Sợ vợ

Đang dắt xe đi làm, Đức bị thụi một cái đau điếng vào lưng và một khẩu lệnh đanh gọn vang lên: Mất não à quên cơm. Anh lẳng lặng chạy vào nhà xách hộp cơm.

“Trưa ăn nhớ gọi”, Minh Trang, vợ Đức nhắc tiếp. “Nhớ rồi”, anh đáp rồi nổ máy. “Trong gia đình tôi, mọi lời của vợ là thánh chỉ”, Trần Minh Đức, 27 tuổi, công nhân một nhà máy ở Hưng Yên cười, phân bua trước khi phóng xe đi làm.

Đúng giờ cơm trưa, Đức gọi video, lia máy quay một vòng để chứng minh với vợ là mình đang ngồi ở nhà ăn công ty. Nổi tiếng là người sợ vợ nên chẳng ai thấy khó hiểu với hành động của anh. Hàng ngày, vợ Đức bắt phải mang cơm trưa, ăn tại công ty nên mỗi sáng anh dậy sớm nấu, tranh thủ đun cháo cho con và bỏ đồ vào máy giặt. Lịch trình đi làm của anh luôn cố định, không được sớm quá 5 phút, cũng không về muộn quá 10 phút. Tiền lương hàng tháng của anh được chuyển thẳng vào tài khoản vợ, tin nhắn thông báo lương, thưởng cũng bằng số điện thoại cô. Thỉnh thoảng bạn rủ đi uống bia, anh phải trình bày đi với ai, ở đâu, mấy giờ về và tuyệt đối không dám về quá giờ vợ cho phép 10 phút.

Mặc dù nghe lời vợ như thế, anh chồng vẫn thường bị đánh. Hàng xóm đã từng chứng kiến những lần cô vợ không vừa ý là anh chồng bị đấm, đá. “Thú thật là tôi sợ cô ấy”, Đức chia sẻ.

Anh Phạm Ngọc Linh, 36 tuổi, ở Hà Nội cũng tự nhận mình là người sợ vợ . Đang điều hành một công ty dịch vụ quảng cáo nên anh bận bịu tối ngày, nhưng cứ về nhà là biến hình thành một osin tiêu chuẩn. Ngoài rửa bát, quét nhà, anh tắm cho ba con, vợ sai gì làm đấy. Bị chị quát mắng, anh chỉ dám cười trừ. Kinh tế gia đình đều do một tay anh lo toan, tuy nhiên việc lớn nhỏ nào ở nhà lẫn công ty, anh đều tham khảo ý kiến chị. “Nếu cô ấy không thông, tôi không dám quyết”, Linh nói.

Sợ vợ

Anh Linh thường xuyên bày tỏ tình cảm, nói “sợ vợ” trên mạng xã hội và tin “sợ vợ” là cách để giữ gìn hạnh phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú “đàn ông sợ vợ” là một chủ đề có thể nói mãi không hết chuyện. Nó vừa có thể nói bằng giọng bi ai, vừa có thể đem ra làm chuyện cười, dùng để “luận bàn đẳng cấp” giữa đàn ông với nhau, lại có thể dùng để châm biếm, giễu nhại chính các bà vợ khi họ không có mặt.

Anh Tú từng gặp và chơi với rất nhiều đàn ông sợ vợ. Có người bạn đi tới đâu, ngồi với ai cũng phải chụp ảnh selfie để gửi về báo cáo bởi vợ hay ghen. Có hôm người đó đang uống nước, anh Tú cùng một đồng nghiệp nữ bước đến ngồi chung bàn cho vui. “Cậu ấy uống vội cốc nước rồi đứng dậy về luôn vì không biết giải thích thế nào để vợ tin cô gái ngồi cùng là đồng nghiệp thằng Tú”, nhà báo Hoàng Anh Tú kể. Lý do vì anh đã một lần ngoại tình bị vợ phát hiện nên sợ.

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Hà Nội) chia sẻ, có một nam khách hàng là tổng giám đốc một công ty trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có tiền tài và quyền lực. “Nhưng đứng trước vợ anh ấy như một con cún”, bà Thành nói.

Người vợ to cao, đanh đá, hay lớn tiếng với chồng không chỉ trong nhà mà còn trước mặt xóm giềng, họ hàng. Thậm chí cô ngoại tình ngay trong nhà mình với người đàn ông từng được chồng cưu mang. Lúc anh chồng phát hiện, đối chất ba mặt một lời, yêu cầu họ chấm dứt quan hệ thì bị vợ sỉ nhục trước mặt người tình. “Xót xa nhất là cô ấy đem điểm yếu nhất của anh ra nói, đó là việc anh không đáp ứng được nhu cầu của vợ”, bà Thành chia sẻ.

Dù sự việc đến mức ấy, người đàn ông này vẫn không bỏ vợ. Sau này chính người vợ chán chồng, bỏ đi xuất khẩu lao động, cặp bồ rồi ở lại nước ngoài, còn người chồng vò võ nuôi hai con.

Theo chuyên gia Kim Thành, đàn ông sợ vợ thường chia làm ba kiểu. Thứ nhất, tôn trọng, yêu vợ nên lắng nghe, coi trọng ý kiến của vợ. Kiểu này nói sợ vợ cho vợ thêm yêu thôi chứ thực chất là nể trọng. Người vợ trong trường hợp này thường là những người mà giá trị, cách sống của họ được coi trọng trong mắt chồng và trong gia đình.

Kiểu sợ vợ thứ hai là nhường nhịn cho êm thấm nhà cửa. Người vợ của đối tượng này thường cũng đáo để. Người chồng hiểu chuyện và chủ động chọn nhường, vì có nói cũng không đi tới đâu, chỉ gây thêm mâu thuẫn, xung đột.

Kiểu thứ ba là sợ vợ thật, như bị át vía, bắt vía. Kiểu này người chồng không muốn sợ vợ nhưng không biết làm cách nào để phản kháng. Người vợ của đối tượng này thường là “nữ tướng” trong nhà, cai quản và kiểm soát mọi thứ và cả chồng. Thậm chí có trường hợp thấy bắt nạt được chồng còn có hành động quá đà, hành xử thiếu tôn trọng, tệ hại với chồng.

Dù sợ vợ theo cách nào, đằng sau đều có lý do. Như anh công nhân Minh Đức thuộc diện từng phạm lỗi nên bị vợ bắt vía. Vợ chồng anh kết hôn khi cả hai là sinh viên đại học, vì lỡ có bầu. Nhiều người khuyên nên bỏ thai để học tiếp, nhưng Trang chọn cưới, chăm con, rồi làm công nhân nuôi chồng hết đại học. Từ hai bàn tay trắng, phần lớn nhờ tài vun vén của cô mà giờ họ có nhà cửa ở riêng.

Ba năm trước, Minh Đức nói dối đi làm xa không về, thực chất thuê trọ ở chung một một cô gái trẻ. Trang biết chuyện không đánh ghen, mà đưa cho tờ giấy ly hôn, nhà cửa, con cái thuộc về cô. “Khi sắp mất vợ con, tôi mới hoảng sợ. Tôi ân hận vì đã khiến người phụ nữ hy sinh cho mình nhiều đến vậy phải đau khổ”, Đức nói. Anh xin vợ tha thứ. Trang nói sẽ vì con mà bỏ qua nhưng “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, từ nay mọi việc trong nhà phải nghe lời cô.

Trang thừa nhận đang bắt nạt chồng, nhưng cô cũng lựa lúc không có mặt người ngoài và các con. Năm chồng đi cặp bồ còn mang về khoản nợ 50 triệu đồng, cũng đến tay cô phải trả. “Tôi trở nên kiểm soát, gai góc chỉ vì muốn anh không tái phạm. Khi nợ trả hết, niềm tin tìm lại, tôi hy vọng trở lại mình của ngày xưa”, chị tâm sự.

Từ phía anh Phạm Ngọc Linh, nỗi sợ phần nhiều đến từ sự nể vợ. Hồi mới cưới vợ anh, chị Diệu Hương từng làm chủ một cửa hàng văn phòng phẩm, sau đó sinh liền ba con trai nên chỉ ở nhà nội trợ. Chị vốn kém tiếng Anh nhưng muốn làm gương cho con nên tự học, đến giờ cả mấy mẹ con đều đã chinh phục được ngoại ngữ này. Vừa chăm con vừa lo việc nhà, chị vẫn dành thời gian học đàn piano, học may và thể thao giữ dáng. Đặc biệt, cách đối nội, đối ngoại của chị khiến anh luôn được “ngẩng cao đầu”.

Anh Linh phân tích, trong loạt phim Diệp Vấn (Trung Quốc), nhân vật chính là một võ sư, võ công siêu hạng nhưng lúc nào cũng răm rắp nghe lời vợ. Nếu như trong phần một của phim, Diệp Vấn bảo “Trên đời này không có người đàn ông nào sợ vợ, chỉ có người đàn ông tôn trọng vợ”, thì đến phần ba, võ sư Vịnh Xuân thừa nhận bản thân thực sự sợ vợ. Một cái thở dài, một cái quay lưng, hay một giọt nước mắt của vợ cũng làm ông đứng ngồi không yên.

“Tôi cũng học theo Diệp Vấn, mình làm anh hùng bên ngoài chứ cần gì thắng thua với người đầu gối tay ấp”, anh nói. Mặc kệ bị người khác gắn cho mác sợ vợ, anh còn thấy tự hào và xem đây như bí quyết gìn giữ hôn nhân.

Chị Hương cho biết thêm, những người xung quanh đều nói anh sợ chị, bởi anh cũng thừa nhận “đứng trước vợ là bẹp dí như con gián”, song chị nghĩ đấy là cách anh thể hiện tình yêu và sự tôn trọng dành cho chị.

Chuyên gia tâm lý Kim Thành cho rằng những người phụ nữ khiến chồng phải sợ theo kiểu bắt nạt chồng nên thay đổi thái độ, hành vi ứng xử với chồng tích cực hơn, bởi cho dù họ có thắng chồng thì cũng không còn được nâng niu, yêu chiều. Người chồng sợ vợ không thể cảm thấy vợ đáng yêu. Đặc biệt họ đánh mất hình ảnh người chồng, người cha đáng kính. “Cuộc hôn nhân như vậy gây ngộ độc cho những người trong cuộc”, bà nói.

Nhà báo Anh Tú thì cho rằng đàn ông yêu vợ nên học cách sợ vợ, bởi khi trong lòng tồn tại một nỗi sợ, chúng ta sẽ biết trân trọng hôn nhân hơn, biết nghĩ đến cảm xúc của vợ hơn. Còn chị em phụ nữ, hãy khiến chồng biết sợ mình, nhưng đừng bằng việc làm mình làm mẩy, quát nạt hay dọa đánh chồng.

“Chị em hãy khiến người đàn ông sợ bằng chính giá trị của mình, đó là sự độc lập của bản thân. Hãy chứng minh các chị em yêu chồng nhưng vẫn có thể sống không cần chồng nếu như anh khiến mối quan hệ này trở nên độc hại”, anh Tú nói.

Theo Dương Nga/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast