến nơi đến chốn: đầu phim mở ra “nút thắt” để đến cuối phim kết lại một cách đầy thỏa mãn. Không chỉ dừng lại ở yếu tố kịch bản chất lượng, bộ phim còn cho thấy cách làm phim chắc tay khi phần nhạc phim, hình ảnh, gam màu cũng như những yếu tố khác góp phần khiến cho Wind River ăn điểm trong mắt khán giả.

vung dat tu than tieng tho dai truoc goc khuat xa hoi my

Âm nhạc, màu phim, khung hình… của phim Vùng đất tử thần gợi nhớ đến tác phẩm lẫy lừng Fargo (1996) Ảnh: Acacia Filmed Entertainment

Tuy nhiên, cũng chính những yếu tố trên của phim gợi nhớ đến một tượng đài hình sự khác trong quá khứ: tuyệt tác Fargo (1996) của anh em đạo diễn nhà Coen. Sự gặp gỡ giữa hai phim này đó chính là cách làm phim cũng như nội dung câu chuyện. Nếu tác phẩm của anh em nhà Coen lấy bối cảnh là thị trấn Fargo thì Taylor Sheridan lại lấy vùng Wind River (cũng là tựa phim) làm không gian chính để phá án. Không dừng lại ở đó, cả hai phim này đều phô ra những đại cảnh với tông màu trắng xóa, cho thấy sự nhỏ bé đến cùng cực của thân phận con người. Taylor Sheridan đã kể câu chuyện của mình với một bầu không khí u ám, trầm lắng, khá giống với Fargo. Tuy có những điểm trùng khớp với nhau như vậy nhưng giữa nền điện ảnh Mỹ đương đại, Wind River vẫn có một chỗ đứng riêng.

Vùng đất tử thần còn được bảo chứng chất lượng phim bởi những diễn viên nổi tiếng. Tài tử Jeremy Renner đã có một vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp của mình khi vượt qua vai diễn siêu anh hùng (sêri The Avengers hay Captain America: Civil War) để hóa thân thành một chân dung rất đời thường. Người đẹp Elizabeth Olsen, bạn diễn của anh cũng hóa thân thành nữ cảnh sát FBI quả cảm, táo bạo nhưng đôi lúc cũng yếu lòng. Cả hai diễn viên đã “gánh” phần lớn thời lượng phim nhưng với lối diễn xuất chân thật, không phô trương, chính họ đã giúp cho phim thêm thành công.

Trong ba tác phẩm mà Taylor Sheridan viết kịch bản, những góc khuất xã hội được ông đưa lên màn ảnh một cách hết sức khéo léo. Cái khéo hơn cả trong phim Vùng đất tử thần đó là tác phẩm đã nói lên được những vấn đề rất con người được giấu bên trong vỏ bọc hình sự kịch tính. Vấn đề đó không gì khác là sự cám dỗ dẫn đến tội ác. Taylor Sheridan đã triển khai triệt để mối quan hệ “ân đền oán trả” ở đoạn cuối phim. Tuy nhiên vấn đề trả thù mà ông mang đến trong những khung hình lại không nặng nề như trong The Revenant (2015) của đạo diễn Alejandro González Iñárritu, càng không “ầm ĩ” như Kill Bill (2003 - 2004) của Quentin Tarantino mà nó được giải quyết một cách khá nhanh và nhẹ. Tuy vậy, nó vẫn mang lại một hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt khiến người xem cảm thấy thỏa mãn. Do đó mà nhà phê bình Peter Bradshaw của tờ Guardian đã nói: “Wind River là một phim thông minh và thật sự gây kinh ngạc”.

vung dat tu than tieng tho dai truoc goc khuat xa hoi my

Wind River là tác phẩm hứa hẹn sẽ gây tiếng vang cho đạo diễn Taylor Sheridan tại giải Oscar lần thứ 90 tới Ảnh: Acacia Filmed Entertainment.

Vị đạo diễn 47 tuổi đã cho thấy một bước tiến trong tư duy làm phim của mình: từ chỗ đặt vấn đề mở trong hai phim trước đó (thông qua việc viết kịch bản), ông “quán triệt” vấn đề mà mình đặt ra trong phim này. Tuy nhiên, Vùng đất tử thần chẳng qua cũng là một tiếng thở dài trước góc khuất xã hội Mỹ khi cuối phim, bầu không khí trầm lắng lại bao trùm. Cảnh thợ săn Cory ngồi với anh chàng người da đỏ Ben (do Graham Greene đóng) cuối phim như vừa thông cảm, vừa bế tắc, để lại ít nhiều dao động trong lòng khán giả.

Điểm trừ của phim là vụ án được giải quyết nhanh đến không ngờ, gây hẫng cho người xem. Dẫu vậy, đa phần giới phê bình Mỹ vẫn khen ngợi Vùng đất từ thần không ngớt. Thậm chí, cây bút Andrew Carroll của trang Film Ireland Magazine còn “tâng bốc”: “Vùng đất tử thần là một trong những phim hay nhất năm 2017”. Không có gì lạ khi phim được chấm 86% trên trang Rotten Tomatoes với 117 bài đánh giá từ giới phê bình. Phim cũng nhận điểm số 8,1/10 từ hơn 12.500 ý kiến đánh giá của khán giả trên trang IMDb. Khó có thể phủ nhận một điều rằng, Taylor Sheridan là cái tên “đang lên” ở Hollywood. Wind River là minh chứng tiêu biểu cho tài năng làm phim của ông, đồng thời cũng là cột mốc quan trọng trong nghiệp diễn của một số diễn viên. “Đứa con cưng” này thậm chí còn được dự đoán sẽ “chinh chiến” tại giải Oscar lần thứ 90 tới.

Theo Thế Sang/Thanh Niên

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast