Mỹ cân nhắc chuyển kho vũ khí tới sát sườn Nga

Giới chức Mỹ gần đây nhiều lần đề cập khả năng chuyển kho vũ khí hạt nhân sang Ba Lan nếu Đức từ chối tiếp quản.

Nga trước đó nhiều lần cảnh báo sẵn sàng triển khai tên lửa hạt nhân tối tân tới Cuba nếu an ninh của nước này bị Mỹ đe dọa. Những diễn biến này đang gợi nhớ về bóng ma cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, khi Liên Xô phản ứng với việc triển khai hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đưa tên lửa tới Cuba.

Mỹ cân nhắc chuyển kho vũ khí tới sát sườn Nga

Chiến hạm Nga đến cảng Havana ngày 24/6. (Ảnh: EPA).

Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher mới đây ám chỉ Ba Lan có thể đồng ý tiếp quản kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu nếu Đức muốn giảm tiềm năng hạt nhân và làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuyên bố của Đại sứ Mỹ đưa ra trong bối cảnh một số thành viên trong Đảng Xã hội Dân chủ thuộc liên minh cầm quyền tại Đức đề xuất loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi lãnh thổ nước này. Giới chức Ba Lan vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về tuyên bố của Đại sứ Mỹ, nhưng nước này trước đó bày tỏ sẵn sàng để lực lượng Mỹ đóng quân.

Cân nhắc là vậy nhưng Mỹ và NATO vẫn đang cố gắng thuyết phục Đức duy trì kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này. Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cho rằng, nếu Đức thực hiện điều này là một hành động phản bội cam kết với NATO.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Đức thể hiện vai trò trách nhiệm của một quốc gia thành viên: “Trong nhiều thập kỷ qua Đức đã gắn liền lợi ích của mình với Liên minh xuyên Đại Tây Dương, tạo ra khuôn khổ cho chính sách an ninh của nước này ở mọi thời điểm quan trọng. Chúng ta cần một nước Đức vững mạnh ở trái tim của NATO và Đức cũng là một đồng minh giá trị của NATO”.

Trong bối cảnh Mỹ hủy bỏ Hiệp ước Kiểm soát vũ khí INF và không mặn mà với các cuộc đàm phán gia hạn Hiệp ước hạt nhân cuối cùng còn lại với Nga, nếu Mỹ chuyển kho vũ khí hạt nhân sang Ba Lan có thể dẫn đến biện pháp đáp trả mạnh mẽ từ phía Nga.

Nga trước đó nhiều lần cảnh báo sẽ lập tức triển khai các tên lửa của mình đến gần biên giới Mỹ và Cuba được cho là lựa chọn khả dĩ nhất vì từ vị trí này, một cú đánh vào Mỹ có thể được thực hiện trong khoảng 30 - 40 giây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng tuyên bố nước này sẵn sàng cho một kịch bản giống như “Khủng hoảng tên lửa Cuba” nếu Mỹ muốn:“Hiện không có lý do gì để leo thang căng thẳng lên mức giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Chúng tôi không muốn điều này xảy ra. Tuy nhiên nếu một ai đó muốn thì cứ triển khai, Nga sẵn sàng cho điều này”.

Bất chấp có một số đề xuất từ các thành viên Dân chủ xã hội, chính phủ Đức gần đây vẫn khẳng định cam kết đối với khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, giúp xoa dịu các lo ngại này. Người phát ngôn chính phủ Đức khẳng định, chiếc ô hạt nhân của Mỹ kéo dài sang Đức vẫn nằm trong cam kết của nước này thúc đẩy khả năng răn đe của NATO./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast