Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh đối phó lá chắn tên lửa

Trung Quốc đang phát triển vũ khí có tốc độ hàng chục nghìn km/h để đối phó với lá chắn tên lửa mà Mỹ và Nhật Bản thiết lập ở Đông Á.

Japan Times dẫn nguồn tin tạp chí quốc phòng Kanwa, cho biết lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc gần đây đang phát triển chương trình vũ khí siêu thanh (phương tiện bay có tốc độ trên Mach 5, tương đương với 6.123 km/h). Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản, Đài Loan thiết lập lá chắn phòng thủ tên lửa, cũng như kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn THAAD của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên.

Vũ khí siêu thanh là thế hệ tiếp theo của các phương tiện tấn công tái nhập khí quyển có thể bay với tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh (Mach 10), tương đương với 12.200 km/h. Các vũ khí này có tốc độ siêu nhanh và lướt dọc theo rìa không gian nên rất khó để đánh chặn.

Ngoài ra, lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc đang phát triển vũ khí siêu thanh thông qua phương tiện mang phóng khác. Một công ty nhà nước Trung Quốc được chỉ định triển khai chương trình Project 089 nhằm phát triển vũ khí siêu thanh sẽ được phóng từ các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.

trung quoc phat trien vu khi sieu thanh doi pho la chan ten lua

Đồ họa phương tiện bay siêu thanh WU-14 của Trung Quốc. Ảnh: Sputnik

Truyền thông Mỹ từng cho hay Trung Quốc đã tiến hành 7 thử nghiệm vũ khí siêu thanh, gồm 6 lần được cho là thành công, trong những năm gần đây. Bắc Kinh thừa nhận các thử nghiệm. Trước đó, Trung Quốc có thể cũng đang phát triển một vũ khí siêu thanh tầm ngắn để nhắm các mục tiêu ở Đông Á.

Các chuyên gia nhận định lá chắn tên lửa của Nhật Bản có thể bị vô hiệu hóa nếu Trung Quốc phát triển thành công vũ khí siêu thanh.

Năng lực phòng thủ tên lửa của Nhật Bản dựa trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của lực lượng Phòng vệ trên không và tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 trên các tàu khu trục Aegis của lực lượng Phòng vệ biển.

Đài Loan cũng triển khai hệ thống phòng không PAC-3 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ đã thỏa thuận triển khai Hệ thống đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.

Mỹ và Nga đang tích cực phát triển khả năng tấn công bằng vũ khí siêu thanh. Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang phát triển chương trình Phương tiện tấn công nhanh toàn cầu HTV 2 có thể tấn công bất kỳ nơi đâu trên trái đất chỉ trong một giờ.

Nga đang phát triển tên lửa siêu thanh Zircon có khả năng phóng từ tàu chiến hoặc tàu ngầm có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 400 km chỉ trong 2,5 phút. Ngoài ra, Moscow được cho là đang phát triển phương tiện bay siêu thanh Yu-71 phóng từ tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast