Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh - Sống mãi cùng di sản dân tộc…

(Baohatinh.vn) - Mới hôm qua đây, tôi và một người bạn còn nói chuyện với nhau về ca từ của Trịnh Công Sơn trong bài “cát bụi”, tôi giải thích cho anh hiểu về câu “vết mực nào xoá bỏ không hay”. Như thể một điềm báo, sáng nay, bóp nghẹt từng nhịp tim tôi là tin về sự ra đi của nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh khi ông vừa chạm ngõ mùa xuân thứ 92 của cuộc đời...

Nghề báo đã cho tôi có cơ hội gặp gỡ và quen biết với nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng cơ duyên được gặp gỡ với nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh là một trong những mối quan hệ mà tôi trân quý nhất. Hơn 10 năm quen biết, tôi thường xuyên đến “quấy rầy” ông mỗi khi cần một kiến thức hoặc sự gợi ý nào đó cho bài viết của mình.

Tôi nhớ, lần đầu tiên khi tôi chạy xe dọc con ngõ 12 đường Xuân Diệu thâm trầm và dừng lại trước cánh cổng kéo hờ của ngôi nhà số 17 để gặp ông, một cảm giác yên bình, tịch lặng dâng ngập hồn tôi. Phòng khách của gia đình cũng chính là thư phòng làm việc của ông. Ở đó, tôi thấy cả một gia tài đồ sộ từ những cuốn sách cổ bày gọn gàng, khoa học trên suốt bức tường chạy dọc phòng khách. Phía đối diện, ông Thái Kim Đỉnh lặng lẽ ngồi bên chiếc đèn bàn và cong mình viết lách. Từ bấy đến nay, tôi đã đến ngôi nhà đó không biết bao lần.

nha nghien cuu van hoa thai kim dinh song mai cung di san dan

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh (Ảnh: CAND)

Từ sau lần đầu tiên ấy, lần nào tôi cũng tự đẩy cửa rồi lặng lẽ bước vào nhà. Trừ những khi ông mệt nhọc, còn lại ông đều vui vẻ, thoải mái, tận tâm chỉ bảo và chuyện trò. Tôi, trái lại, thường hay e dè bởi ý nghĩ mình đang chiếm hữu thời gian quý hoá của ông. Rất bình dị và dân dã, ông thường xưng “mình” và gọi tôi là o, sau khi bà Miên vợ ông đã pha nước mời khách ông từ từ ngoảnh lại ân cần hỏi “O cần chi mồ?”, rồi “o đọc sách nớ chưa”, “để mình tặng o cuốn ny mình mới tái bản”, “o phải đọc nhiều mới khái quát được”, “thỉnh thoảng o đến chơi cho mình giải khuây tý”, “mình đang làm cuốn ny cùng anh Võ Hồng Huy”, “mình nghĩ là mình cũng không còn mấy thời gian nữa mô”…

Mùa xuân năm trước, cũng độ xuân xanh này, ông lặng lẽ đến đưa tiễn người bạn vong niên Võ Hồng Huy về cõi vĩnh hẵng. Gặp tôi, ông điềm nhiên nói “không biết khi mô đến lượt mình o nà”. Không biết, có phải đất trời xếp đặt hay không mà cũng cữ này, khi ông đạt đến độ tuổi thuở ông Võ Hồng Huy viên tịch ông cũng ra đi. Sau đó, ông viết và gửi đăng trên Báo Hà Tĩnh bài viết rất sâu sắc “Võ Hồng Huy và hành trình thầm lặng”. Không ngờ rằng, đó cũng chính là bài báo cuối cùng của ông trên Báo Hà Tĩnh.

Trong đời thường, ông Thái Kim Đỉnh kém bạn mình 1 tuổi và ông luôn dành sự kính trọng, ngưỡng mộ đối với tài năng, trí tuệ, nhân cách của bạn. Trong công việc, mỗi người cũng có một hành trang riêng, gia tài riêng và Thái Kim Đỉnh luôn tôn kính, ngưỡng mộ những gì nhà nghiên cứu văn hoá Võ Hồng Huy để lại cho đời. Bài ông viết về nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy chỉ đơn thuần là chuyện kể, nhưng đằng sau những câu chữ ấy an nhiên ấy, tôi vẫn cảm nhận được nỗi lo lắng mơ hồ, về một ngày không xa, chính ông cũng không còn được ngồi bên những trang sách, không còn được cầm cái kính lúp để soi chữ và làm sống dậy những di sản văn hoá đang cần được đánh thức nữa…

Cụ cố, ông nội và thân sinh của Thái Kim Đỉnh đều là những người uyên thâm cả Hán học, Nho học rồi Tây học. Ông trải qua thời niên thiếu tại nhà bác ruột, nơi không gian bao trùm bởi những pho sách cổ. Niềm say mê với di sản văn hoá của quê hương cũng từ đó bắt rễ vào tâm hồn, trí tuệ của ông, dần hình thành trong ông một hướng đi của cuộc đời. Suốt mấy chục năm gắn bó với di sản văn hoá quê hương, ông lặng lẽ, kiên cường, bình thản đối mặt, trải qua những gian khổ, khó khăn của đời sống để vẫn thảnh thơi đi bộ một cách chậm rãi mà sâu sắc, uyên thâm trên cánh đồng văn hoá Nghệ Tĩnh…

Trong những câu chuyện ông kể và ngót nghét 100 cuốn sách ông đã in chung, in riêng, tôi mường tượng ra bóng dáng lặng lẽ của ông trong những ngôi làng có bóng tre đổ dài trên hun hút đường quê, tôi như còn thấy rõ ông ngồi trên những con thuyền gỗ thâm nâu đi dọc những con sông quê hương, và đâu đó trên dãy Ngàn Hống thâm u, trong những đình, đền, chùa, miếu, dấu chân ông vẫn in hằn trên những vỉa đá, trên những nền đất phủ xanh rêu… Nhân cách của một ông đồ Nghệ và trí tuệ mẫn tiệp đã đưa ông đi qua những cám dỗ đời thường, những hào quang của danh vọng một cách nhẹ tênh để ông có thể ung dung làm tròn lại những thứ đã bị đời sống xã hội làm biến dạng, khơi tỏ những thứ đã bị thời gian phủ mờ.

nha nghien cuu van hoa thai kim dinh song mai cung di san dan

Tác phẩm Thơ văn quanh Truyện kiều của Thái Kim Đỉnh

Thái Kim Đỉnh nổi tiếng là người khoáng đạt. Có lần nhà văn Đức Ban nhận xét “Thái Kim Đỉnh là người sâu sắc, kỹ lưỡng trong làm và khoáng đạt đến nhẹ tênh trong chơi”. Những gì tôi nhìn thấy và cảm nhận về ông cũng chính là điều nhà văn Đức Ban nói, với bạn bè, với thế hệ trẻ, với những ai đến với ông bằng thiện chí, bằng nhu cầu mở rộng trí thức ông không hề giấu diếm điều gì. Chính vì thế, không chỉ viết sách, ông còn cộng tác với rất nhiều tờ báo lớn nhỏ, trong đó có Báo Hà Tĩnh. Không kể là báo trung ương hay địa phương, mỗi khi nhận lời ông đều viết rất trách nhiệm. Lần mới nhất tôi đến thăm ông bà để đưa nhuận bút cho ông, ông còn rất minh mẫn. Hôm ấy dù mới trải qua một trận ốm nhưng ông vẫn cần mẫn làm việc. Cũng như mọi lần, ông vừa cười tủm tỉm vừa nói rất điềm nhiên, “mình phải làm chứ không biết đi gặp anh Huy khi mô mô”. Không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp gỡ ông, được nắm bàn tay gầy guộc nhưng ấm áp của ông, được ngồi lặng lẽ ngắm ông hiền từ nghiêng nghiêng cầm chiếc kính lúp tròn soi lên những con chữ…

Cát bụi nào được hoài thai rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi. Thái Kim Đỉnh không trở về cát bụi trong hào quang của danh vọng mà bằng ánh sáng của những di sản văn hoá mà ông và bạn bè cùng thời của ông đã cố công nghiên cứu, hồi sinh. Rồi đây, căn nhà lặng lẽ của ông sẽ càng thêm lặng lẽ. Bà Miên – người vợ hiền từ của ông sẽ thôi không còn được chăm bẵm từng miếng ăn, cốc nước cho ông, không còn được ngồi lặng lẽ sau lưng ngắm người chồng mẫn tiệp của mình làm việc nữa. Ông ra đi khi trí tuệ hãy còn mẫn tiệp và dở dang bao công trình nghiên cứu. Một vết mực nào đó nay mai sẽ gạch tên ông trên hộ tịch của phường nhưng tôi tin, trong tâm cảm những người ở lại, hình bóng ông vẫn gần thật gần. Và ông vẫn ở đâu đó, nhẹ nhàng trong thư phòng đầy sách, vẫn gần bên chiếc kính lúp thân thuộc và những trang giấy còn biên dở…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast